Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27894752
page views since June 01, 2005
MS64 - 11/07: Lên Đường Lao Động

Lịch Sử Qua Lời Ke

Cải Tạo Tư Tưởng

Nguyễn Huy Hùng

LTS: Xin giới thiệu tuỳ bút về trại Suối Máu của Cựu Đại Tá Nguyễn Huy Hùng, Nguyên Chủ Nhiệm Nhật Báo Tiền Tuyến, Phụ Tá Tổng Cục Trưởng TCCTCT.

Khoảng độ 3 tuần lễ sau đợt học tập loạt 10 bài cải tạo tư tưởng, từng khu tù được lần lượt chuyển đi khỏi trại Long Giao, không biết đi đâu. Nhiều nguồn tin được loan truyền râm ran giữa các khu, qua các “toán anh nuôi” đi lãnh thực phẩm mỗi buổi sáng ngoài cổng trại, nghe ngóng đem về rỉ tai nhau.

Tác giả Nguyễn Huy Hùng

Có người đồn về trại Sóng Thần, làm lễ mãn khoá cấp Thẻ Công dân Xã hội Chủ nghĩa, để về đoàn tụ với gia đình. Có người đoán ra đảo Phú Quốc, nơi có một trại rất lớn giam tù binh Cộng sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam trước kia, trong vùng vịnh Hà Tiên tỉnh Châu Đốc, để học tập làm người lao động trong Hợp tác xã. Có người đồn đi vùng cao nguyên, tham gia lao động sản xuất trong các hợp tác xã. Tin tức dồn dập rối mù hàng ngày, chẳng biết đâu mà mò.



Tôi chân thật đưa ý kiến dự đoán, có thể bị đưa ra Bắc học tập lao động trong các hợp tác xã, một thời gian tối thiểu dăm bảy năm thử thách. Nếu thấy ai có tiến bộ, thực lòng quy phục Nhà Nước Xã hội chủ nghĩa, và không chết vì bệnh hoạn, thiếu ăn, thiếu thuốc, kiệt lực, còn sống sót, mới hy vọng được tha về đoàn tụ với gia đình. Lập tức bị mấy bạn đang lạc quan, tin tưởng được đưa về trại Sóng Thần làm lễ tha, phản đối cho tôi là bi quan đoán tầm bậy. Từ đó tôi đành im lặng không góp ý với ai, về bất cứ vấn đề gì nữa. Vì sợ phải tranh luận chứng minh, không hợp ý muốn “chủ quan” riêng của các bạn, có thể bị “ăng-ten” xuyên tạc báo cáo, chẳng có lợi gì trong hoàn cảnh đang bị tập trung tù tội.

Sở dĩ tôi đoán vậy là vì, chỉ có giam trong vùng đất miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, lạ cảnh lạ người, không biết đường đi nước bước ra sao, tù mới không dám và không có cách nào móc nối với bên ngoài để thực hiện việc trốn trại. Mạng lưới Công an nhân dân dày đặc khắp mọi nơi, không cần tốn thêm ngân quỹ “bố trí” bọn cảnh vệ canh giữ ngày đêm.

Hơn nữa, thời gian phục vụ trong ngành Chiến tranh Chính trị, Tôi đã phải nghiên cứu tìm hiểu nhiều về Cộng sản Thế giới, nên chưa quên các sự kiện diễn tiến lịch sử trong các nước Cộng sản. Trong “quá trình hoạt động vùng lên cướp chính quyền”, tất cả Liên Xô, Trung Cộng, và các nước theo chủ nghĩa Cộng sản khác kể cả Cộng Sản Việt Nam, đều dùng sách lược “đấu tranh tiêu diệt giai cấp” để giành quyền lãnh đạo. Không bao giờ họ để những người trong giai cấp cầm quyền thuộc chế độ họ lật đổ, được sống còn và sống chung với họ.

Một sự kiện lịch sử vô nhân đạo rõ nét nhất, cả Thế giới đều biết là, Cách mạng tháng Mười Liên Xô thành công, tất cả các giai cấp không thuộc giới công nhân vô sản đều bị đưa đến vùng Si-bê-ri. Họ bị đày đoạ chết lần mòn bỏ thây giữa nơi hoang vu băng tuyết lạnh lùng, vì phải ngày đêm quanh năm suốt tháng lao động khổ sai kiệt sức, đói rét, thiếu thực phẩm thuốc men, sống trong những túp nhà thiếu tiện nghi tối thiểu, dưới sự hành hạ tàn bạo của Hồng quân. Sự kiện này đã được một nhà văn Nga nổi tiếng tên là Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn (Mỹ gọi là Alexander Solzhenitsyn) được giải Nobel về Văn chương năm 1970, viết thành truyện có tựa đề Gulag Archipelago (ốc đảo), viết tắt từ Glavnoye Upravleniye Ispravitelno-Trudovykh Lagerey. Cuốn truyện này đã được Thomas P. Whitney. NY: Harper & Row dịch ra tiếng Anh, phát hành lần đầu tiên vào năm 1973. Truyện kể về Hệ thống quản trị các trại tập trung lao động cải tạo của Liên Xô (Chief Administration of Corrective Labor Camps). Thời Việt Nam Cộng Hoà hình như đã có người chuyển dịch sang Việt ngữ.

Khu các Trung tá, Thiếu tá, bao 2 bên phiá trái và phía phải khu Đại ta,ù chúng tôi được lần lượt di chuyển đi trước. Các dãy nhà tôn mấy tháng nay đầy người ồn ào vui nhộn, nay trở thành hoang vắng lạnh lùng, khiến chúng tôi nao nao kiên nhẫn chờ đợi trong âu lo. Hồi hộp hay “hồ hởi” tuỳ theo dòng suy tư riêng của mỗi người. Ngày giờ trông đợi cứ chậm chạp trôi qua, theo sương đêm lạnh lùng và ánh nắng ngày gay gắt.

 Thế rồi điều mong đợi cũng đã đến vào một sáng đẹp trời, chúng tôi được lệnh đóng gói “tư trang” để “hành quân” trong ngày. Trại phát phần ăn khô cả ngày cho mỗi người. Hình như 2 khúc bánh mì và mấy miếng thịt kho thì phải, Tôi không nhớ chắc. Mãi đến xế chiều mới có đoàn xe Molotova chở chúng tôi, rầm rầm tung bụi chạy vào trong khu. Các Đội tập họp để Bộ đội áp tải kiểm danh, và phân phối lên xe.

Khi đoàn xe chuyển bánh, mặt trời đang từ từ lặn xuống ngang đỉnh dẫy rừng núi phía Tây trại Long Giao. Đoàn xe ra Quốc lộ, bon bon chạy về hướng Sài Gòn. Mấy anh tin tưởng được về trại Sóng Thần làm lễ tha, mừng vui cười nói oang oang. Tiếng nói của họ vừa phát ra khỏi miệng, đều bị tan bay ngay theo gió, ngược chiều với hướng xe chạy.

Đi ngang vùng ga Sóng Thần, không thấy đoàn xe rẽ vào, một dự đoán khác lại được loan ra. Chắc về bến Tân Cảng nơi đầu cầu Xa lộ khu Thị Nghè, Sài Gòn để xuống tàu thuỷ chuyển ra đảo Phú Quốc.

Tất cả các tin đồn đều sai hết. Khi đèn điện các thị trấn nằm dọc bên đường bắt đầu bật sáng, lúc gần tới Biên Hoà, đoàn xe rẽ vào đường đi Suối Máu, Tam Hiệp. Nơi có Trại tạm giam tù Cộng Sản Bắc Việt xâm nhập miền Nam, đợi đưa đi trao đổi tù binh tại cầu Hiền Lương, tỉnh Quảng Trị, hồi năm 1973 sau khi Hiệp Ước Paris được ký kết.

Đoàn xe ngừng bên hàng rào chằng chịt hai ba lớp kẽm gai cao, trước cổng một khu giam nhìn thấy lộ lớn. Bộ đội áp tải thúc hối “khẩn trương” xuống xe tập họp. Đèn pha trước cổng bật lên sáng choá, rọi đường cho “cải tạo viên” tay xách nách mang tư trang, nối đuôi nhau từng người một, vòng vèo di chuyển theo lối đi chữ chi, bề ngang hẹp chừng 80 phân, giữa 2 hàng rào kẽm gai cao một thước, dựng lên phía trong cổng vào.

Hình như về đây nằm chờ phân phối đi các nơi khác, nên chẳng thấy có chương trình học tập lao động cải tạo nào được phát động. Ở không, chẳng có việc gì làm, những người vốn có máu mê thì ngày ngày túm năm tụm ba trong các láng ở, lập sòng bài, đánh chắn, mạt chược, xì phé, cờ tướng, sát phạt vui chơi bằng những gói mì ăn liền, đôi ba điếu thuốc lá, để giải khuây.

Đồ nghề như bài lá (chắn, tam cúc, tứ sắc, sì phé) và quân cờ Mạt chược, cờ tướng, cờ Domino chẳng thiếu. Nhiều nhóm có đồ nghề thứ thiệt sản xuất tận Hồng Kông, do thân nhân gửi kèm trong quà, theo lời xin ghi trong thơ được phép gửi về nhà hồi trước Noel. Những nhóm thuộc loại neo túng, không yêu cầu gia đình cung cấp, thì lấy bià cứng của các hộp bánh kẹo gia đình gửi vào cắt ra, vẽ hình vẽ chữ lên dùng tạm. Trông thấy cũng rất đẹp, dùng chơi cũng thú vị chẳng kém gì bài lá thứ thiệt.

Ít ngày sau, nhờ phát giác được củi đun bếp là loại gỗ cây cao su, mộc mềm, mịn, dễ đẽo, lại trắng muốt có thể viết mực lên mặt gỗ dễ dàng, nên một số anh đã hì hục gọt đẽo làm quân cờ tướng, cờ Mạt chược, cờ Domino, trông rất đẹp.

Tôi cũng bắt trước đẽo một bộ Mạt chược, và học cách đánh Mạt chược. Loại bài này chơi cũng tương tự như chơi Chắn Phỗng, nên Tôi học rất nhanh. Chỉ cần nhớ thêm các Khung, Hoa, Lá, và cách làm bài ăn lớn là được. Cũng chẳng khó gì, ghi luật lệ chơi vào một tờ giấy để trên đùi, lại có thêm ông thầy ngồi kè ngay bên để mách nước, thành ra chơi cũng mau thạo lắm.

Không ai nỡ hối thúc người mới vào nghề, nhưng việc đánh không đúng bài để cho người ta ù lớn, phải chi tiền thế cho thiên hạ thì không được tha. Mỗi lần phải chi tiền đền thay thiên hạ như vậy là một tai hoạ lớn, làm cho tiêu gia bại sản dễ như chơi. Thường chỉ những lúc Thầy cố vấn mắc đi giải quyết việc riêng, các tay mơ ngồi chơi bài một mình, mới bị các kiện tướng lừa vào tròng. Họ làm như vậy là muốn tạo cho mình học hỏi kinh nghiệm mau “tiến bộ”, nhưng cũng để có dịp cho họ vui cười lượm bạc cắc, trước sự đau khổ của mình.

Trong thâm tâm, ai cũng vẫn luôn luôn nhớ bài học thuộc lòng hồi Tiểu học: “Cờ bạc là bác thằng bần, Ai mà dính nó xa chân vào cùm”. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, các loại giải trí này cũng là những phương tiện tốt để giết thì giờ, khỏi phải suy nghĩ vẩn vơ. Ngồi không bàn tán chuyện tào lao, lỡ gặp phải dân “ăng-ten” nghe được báo cáo thì khốn cả lũ.

Trong khi đó, ở ngoài giữa sân có 2 anh, bị Cán bộ chỉ định, phải ngồi phơi nắng hì hục gõ gõ, đục đục, cắt miếng tôn còn mới, gò ghép thành một chiếc thùng lớn, hình ống cao có nắp đậy, có lẽ để đem về nấu bánh chưng Tết. Tôi đến ngồi xem, bắt chuyện làm quen, biết được một anh là Đại tá Trịnh Đình Đăng. Người “Anh hùng An Lộc”, nguyên Trưởng Phòng 3 của Sư đoàn, bị thương mà không chịu rời Bộ tham mưu đi tản thương, nhất quyết ở lại cùng anh em tử thủ. Đến khi viện binh của Quân đoàn giải vây xong, Tổng thống Thiệu đã cho thả bộ cấp hiệu Đại tá xuống ngay trận tuyến, thăng cấp đặc cách mặt trận cho anh ấy.

Hồi chiến trận An Lộc xảy ra, Tôi đang làm Chủ nhiệm Nhật báo Tiền Tuyến, đã cho chạy tin 5 cột vàø ảnh của anh Đăng nơi trang nhất, đến bây giờ mới được gặp mặt người “Anh hùng An Lộc” bằng xương bằng thịt. Trước khi bị động viên theo học khoá Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, Anh Đăng đã có học Trường Kỹ Thuật Bách Khoa tại Hà Nội, nên rất giỏi về chuyên nghiệp thợ nguội. Anh Đăng có một thời gian phụ trách Xây dựng Nông thôn tại Quân đoàn 3. Trước ngày 30-4-1975, làm việc trong Bộ Tham mưu Tiền phương của Quân đoàn 3 tại tuyến đầu Phan Rang, dưới quyền chỉ huy của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi.

Tôi ngồi chuyện gẫu làm quen, và quan sát gần cả buổi, mới ngỏ lời xin học nghề. Anh Đăng vui vẻ bằng lòng, và chỉ dẫn cho Tôi thứ tự những việc phải làm, theo từng động tác rất kỹ lưỡng. Nhờ vậy, Tôi đã tự gò được chiếc gầu múc nước nho nhỏ cỡ 2 lít, chiếc soong có cả quai xách và nắp đậy rất vừa vặn xinh đẹp, đủ lớn để nấu canh cho 4 người dùng một bữa. Lúc đó Tôi ăn chung mâm với 2 anh Đại tá Pháo binh, và anh Đại tá Võ Quế gốc Không quân (em ruột Tướng Võ Dinh).

Suốt thời gian mười mấy năm cải tạo về sau, anh Đăng và Tôi luôn luôn ở cùng Trại. Chúng tôi cùng thuộc nhóm Đại tá đầu tiên, bị chuyển qua Trại tù do Công An “quản lý” ở Tân Lập, Vĩnh Phú. Anh Đăng và Tôi được “biên chế” vào chung một Đội. Rồi cùng phải chuyển đi Trại Thanh Phong, Thanh Hoá. Đến tháng 4 năm 1982, chúng tôi được đưa về Trại Z30C, rồi Z30D ở vùng quận Hàm Tân, Thuận Hải miền Nam Việt Nam, cho đến khi được tha vào giữa tháng 2 năm 1988, Tết Mậu Thìn. Hiện nay anh Đăng đang định cư tỵ nạn tại California.

Sau Tết dương lịch, các đội được thay phiên đưa ra đồng, sát ngay bên thiết lộ Saigon-Biên Hoà, để cuốc đất vun luống trồng khoai mì. Một sự kiện đã xẩy ra vô cùng ngoạn mục không ngờ được là, khi đoàn xe hoả chạy ngang qua khu vực lao động của chúng tôi, trên các toa xe đầy đặc bộ đội Cộng sản mặc đồ tác chiến, súng lăm lăm nơi tay, thế mà có một nhóm trẻ em chơi sát đường rầy, đã can đảm ném đá khi đoàn xe chạy ngang, và lớn tiếng chửi : “-Đ.M. Cách mạng giải phóng!”

Bộ đội Cách mạng mang súng đi theo canh bọn tù cải tạo chúng tôi, chỉ nghệt mặt làm ngơ yên lặng chẳng nói gì. Chúng tôi phải giữ thái độ thản nhiên, như không hề thấy sự việc vừa xảy ra. Nhưng khi về trong trại, anh em mới sôi nổi ngỏ lời bàn tán, thán phục mấy em nhỏ thật là dũng cảm.

Kể từ ngày hôm sau, không đội nào được đưa ra ngoài lao động nữa. Thật là một chuyện vui bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Có thế, bọn nhân danh Cách Mạng Giải Phóng mới hiểu được rằng, dân chúng miền Nam chẳng ưa gì họ, mà chỉ sợ vì họ là những người không còn nhân tính có vũ khí trong tay, có thể giết bất cứ ai, kể cả Cha Mẹ nếu Đảng chỉ thị. Như trường hợp điển hình của Cán bộ trung kiên cao cấp lão thành Trường Chinh chẳng hạn.

Trước khi Trường Chinh được Đảng đưa lên làm Tổng Bí Thư, đã từng phải thi hành lệnh Đảng về quê “nơi chôn nhau cắt rốn”, đấu tố xử tử chính Cha ruột của mình, trong chiến dịch cải cách ruộng đất ở miền Bắc Xã hội chủ nghiã hồi năm 1955, thời gian CSVN nắm toàn quyền sinh sát trên đất Bắc, theo Hiệp định Genève tháng 7-1954 ký kết với Pháp do lệnh các quan Thầy Nga Tầu “chỉ đạo”.

Hành trang chuẩn bị xong rồi
Tập trung từng đội đứng ngồi đợi xe
Xôn xao chuyện gẫu bên hè,
Nôn nao chẳng biết chuyển về nơi đâu
Cao nguyên Phú Quốc Cà Mau
Côn Sơn Quảng Đức rừng sâu đồng bằng
Có nguồn tin nhảm đồn xằng
Tập trung về trại Sóng Thần, Lễ tha
Ngây thơ quá đỗi thật thà
Đấu tranh giai cấp thả ra thế nào
Động cơ vận tải lao xao
Mặt trời đang tụt phía sau cây rừng
Lên xe nửa sợ nửa mừng
Gian truân bám hại tới chừng nào đây
Xe lăn bánh gió hây hây
Người đi kẻ ở vẫy tay tiễn chào
Lâu rồi mới thấy đồng bào
Dọc hai bên lộ dẫn vào Hố Nai
Nhà thờ cửa đóng then cài
Chẳng như thuở trước, trong ngoài đầy Chiên (1)
Xót xa thương nhớ vợ hiền
Làm sao xoay sở có tiền nuôi con
Còn Trời, còn nước, còn non
Còn quân Cộng Sản, Em còn gian truân
Cầu xin Trời Phật linh Thần
Độ cho Em được yên thân hàng ngày
Vững tâm vượt hạn hôm nay
Trời thương chẳng hại, còn ngày gặp nhau
Thất thời đành chịu lao đao
Tới đâu hay đó hơi nào mà lo
Xe ngưng trời đã tối mò
Đèn pha rọi sáng điểm cho Tù vào
Ngoằn ngoèo theo giậu kẽm cao
Nối đuôi hàng một bước vào khu giam
Mỗi gian năm chục chỗ nằm
Nhà tôn tiền chế xi măng đúc nền
Gióng hàng ngủ dọc hai bên
Đầu quay đụng vách, gối lên đồ dùng
Nội quy luật lệ tập trung
Chín giờ đèn tắt, hạ mùng ngủ yên
Riêng Ta vận khí luyện thiền
Quên đi bao nỗi truân chiên trong ngày
Quên đi mọi nỗi đắng cay
Giữ hồn trong sáng đợi ngày tự do
Đấu tranh dựng lại cơ đồ
Cho toàn dân Việt ấm no phú cường
Nơi nơi bàng bạc tình thương
Nhân quyền bác ái bốn phương hài hoà
Ví rằng Trời chẳng thương cho
Thì đành bỏ xác nơi bờ rừng hoang
Thề không phục bọn bạo tàn
Cho dù thịt nát xương tan cũng đành
Chẳng thành công, phải thành danh
Mệnh Trời định sẵn, ai giành được sao

Suối Máu,Tam Hiệp
Biên Hoà, Tháng 10-1975

(1) Những người theo đạo Thiên Chúa thường được các Linh mục gọi là Bầy Con Chiên của Chúa.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Tuesday, October 02 @ 13:51:31 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by ngochuynh


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 4
Votes: 4


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Lịch Sử Qua Lời Ke


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang