Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27813602
page views since June 01, 2005
An Toàn Du Lịch

Sức Khoẻ BS Nguyễn Ý Đức

Những ngày lễ hội sắp tới là thời gian thuận lợi cho mọi người đi nghỉ ngơi hoặc thăm viếng họ hàng, bằng hữu đó đây. Trong vài tuần lễ du lịch, ai cũng muốn mọi sự đều diễn tiến êm đẹp, nhất là sức khoẻ được tốt lành.

Lang tôi xin cùng quý thân hữu sửa soạn cho chuyến đi xa này.

1- HIỆN TƯỢNG CHỆCH MÚI GIỜ

Với sự tiến bộ của ngành hàng không, con người có thể di chuyển từ hai địa điểm rất xa nhau trên trái đất trong khoảng thời gian rất ngắn. Khi vượt qua nhiều múi giờ như vậy, cơ thể ta sẽ trải qua một số thay đổi sinh học, gây khó chịu và cần được điều chỉnh lại. Đó là hội chứng chệch múi giờ jet lag syndrom . Xin nói rõ thêm về hiện tượng này.

Ngoại trừ vi khuẩn, cơ thể các sinh vật cũng như thảo mộc đều có một cơ chế gọi là đồng hồ sinh học. Đồng hồ này hoạt động nhịp nhàng theo chu kỳ, trong khoảng thời gian 24 giờ để điều hoà một số chức năng như sự thức, ngủ, nhiệt độ cơ thể... làm sao cho thích hợp với môi trường ta đang ở. Đồng hồ nhận tín hiệu quan trọng từ môi trường chung quanh như ánh sáng, bóng tối, nhiệt độ... để sắp xếp một nền nếp sinh hoạt cho cơ thể, mà ta gọi là thói quen. Một khi đã thiết lập, cơ thể cứ theo giờ giấc đó mà làm việc, không lệ thuộc vào ngoại cảnh. Khi di chuyển sang một địa phương khác với chênh lệch nhiều múi giờ, cơ chế sinh học này cần một thời gian dăm ba ngày để điều chỉnh, thích nghi với hoàn cảnh mới. Trong thời gian đó, ta sẽ mất đi vài ngày vui của cuộc du lịch với một số khó chịu cho cơ thể như mệt mỏi, ngủ thất thường, ăn uống khác giờ, tiêu hoá rối loạn, thân nhiệt thay đổi. Sở dĩ như vậy là vì cơ thể ta khi được đặt vào môi trường khác lạ, mà đồng hồ sinh học vẫn còn được sắp xếp theo môi trường cũ với sinh hoạt cũ. Hiện tượng này thấy ở mọi sinh vật. Một con cua sống ở biển miền Đông, được di chuyển sang biển phía Tây, thì trong mấy ngày đầu vẫn giữ mầu sắc bình thường như khi ở biển đông. Hoa trinh nữ vẫn mở lá ban ngày, khép lá ban đêm, dù ta có che hoa khỏi ánh sáng mặt trời. Con người từ Hoa kỳ mà du lịch về Á châu, với nửa vòng trái đất cách nhau, trong mấy ngày đầu đồng hồ sinh học vẫn hoạt động như trước. Nghĩa là khi ta ngủ nghỉ bên đây thì bên kia đại dương dân chúng đang làm việc và ngược lại. Đã có nhiều đề nghị để tránh phiền phức do jet lag, mà hiệu quả tùy theo từng người.

a- Trước khi di chuyển

Về thực phẩm, Tiến sĩ Charles F. Ehret, Chicago, có đề nghị giữ bụng đói trong khi bay để ăn một bữa đầy đủ với nhiều chất đạm khi tới nơi. Cẩn thận hơn, ông ta còn gợi ý là: ba ngày trước khi khởi hành, ăn no nê với nhiều chất đạm, hai ngày sau ăn nhẹ với nhiều chất bột như mỳ, khoai tây; trên máy bay ăn một ít hạt ngũ cốc; khi tới nơi, đi ăn bữa ăn thịnh soạn với nhiều thịt. Ehret cho rằng chất đạm làm ta năng động hơn, chất bột làm ta dễ buồn ngủ. Đồng thời ráng giữ hoạt động theo giờ giấc nơi tới, ra ngoài trời nắng nhiều, nếu có thể làm một số vận động cơ thể. Nếu ghiền cà phê, chỉ uống vào thời gian từ 3 tới 5 giờ chiều. Về giấc ngủ thì Ehret đề nghị thay đổi giờ giấc ngủ buổi tối trong ba ngày trước: nếu bay về phương Đông, đi ngủ sớm hơn một giờ và cũng thức sớm hơn một giờ mỗi đêm cho mỗi múi giờ chênh lệch. Bay về hướng Tây thì làm ngược lại. Mục đích là để cơ thể thích nghi dần với địa phương mà ta sẽ tới.

b- Trên máy bay

Trong khi bay, tránh cà phê, thuốc ngủ, rượu. Uống nhiều nước lạnh, nước trái cây. Vặn đồng hồ theo giờ nơi sẽ tới, bắt đầu sinh hoạt như ta đang ở nơi đó: ăn, ngủ theo giờ giấc mới. Nếu nơi sẽ tới đang là ban đêm, ta che mắt để ngủ, mà không ăn hay đọc sách, coi TV. Nếu là ban ngày thì ta cố thức, đi tới đi lui trong lòng máy bay, đọc sách, coi TV... Tóm lại, khi đồng hồ bảo ta ngủ thì ta ngủ, bảo ăn mỗi bữa thì ta ăn.

c- Khi tới nơi

Nhiều chuyên viên về jet lag đều nhấn mạnh là khi tới nơi, phải hoạt động ngay theo giờ giấc mới tại địa phương. Giả thử ta tới vào buổi sáng, sau một đêm dài bay. Lúc đó là giờ sắp đi ngủ ở chỗ xuất phát thì ta đừng ngủ, mà cố gắng hoạt động theo thời khóa biểu tại địa phương cho tới chiều. Nếu cần, chỉ làm vài chục phút nghỉ dưỡng thần, vì nếu ta ngủ nhiều, thì sự thích nghi của đồng hồ sinh học với môi trường mới sẽ khó khăn hơn. Nếu ta tới nơi vào ban đêm, thì đi ngủ ngay chứ đừng thức trắng, hàn huyên tâm sự, làm xáo trộn giờ giấc của người địa phương.

2- THỰC PHẨM - NƯỚC UỐNG

Thực phẩm, nấu nướng là một quan tâm lớn cho mỗi lần đi xa nhà, nhất là du lịch về những quốc gia đang phát triển. Ngoài việc ăn theo khẩu phần đặc biệt vì tiểu đường, cao huyết áp, cao Cholesterol, ta còn phải để ý tới cách thức nấu nướng, phẩm chất của thức ăn.

Vài quốc gia Á Châu giờ đây vẫn còn dùng phân người, xúc vật tươi để tưới rau, mà phân tươi này nhiều khi còn ký sinh trùng ruột của sinh vật phế thải nó. Rau không rửa kỹ, nấu không chín sẽ là nguồn gốc các bệnh sán lãi, cũng như ký sinh trùng khác cho người tiêu thụ. Ngoài ra còn tệ trạng bón nhiều phân hoá học, rau chứa nhiều hoá chất cũng nguy hại cho cơ thể. Những thuỷ sản, tôm, cua, xò, hến... của vùng nước tù túng, nhiễm độc, thịt ôi không ướp lạnh, sữa tươi không khử trùng.. cũng gây ra nhiều bệnh khác. Thực tâm mà nói, thì chẳng qua cơ thể ta nó trở nên “truởng giả”, mất bớt sức đề kháng với thực phẩm đó, chứ mấy chục năm trước đây ta cũng ăn như vậy,và bà con ta đang sống ở đó cũng ăn như vậy, có sao đâu. Tuy nhiên, để tránh bệnh tật do thức ăn, ta nên theo lời khuyên của bác sĩ y khoa Vicenzo Marcolongo, Giám đốc một tổ chức chuyên về vấn đề an toàn du lịch, ở Nữu Ước: “Cook it, peel it or forget it. Ý giả là nếu ta không nấu kỹ thực phẩm, không tự tay bóc vỏ trái cây, thì đừng có ăn, kẻo lại mang hoạ vào thân. Ông ta cũng khuyên nên ăn vặt, nhiều bữa nhẹ trong ngày, với lý do là ít thức ăn trong bao tử, dịch vị chua có thể giết bớt hoặc làm giảm độc tính của sinh vật gây bệnh.

Nước uống cũng là vấn đề quan trọng cho khách lãng du xuyên lục địa.

Ở Mỹ, nước máy hầu như rất an toàn cho moị dịch vụ cần đến nó: uống trực tiếp, nấu nướng, tắm rửa, đánh răng. Nhưng ở nhiều quốc gia, ngay cả ở một số địa phương ở Châu Âu, nước không được an toàn để uống hay để đánh răng. Một phần cũng tại cơ thể ta mất thói quen uống như vậy.Vả lại cũng vì phương tiện tinh chế nước ở nơi đó, do thiếu tài chánh, nên không được tối tân bằng anh tư bản giàu có mà thôi. Cho nên, để tránh trở ngại du lịch, ta nên uống nước đun sôi, nước đóng chai có hơi, nước trái cây nguyên chất, tránh uống nước máy, nước đá cục. Mang theo một cái dẫn nhiệt nhúng trong nước để nấu nước. Cũng có thể mua ở tiệm thuốc tây, tiệm bán đồ thể thao, cắm trại, ít viên Halazone, Potable Aqua để làm tinh khiết nước.

3-NHỮNG BỆNH CÓ THỂ MẮC PHẢI

a-Tại vài quốc gia Đông Nam Á Châu, bệnh SARS và Cúm Gia Cầm đang là vấn đề thời sự nóng bỏng. Đã có tin tức cho hay các bệnh này có thể tái phát như năm ngoái. Nên ta cần theo dõi tin tức để phòng ngừa cũng như đừng tới nơi bị dịch bệnh. Chưa có thuốc chủng ngừa cho các bệnh này.

Bệnh sốt rét định kỳ do muỗi Anophele truyền vi trùng, vẫn còn hoành hành ở vùng nhiệt đới. Có người sau khi du lịch trở về Mỹ, bị mệt mỏi, nóng sốt ngày có ngày không. Bác sĩ gia đình chưa từng gặp bệnh này trong thời gian học, cũng như hành nghề, nên nhiều khi bỏ sót không nghĩ tới sốt rét ngã nước, để mà định bệnh và trị bệnh. Do đó ta cần phòng ngừa, nằm mùng tránh muỗi cắn, mặc quần áo che toàn thân, bôi thuốc đuổi muỗi. Yêu cầu bác sĩ cho thuốc viên uống phòng ngừa trước khi đi, trong thời gian ở đó và sau khi trở về.

b-Bệnh do thực phẩm, nước uống nhiễm độc gây ra có thể là viêm gan loại A và B, bệnh sốt rét thương hàn, nhưng cũng có thể chích ngừa trước.

c-Riêng bệnh tiêu chẩy, tháo dạ thì thường hay xẩy ra và gây nhiều khó chịu cho người mắc bệnh. Chả thế mà y học Mỹ đã có danh từ riêng cho bệnh này là Traveler’s Diarrhea. Và có người đã ví dụ đi du lịch để mở rộng kiến thức và để làm lỏng đại tiện. Thủ phạm gây bệnh gồm nhiều vi khuẩn khác nhau, nhưng thông thường nhất là chú trùng E. Coli, lẩn quẩn trong rau, hải sản nhiễm độc qua phân tươi. Được coi là bị tiêu chẩy khi ta đi cầu phân lỏng trên ba lần trong 24 giờ. Thường thường tình trạng này chỉ kéo dài từ 3 tới 5 ngày, sau khi các chất độc đã thải ra hết. Nếu kéo dài lâu hơn, mà phân lại có lẫn máu, là trầm trọng vì ta có thể trúng loại trùng khác độc hại hơn. Để tránh tiêu chẩy, do thực phẩm nước uống nhiễm trùng gây ra, ta nhớ lời khuyên của BS Marcolongo là, nếu chẳng đun sôi, chẳng nấu chín , chẳng tự bóc vỏ, thì đừng tiêu thụ. Nhưng, ăn chả cá ba đời Lã Vọng mà bảo không ăn với rau sống, rau thơm, mắm tôm chanh ớt thì còn gì là món ngon Hà Nội. Thôi thì ta cứ vui cùng bạn bè, chêm thêm la de, ăn cho sướng cái miệng.

Rồi phòng ngừa, điều trị. Làm hai viên Pepto-Bismol bốn lần trong ngày khi ăn và khi đi ngủ, uống một viên trụ sinh Bactrim, Cipro một lần trong ngày, giúp ngừa được phần nào. Vả lại, kinh nghiệm y khoa cho hay, quý vị lão niên có nhiều ưu điểm hơn bạn trẻ về tính miễn dịch với vi trùng. Trong cuộc đời năm sáu chục năm, các cụ đã từng bị biết bao nhiêu nhiễm độc, nhiễm trùng, cơ thể nó quen đi. Nhưng, chẳng may mắc bệnh thì nó lại trầm kha hơn. Khi bị tiêu chẩy, điều cần làm là uống thật nhiều nước tinh khiết có pha khoáng chất để bù chỗ nước mất đi, uống ít viên ImodiumA-D để giảm nhịp co bóp của ruột già. Trầm trọng thì gặp bác sĩ thử nghiệm coi bệnh do sinh vật nào gây ra để được điều trị bằng thuốc kháng sinh thích hợp.

Vài điều cần lưu ý. Quý vị cao niên ta thường có một số bệnh lâu ngày như phong thấp, cao huyết áp, nhiếp hộ tuyến sưng, khiếm khuyết thính thị giác nên nhiều khi ngại ngùng di chuyển bằng máy bay. Thấy được vấn đề đó, nên tại Mỹ, năm 1986 đạo luật Air Carrier Access đã được ban hành, Bộ Giao Thông Vận Tải được lệnh ra những quy luật nhằm bảo vệ, giúp đỡ người cao tuổi, người có bệnh, khi họ xử dụng đường hàng không. Khi có bệnh, ta nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước, coi xem có an toàn hay không khi đi bằng phi cơ. Bị nhồi máu cơ tim, không có biến chứng thì ba tuần sau khi lành bệnh, có thể đi được. Huyết áp cao, không kiềm chế được thì nên tránh bay.

Bị tiểu đường, nhất là loại 1, phụ thuộc vào thuốc Insulin, và di chuyển qua nhiều múi giờ, thì nên cẩn thận. Mang Insulin nhiều hơn nhu cầu một chút, giữ trong tủ lạnh, với kim chích, máy thử đường, ít viên kẹo. Tới nơi, điều chỉnh lại giờ ăn cơm, giờ dùng thuốc, phân lượng Insulin tuỳ theo lượng đường trong máu. Kinh nghiệm nhắc ta cho dễ nhớ là khi di chuyển về hướng Đông, ngày ngắn đi thì số lượng Insulin cần cũng ít đi. Còn đi về phương Tây thì ngày dài, Insulin cần tăng chút đỉnh. Nhưng nhớ đo đường trong máu theo lịch trình định sẵn. Nhiều vị bị giãn nở tĩnh mạch hạ chi, ngồi lâu trong máy bay chật hẹp, không cử động, lại bắt chân chữ ngũ, khiến máu lưu thông bị trở ngại.Tất cả có thể gây ra biến chứng máu đóng cục ở tĩnh mạch ngầm. Để tránh, ta nên mang tất đàn hồi, lâu lâu đứng lên làm vài vòng bách bộ trong lòng máy bay, hay cử động chân tay tại chỗ. Nếu mắc chứng kinh phong, nên tăng thuốc một chút để tránh lên cơn bất tử. Bị bệnh tâm trí, nên uống viên thuốc an thần, cữ rượu. Khi bị bệnh thiếu máu (anemia ) nặng, nên trì hoãn bay để điều trị vì đôi khi cần thêm dưỡng khí để thở.

Mới giải phẫu ghép nối động mạch tim mà không có biến chứng, cũng nên đợi hai tuần lễ cho an toàn. Các giải phẫu khác ở bụng, ngực ... nên đợi lành hẳn vết mổ, không biến chứng, đại tiểu tiện thông suốt, trước khi bay.

Nếu phu nhân lại đang “lão bạng sinh châu,” thì nên cẩn thận. Một vài hãng máy bay yêu cầu có giấy chứng nhận của bác sĩ là ngày sanh hạ không xẩy ra trong vòng 4 tuần, khi bay ngoại địa. Còn nội địa thì 7 ngày trước khi sanh vẫn được bay.

Lý do chính là họ ngại sanh đẻ trên máy bay, rắc rối, chứ việc bay không có ảnh hưởng xấu gì cho thai mẫu, thai nhi.

Trên đây chỉ là những kiến thức căn bản để quý thân hữu coi cho biết. Đề nghị quý hữu tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi du lịch, nếu có bất cứ bệnh tật nào.

Kết luận. Bàn về hành trình- du lịch, nhà văn tiểu luận danh tiếng nước Anh William Hazlitt (1778-1830), có nói: “Điểm trọng yếu cuả một cuộc du lịch là tự do, hoàn toàn tự do để suy cảm, để làm điều gì ta thích làm”. Vậy mà, lại phải theo luật lệ này, ý kiến kia, của người khác thì cũng hết tự do. Nhưng, để an toàn du lịch, đã lỡ biết mà không đề phòng thì lòng mình áy náy, người bạn đường không yên tâm. Thôi thì, ta cứ cẩn tắc, vô ưu, phải không thưa quý thân hữu.

Phụ lục. Chúng tôi cũng xin thưa thêm là trên mỗi máy bay, đều có một hộp cấp cứu y tế. Trong hộp có máy đo huyết áp, ống nghe khám bệnh, vài ống chích và kim chích thuốc, một cặp bao tay cao su.

Về thuốc thì có 50ml nước biển dextrose chích, 10 viên Nitroglycerin cho bệnh đau nhói tim (angina), hai ống Benadryl, 2 ống Epinephrine 1:1000 cấp cứu dị ứng.

Trong thời gian bay, hộp cấp cứu chỉ được mở khi được bác sĩ, hiện diện trên máy bay hoặc từ bản doanh công ty hàng không, cho phép. Dưỡng khí cũng được dự trữ trên máy bay cho trường hợp khẩn cấp.

Trả lời câu hỏi của độc giả về Bột Ngọt. Bột ngọt là một gia vị thực phẩm, có đặc tính làm nổi bật hương vị của thịt và một số thực phẩm khác. Bột ngọt được chế từ tinh bột các chất thiên nhiên như đậu nành, bắp, bột mỳ, gạo, khoai tây hoặc do tổng hợp các chất hữu cơ. Đây là gia vị dược cơ quan y tế thế giới công nhận là an toàn, nếu dùng với số lượng vừa phải, từ 0,1%-0,3% trọng lượng món ăn. Một số người có thể bị mẫn cảm với bột ngọt.ï Không nên cho trẻ em dùng bột ngọt.”

Posted on Tuesday, May 24 @ 17:33:36 EDT by admin
 
Related Links
· More about Sức Khoẻ
· News by admin


Most read story about Sức Khoẻ:
Huyết Trắng và Viêm Âm Đạo

Article Rating
Average Score: 4
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Sức Khoẻ


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang