Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27815684
page views since June 01, 2005
MS30 - 12/04: Một Chút Nhớ Quên (Phần 3)

Lịch Sử Qua Lời KePhan lạc Tiếp

Giữa lúc lo âu như thế Hạm Trưởng lên đài chỉ huy. Ông ngồi thu mình trên ghế bành da, kéo cao cổ áo, lập loè điếu thuốc trên môi. Mọi người, không ai bảo ai, cả hạm phó (Hùng Mèo) đều có mặt trên đài chỉ huy. Tôi lấy compas đo từng bước theo tốc độ. Cứ như dự trù, chiến hạm chỉ còn cách mũi Diamont của Hawaii khoảng 30 hải lý mà thôi.



Hạm Trưởng nói: “Bảo nhân viên thám xuất cho chạy máy đo chiều sâu và chỉnh lại radar xem sao.” Con tàu vẫn lầm lũi tiến. Mấy nhân viên quan sát bỗng đứng không, vì ống nhòm bị các sĩ quan sử dụng hết. Bản đồ Hawaii được mở ra. Hạm Trưởng chăm chú theo dõi từng chi tiết. Ông dùng ngọn đèn nhỏ soi vào hình vẽ hải đăng trên đỉnh núi Kim Cương. Quang độ của hải đăng toả rộng với ghi chú chi tiết về màu sắc, nhịp chớp tắt và độ xa nhìn thấy trong trường hợp bình thường. Ông quay ra, mỉm cười :” Đừng lo, độ một giờ nữa mình sẽ thấy đèn.” Vừa lúc ấy từ CIC gọi lên: “Báo cáo đài chỉ huy. Radar đã điều chỉnh xong. Đã thấy echo núi trước mặt.” Cả đài chỉ huy bỗng oà lên reo mừng. Hạm Trưởng nói: “Báo cáo khoảng cách 38 miles.” Là sĩ quan hành quân kiêm sĩ quan trưởng phiên, tôi đích thân xuống CIC để xem lại vị trí trên màn ảnh radar. Hình bờ biển phía đông Hawaii hiện ra rõ dần. Vị trí chiến hạm đã được xác định chính xác bằng hai cung của radar. Tôi báo cáo lên dài chỉ huy:” Trình Hạm Trưởng. Chiến hạm ở bên phải hải lộ 1 hải lý, cách bờ 35 hải lý.” Tôi lên lại đài chỉ huy, dù giữa đêm tối, tôi thấy như Hạm Trưởng mỉm cười. Ông nói:” Cứ giữ nguyên cap này.” Giữa đêm đen mù mịt, từ đỉnh hòn Kim Cương đèn xanh tím chớp tắt hiện lên lúc mờ, lúc tỏ ở hướng 11 giờ. Hạm Trưởng nói:” Ông ghi mọi diễn tiến vào sổ hải hành. Tôi lấy quyền chỉ huy chiến hạm.” Lúc ấy đã gần 4 giờ sáng. Còi báo đổi quart. Tôi xuống phòng, để nguyên quần áo nằm nghỉ, nhưng không sao chợp mắt được trước những lao sao, chuyển động của con tàu.

Khi còi tàu vang lên đổi quart, tiếp ngay sau là lệnh: “Nhiệm sở vận chuyển, vào bến. Quân phục tiểu lễ.” Lên lại đài chỉ huy. Trời nắng chói chang. Chiến hạm đang hải hành dọc theo bãi biển Hawaii. Buổi sáng, biển vắng. Bãi cát vàng mềm mại. Waikiki Beach. Những toà nhà cao xững vút lên giữa những hàng dừa xanh ngắt che phủ những con đường sạch, đẹp như trong những bức tranh. Tàu giảm máy và từ từ vào bến, bỏ khối kỷ hà màu sáng trắng ở bên tả hạm, đài kỷ niệm những quân nhân Hoa Kỳ đã bỏ mình trong trận oanh tạc của Nhật vào quân cảng này mấy chục năm về trước trong thế chiến thứ 2. Tuy không cần, nhưng hai xuồng đẩy của quân cảng đã lởn vởn ở sau tàu. Hiệu kỳ chiến hạm phấp phới. Quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà mới tinh ở trên đỉnh cột cờ. Hạm Trưởng đứng ở tả hạm trên đài chỉ huy, nhìn bao quát trước sau. Đứng sau ông, nhìn ra sân mũi, tôi thấy mũi tàu đã chếch 15 độ so với cầu tàu. Khi giây số 1 vừa được ném lên, quàng vào trụ trên bờ, một hồi còi do anh giám kộ rít lên, giây hiệu kỳ tức thì được kéo xuống. Trên bờ dàn quân nhạc, kèn đồng bóng loáng bỗng trỗi lên một bản nhạc hùng chào đón chiến hạm VNCH cặp bến. Trong tiếng nhạc rộn rã ấy, nhân viên chiến hạm Quy Nhơn, HQ 504 lo buộc giây và thả cầu lên bến, và bắt giây cho HQ 505 cặp vào hữu hạm. Khi mọi việc đã xong, Vị Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan và nhân viên trực nhật đã nghiêm chỉnh đứng ở đầu cầu thang, thì ban quân nhạc trên bờ bỗng ngưng cử nhạc. Một chiếc xe hơi đen từ xa từ từ chạy tới, đỗ ngay dưới chân hạm kiều. Nhạc lại cử. Một vị Trung Tá Hải Quân Hoa Kỳ, đại diện cho Quân Cảng Hawaii trong quân phục đại lễ, đeo kiếm từ trên xe bước xuống. Nhạc ngưng. Trên chiến hạm Quy Nhơn, Hải Quân Trung Tá Phan phi Phụng, ( mới được thăng cấp ) cũng trong y phục đại lễ, lon mới sáng trưng, kiếm vàng óng ả, đứng đón khách. Vị khách bước lên hạm kiều, từ trên tàu nhân viên gác hạm kiều thổi một hồi còi dài. Hạm Trưởng và toán dàn chào đều nghiêm chỉnh giơ tay chào cho đến khi vị sĩ quan khách bước tới sân chiến hạm. Hạm Trưởng hướng dẫn vị khách vào phòng ăn sĩ quan. Ở đó tất cả sĩ quan chiến hạm đều tề chỉnh đón khách. Bánh bày sẵn và rượu được rót ra, uống thì ít mà nghi lễ thì nhiều. Khi vị khách ra về, vẫn ngần ấy nghi lễ. Sau đó dàn quân nhạc dãn ra, nhường chỗ cho một toán độ 10 cô gái Hawaii, mặc váy bằng lá dừa, vòng hoa tươi tung tăng trên những đôi ngực trần nâu no đầy, chân đất, nhảy nhót theo dàn nhạc giây nuột nà như sóng lượn. Từ trên tàu toàn thể thuỷ thủ đoàn nhìn xuống, vỗ tay, cười nói quá xá.

Trong đám người lô xô trên bờ, một người đàn bà Mỹ cầm khăn tay đỏ dơ lên, khua khua. Từ phòng lái, có tiếng ai đó gọi lớn: “ Này con bồ của trung sĩ nhà ta đón đợi kìa”. Theo nghi lễ của Hải Quân, khi Hạm Trưởng chưa rời tàu, không ai được phép lên bến. Do đó dù phần nghi lễ đón tiếp đã hết, ban quân nhạc đã ra về, cầu tàu đã bắc, mà không ai được phép rời tàu. Người bạn gái Hoa Kỳ có lẽ cũng biết thế, nên đi lại bên hông tàu, chỗ đài chỉ huy, nói với lên, xin phép cho anh trung sĩ, bạn của bà ấy được phép lên bờ. Bây giờ thì tôi nhìn rõ bà ta, người đã có tuổi, ít nhất là so với người bạn Việt Nam. Hạm Trưởng cũng đã được rõ ngọn nguồn câu chuyện, nên ông cười, và nói : “Thôi, cho anh ta lên bờ đi. Tội nghiệp bà ta quá, từ Mỹ bay theo ra tận đây…” Lệnh ấy vừa ban, trung sĩ ( tôi không còn nhớ tên ), trong tiểu lễ trắng tinh, từ trên tàu từ từ đi xuống bến. Ở cuối cầu thang, người bạn gái Mỹ đã đón đợi. Khi anh vừa bước tới, bà ấy mở rộng vòng tay ôm, nhưng anh ta thay vì vòng tay ôm, lại để hai tay khum khum trước ngực như tự vệ, như cái đệm cách ngăn giữa hai thân thể. Trong giây phút tao phùng kỳ lạ đó, trên tàu lính tráng nhìn xuống đông nghẹt. Có một người nào đó kêu lên :” Má ơi, má ơi, con dzề nè...” Trên tàu lính tráng bỗng cười bung lên như phá. Người đàn bà Mỹ có lẽ không hiểu câu nói vừa qua, chỉ thấy mọi người cười vui, nên vội buông người bạn trai ra, hướng mặt lên tàu, vẫy tay và nói : Thank you, thank you all .” Trên tàu lại cười rộ lên một độ nữa. Trên cầu tàu, anh trung sĩ mặt đỏ bừng, vội kéo người bạn gái đi xa khỏi cầu tàu. Trên tàu lính tráng tản dần, lo sửa soạn đi bờ, thăm viếng Hawaii, vì 2 xe bus của quân cảng cũng vừa mới đến.

Sau mấy ngày nghỉ bến, mua sắm thêm, lấy đầy dầu nước, thực phẩm, HQ 504 và HQ 505 rời quân cảng xinh đẹp Hawaii, lên đường về nước. Đoạn đường từ Hawaii đến Guam dài hơn nhiều, nhưng lòng chúng tôi bỗng thấy yên tâm hơn. Ít gì mình đã có kinh nghiệm hải hành từ San Diego đến Hawaii. Cứ thế mà đi. Trung Uý Sáu thường la đà say, hai mắt hơi đỏ, nhưng đôi tay rất mềm, bình minh và lúc hoàng hôn ông “bắt “ những ngôi sao rất nhuyễn. Vị trí thiên văn của trung uý Sáu nằm chi chít sát bên vị trí của máy loran dọc theo hải lộ. Chiến hạm đi vững như để, cắt đường nhật đạo, hôm ấy trùng vào ngày lễ lớn của Hoa Kỳ, 4 tháng 7 lúc 3 giờ chiều. Sau phần nghi lễ “tiếp đón Thuỷ Thần”, trên nhật ký chiến hạm được tăng lên một ngày. Tới Guam, vẫn ngần ấy nghi lễ đón chào, dàn quân nhạc, nhưng không có các vũ vữ để ngực trần múa bụng, múa mông như ỏ Hawaii. Cảnh trí ở đây cũng khác. Không có những hàng dừa xanh, những khách sạn vút trời, mà chỉ có la liệt những căn nhà tôn mông mênh, và một vùng vịnh lô nhô, lúp súp san hô và chi chít những cột cờ chiến hạm to nhỏ đủ loại. Đặc biệt ở trên tường ngay cầu tàu, một hàng chữ trắng thật to, nhìn xa như một khẩu hiệu, chiếm cả chiều cao của bức tường : No smoking.

Rời Guam trực chỉ Phi Luật Tân, đoạn đường về nước đã gần. Qua eo biển ngoằn ngoèo của Phi, bỏ quân cảng Subic phía sau, mở radio đã bắt được đài Sài Gòn. Đã nghe được tiếng nói thân thương của đất nước. Hơn một ngày sau, trên hệ thống âm thoại đã nhận được lệnh từ Sài Gòn:” Các anh có một ngày neo tại Nhà Bè để sơn phết, sửa soạn vào bến. Các anh sẽ cặp cầu K. Bà Thượng Nghị Sĩ Phan nguyệt Minh sẽ là người đỡ đầu cho Dương Vận Hạm Quy Nhơn, HQ 504. . .”

Có những người đi biển suốt cả một đời, khi tuổi già đến, giã từ biển khơi, về với bờ bến, với quê nhà, nghỉ hưu bỗng tiếc: “ Mình đi tàu lâu như thế mà chưa xuyên nhật đạo bao giờ.” Mà nào nhật đạo có gì đâu. Biển vẫn mênh mông, sóng vẫn trùng trùng. Trên hải đồ một đường vẽ tượng trưng phân chia Đông và Tây của quả địa cầu. Thế thôi. Nhưng lạ thay, không phải ai đi biển cũng có cơ may đi từ Đông sang Tây bán cầu, hay ngược lại.

Qua đó từ Tây sang Đông, người thuỷ thủ đương nhiên được tăng thêm một ngày hải vụ, với tất cả những quyền lợi của người đi biển. Phụ trội hải vụ được trả thêm một ngày. Mọi người được Tư Lệnh Hải Quân thừa lệnh Thuỷ Thần cấp bằng xuyên nhật đạo. Khi chiến hạm qua đó, những nghi lễ đón chào Thuỷ Thần, tuỳ sáng kiến của thuỷ thủ đoàn được khuyến khích tổ chức. Thường là rượu uống tha hồ, nhất là với Hải Quân Pháp và Âu Châu. Và tuy không nói ra nhưng ai cũng biết, trước khi uống, người thuỷ thủ đều rót một chút rượu đầu chai xuống nước, như bày tỏ sự kính trọng lẫn mừng vui cùng với Thuỷ Thần, quyền uy khuất mặt của biển khơi, cầu mong cho chuyến hải hành tiếp theo được sóng yên, biển lặng. Tôi dù chẳng ước ao, cũng đã đi qua đường nhật đạo.

Cũng vượt Thái Bình Dương, đại dương lớn nhất của địa cầu. Đã ở Mỹ, tuy không lâu, cũng từng đi đây đi đó. Coi như đủ cho chút vốn liếng giang hồ. Và tôi biết, biết một cách rất chân chất rằng, dù có đi đây đi đó, tôi vẫn chỉ là một người nhà quê, sinh ra và lớn lên ở miền trung du đất Bắc. Đi nếm cơm thiên hạ đó đây, nhưng tôi biết rằng khẩu vị tôi gần gũi với nước mắm, với cá, với rau, hơn là với thịt thà, bơ sữa. Nươc Mỹ đẹp và hùng mạnh, nhưng trong tôi, sao tôi thấy lòng mình chìm ngợp nhớ thương quê nhà. Lúc ấy năm 1970, nếu có ai hỏi tôi :” Anh có muốn ở lại Mỹ không.” Chắc chắn tôi sẽ mỉm cười và thưa rằng :” Tôi kính phục nước Mỹ, nhưng tôi muốn sống ở quê nhà, nơi tôi đã được sinh ra.”

Vậy mà chỉ 5 năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 1975, cũng trên hải lộ ấy, nhưng ngược chiều, tôi đã cùng trên 5000 người liều chết ra đi trên một con tàu cùng loại, Dương Vận Hạm Thị Nại, HQ 502, một con tàu hư đang sửa chữa. Tàu rời bến lúc nửa đêm ngày 29 rạng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khi Tướng Dương văn Minh ra lệnh đầu hàng, Việt Cộng âp vào đến Sàigon, con tàu tôi còn nằm trong sông Soi Rạp. Chuyến đi với biết bao gian lao, khốn khổ, thiếu thốn. Sống được đã là may.

Tàu lết ra được cửa biển, nhập vào đoàn tàu, và được kéo tới Subic Bay. Một cuộc lễ hạ kỳ đầy nước mắt. Và quốc kỳ Mỹ được kéo lên. Quanh tôi chi chít những người, mặt mày hốc hác, mang vác lôi thôi, vợ theo con dắt. Những người bại trận, không quốc tịch, đang tìm đất tạm dung. Tất cả mấy chục ngàn người được lùa xuống hầm mấy con tàu chở hàng, đi thẳng tới Guam. Tàu đậu ngay bến cũ có bức tường kẻ chữ No Smoking to tướng.

Và cũng thật tình cờ, gia đình tôi đã được bảo trợ đêû đến với thành phố này, San Diego. Tại đây trong bàng hoàng mừng tủi, gặp lại nhau những bè bạn ngày cũ. Bỗng chốc giờ đã gần 30 năm. Thời gian dài nhất của đời tôi với một địa danh mà tôi cư ngụ, vì chắc rằng tôi còn ở lại nơi này cho đến khi nhắm mắt. Phải chăng trước đây tôi đã đến đây, như một định mệnh, một an bài : Đến đây để biết, để thấy và để chọn nơi này làm nơi tạm dung cuối cuộc đời. Lúc ấy San Diego còn nhỏ, còn đang mở mang. Cầu Coronado mới xây xong được 5 năm. Xa lộ 8 coi như là gianh giới phía bắc của thành phố. Xa lộ 15 chưa chỉnh trang thẳng, và to rộng như bây giờ. Xa lộ 52 mới chỉ có một khúc từ 805 tới La Jolla ngắn ngủn. Vì thế thành phố Santee như một nơi nào xa, khuất, cách trở. Vùng nhà đẹp Scripp Ranch, mới bị cháy đây, khi đó còn là một vùng cây rừng bạt ngàn, nhà cửa thưa thớt. Khu Mira Mesa được coi như một khu xóm khuất nẻo, vì con đường Mera Mesa chưa nối hai đầu vào 2 xa lộ 15 và 805 . Và cộng đồng người Việt chúng ta, năm 1975, phần lớn sống quanh quẩn ở vùng Linda Vista, cho gần với cơ quan thiện nguyện đặt trong khu nhà thờ ở số 6970 Linda Vista Road. Chính từ địa chỉ này là nơi phát xuất những dịch vụ giúp đỡ người tỵ nạn.

Ngoài cơ quan USCC, với ông Nguyễn hữu Giá làm Giám Đốc, đến Trung Tâm Luật Pháp Hồng Đức với Luật Sư Nguyễn hữu Khang, Nghị Sĩ Phạm nam Sách. Cả ba người ấy nay đã không còn nữa. Và sau này nữa khi thảm nạn thuyền nhân trở nên khủng khiếp, nơi đây là trụ sở của Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển, với Tiến Sĩ Nguyễn hữu Xương là chủ tịch. Ôi bao nhiêu là người, bao nhiêu công tác, cứu người như chữa cháy. Rồi làn sóng người Việt ào ạt đến, những nhu cầu mới, những dịch vụ mới, lần lượt hình thành một cộng đồng trên dưới 40 ngàn người với bao nhiêu sinh hoạt.

Nói cho đủ là cả một công trình sưu tầm, biên soạn, to lớn không thể gói gém trong một vài trang báo. Vậy mà chẳng còn bao lâu nữa là tròn 30 năm chúng ta cư ngụ tại nơi này. Mới ngày nao bỡ ngỡ đến đây, nay nhớ lại đã là câu chuyện của ngày xưa với bao nhiêu quên-nhớ, ngậm ngùi.

Posted on Monday, May 23 @ 17:19:52 EDT by admin
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by admin


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 2


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Lịch Sử Qua Lời Ke


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang