Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27813697
page views since June 01, 2005
MS54 - 01/07: Các Loại Thuốc Làm Giảm

Sức Khoẻ

Nguy Cơ Mắc Bệnh Ung Thư

Thông Đặng

Việc dùng thuốc để giúp những người đang khoẻ mạnh giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ung thư được gọi là liệu pháp phòng ngừa hoá trị. Đây là một biện pháp phòng ngừa mới mẻ đang được thí nghiệm rộng rãi. Những kết quả thí nghiệm lâm sàng cho thấy các phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao khi dùng thuốc Tamoxifen và Raloxifene có thể giảm nguy cơ bị mắc bệnh ung thư. Ngoài ra, Aromatase cũng như nhiều loại thuốc khác cũng đang được tích cực nghiên cứu.Tất cả các loại thuốc làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đã nói ở trên đều có thể gây ra phản ứng phụ và không phải bất cứ phụ nữ nào trong nhóm nguy cơ cao đều có thể sử dụng chúng. Vì vậy, nếu quí vị đang nghĩ đến việc sử dụng một trong các loại thuốc này, quí vị cần phải xác định rõ hai điều.

Thứ nhất, quí vị có thật sự nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao không?

Thứ hai, quí vị có hiểu rõ các mặt lợi cũng như hại của việc dùng thuốc đó hay không?

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày về những điều đã biết cũng như cả những điều chưa được biết về tác dụng tích cực và tiêu cực của các loại thuốc này. Quí vị cũng như bác sĩ của quí vị có thể tham khảo những thông tin này để đi đến quyết định xác đáng.

Thuốc Tamoxifen là gì?
Tamoxifen, hay còn được gọi là Tamoxifen Citrate hoặc Nolvadex, là một loại thuốc dạng viên nén uống hàøng ngày. Loại thuốc này được sử dụng trên 25 năm qua để chữa trị ung thư vú cho phụ nữ. Một số estrogen (hoóc môn nữ) đặc biệt nào đó, thường là các estrogen dương tính, khi bám vào các hốc tiếp nhận nằm trên các tế bào vú của phụ nữ, có khả năng kích hoạt sự tăng trưởng của các tế bào ung thư. Tác dụng của thuốc Tamoxifen là cản không cho các estrogen dương tính bám vào các hốc tiếp nhận, do đó tránh được nguy cơ mắc bệnh. Riêng đối với những ai đã mang sẵn các tế bào ung thư trong người, thuốc Tamoxifen giúp tiết chế hoặc ngăn chận hẳn sự phát triển cũng như tái phát triển của các tế bào ung thư này.

Thuốc Tamoxifen có hiệu lực như thế nào?
Khoảng giữa những năm 1990, Viện Ung thư Quốc gia (NCI) đã bảo trợ cho một cuộc nghiên cứu lớn mang tên “Thử Nghiệm Phòng Chống Ung Thư Vú” (gọi tắt là BCPT) mà mục đích chính là nghiên cứu hiệu lực của thuốc Tamoxifen trong việc điều trị ung thư vú. Trên 13 ngàn phụ nữ thuộc diện có nguy cơ cao đã tham gia. Các phụ nữ này được phân thành hai nhóm và được cho uống thuốc mỗi ngày một viên trong vòng 5 năm liền. Vì mục đích là nghiên cứu tác dụng của thuốc Tamoxifen, nên nhóm thứ nhất được uống thuốc Tamoxifen thật, còn nhóm thứ hai được uống thuốc giả. Sau 7 năm trời theo dõi, các nhà nghiên cứu đã đi đến các kết luận sau:

Trong nhóm uống thuốc thật, chỉ có 145 trường hợp mắc bệnh ung thư vú dạng lây lan so với 250 trường hợp đối với nhóm uống thuốc giả. Như vậy, thuốc Tamoxifen có tác dụng giúp giảm một nửa nguy cơ mắc phải bệnh ung thư vú dạng lây lan.

Đối với các bệnh ung thư dạng không lây lan như ung thư biểu bì ống (ductal carcinoma in situ) hoặc ung thư biểu bì thuỳ (lobular carcinoma in situ), thuốc Tamoxifen giúp giảm 1 phần 3 nguy cơ mắc bệnh, tức là 60 trường hợp trong nhóm uống thuốc thật so với 93 trường hợp trong nhóm uống thuốc giả.

Hai nhóm phụ nữ trên được tiếp tục theo dõi thêm 7 năm nữa. Kết quả cho thấy không có khác biệt đáng kể về tỉ lệ tử vong vì bệnh ung thư giữa hai nhóm. Trong nhóm uống thuốc thật, có 12 trường hợp tử vong được ghi nhận, so với 11 trường hợp trong nhóm uống thuốc giả. Tỉ lệ tử vong giữa hai nhóm vì các nguyên nhân khác cũng không có những khác biệt đáng kể.

Năm 2002, một cuộc nghiên cứu lâm sàng mang tầm vóc quốc tế khác gọi tắt là IBIS-I cũng đã được tổ chức nhằm mục đích tương tự. Có tổng cộng 7 ngàn phụ nữ trong nhóm nguy cơ cao đã tham dự. Sau 5 năm theo dõi, kết quả cho thấy số người mắc bệnh ung thư vú trong nhóm được cho uống thuốc Tamoxifen chỉ bằng một phần ba (32%) so với nhóm uống thuốc giả.

Uống thuốc Tamoxifen còn có lợi gì khác?
Ngoài việc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, thuốc Tamoxifen còn giúp ngăn ngừa bệnh loãng xương – một bệnh có khả năng xảy ra cao đối với chị em phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh. Theo dõi các trường hợp loãng xương dẫn đến các nguy cơ như rạn nứt xương chậu, xương cổ tay, và xương sống giữa các phụ nữ tham gia các thí nghiệm kể trên cho thấy, nguy cơ mắc bệnh này trong nhóm được cho uống thuốc thật chỉ bằng một phần ba (32%) so với nhóm uống thuốc giả. Riêng về tác dụng của thuốc Tamoxifen trong việc ngăn ngừa các loại bệnh về tim mạch thì kết quả chưa rõ ràng và cần nghiên cứu thêm.

Thuốc Tamoxifen có phản ứng phụ nguy hiểm nào không?
Tamoxifen là một hoá chất có hoạt tính khá phức tạp. Một mặt, nó giúp ngăn không cho các estrogen bám vào các hốc nằm trên các tế bào vú của phụ nữ.

Mặt khác, bản thân nó lại chứa một số đặc tính hệt như của estrogen tuy ở dạng nhẹ hơn. Chính vì lí do này mà thuốc Tamoxifen có thể làm tăng nguy cơ khiến người uống mắc phải một số bệnh ít thấy nhưng lại rất nguy hiểm, chẳng hạn như bệnh ung thư màng trong dạ con (endometrial cancer), bệnh ung thư mô nối dạ con (uterine sarcoma), hoặc bệnh máu đóng cục có thể gây tắc mạch phổi (pulmonary embolism), tai biến máu não (stroke), hoặc nghẽn tĩnh mạch (deep vein thrombosis).

Bệnh ung thư màng trong và ung thư mô nối dạ con
Các estrogen hoặc các tác nhân có đặc điểm tương tự có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư màng trong dạ con (endometrial cancer) và ung thư mô nối dạ con (uterine sarcoma). Điều này cũng đã được ghi nhận trong các cuộc thí nghiệm nói đến ở trên khi có tổng cộng 53 trường hợp mắc bệnh trong nhóm uống thuốc Tamoxifen thật so với 17 trường hợp trong nhóm uống thuốc giả. Riêng đối với bệnh ung thư mô nối dạ con, có 3 trường hợp được ghi nhận trong nhóm uống thuốc thật so với chỉ 1 trường hợp duy nhất trong nhóm uống thuốc giả.

Chính vì các phản ứng phụ nguy hiểm của Tamoxifen, quí vị phụ nữ đã hoặc đang sử dụng loại thuốc này cần thường xuyên tham khảo ý kiến bác sĩ và phải báo ngay với họ những triệu chứng bất thường xảy ra như chảy máu hoặc xuất hiện các đốm lạ ở vùng tử cung. Các bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng đó và cân nhắc mức độ cần thiết của việc thử nghiệm để phát hiện sớm xem quí vị có thực sự mắc phải các bệnh ung thư đó hay không. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị bệnh ung thư màng trong dạ con khá dễ dàng và hiệu quả. Hiện có hai phương pháp giúp phát hiện sớm bệnh ung thư này là làm sinh thiết màng trong dạ con (endometrial biopsy) và siêu âm xuyên âm đạo (transvaginal untrasound).

Mặc dù Viện Ung Thư Hoa Kỳ khuyến khích các phụ nữ đang sử dụng thuốc Tamoxifen nên xem xét đến khả năng đi khám nghiệm bệnh ung thư màng trong dạ con, họ không khuyến khích việc thử nghiệm định kỳ. Có hai lý do cho việc không khuyến khích này. Thứ nhất, chưa có nghiên cứu nào cho thấy việc thử nghiệm định kỳ có thể giúp phát hiện bệnh vào đúng lúc thích hợp nhất cho việc chữa trị cả. Thứ hai, việc thử nghiệm có thể cho ra những kết quả dương tính giả, khiến bệnh nhân phải chịu giải phẫu nhiều lần một cách không cần thiết. Dĩ nhiên các phụ nữ đã đuợc cắt bỏ tử cung không cần phải tính toán đến việc đi thử nghiệm bởi vì họ không có nguy cơ mắc phải chứng bệnh này.

Bệnh máu đóng cục
Cũng theo kết quả của cuộc nghiên cứu thứ nhất (BCPT), phụ nữ sử dụng thuốc thật có nguy cơ bị máu đóng cục gây tắc mạch phổi cao gấp 2 lần so với phụ nữ không dùng thuốc này, tức là có 28 ca trong nhóm được cho uống thuốc thật so với 13 ca trong nhóm được cho uống thuốc giả. Ngoài ra, các phụ nữ trong nhóm uống thuốc Tamoxifen thật cũng có vẻ như dễ bị bệnh nghẽn tĩnh mạch vì máu đóng cục hơn so với các phụ nữ trong nhóm uống thuốc giả. Ở đây, ta chỉ nói là “có vẻ” thôi, vì tỉ số khác biệt giữa hai nhóm quá nhỏ nên có thể đó chỉ là một sự tình cờ.

Riêng đối với cuộc nghiên cứu thứ hai (IBIS-I), kết quả cho thấy phụ nữ sử dụng thuốc Tamoxifen có nguy cơ bị bệnh máu đóng cục cao gấp 2.5 lần so với phụ nữ không sử dụng thuốc. Điều này đặc biệt đúng đối với các phụ nữ đã từng trải qua một cuộc đại phẫu. Vì lẽ đó, quí vị cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay nếu đang uống thuốc Tamoxifen mà sắp phải qua một cuộc giải phẫu.

Ngoài ra, bệnh máu đóng cục cũng thường xảy ra hơn đối với các phụ nữ bị cao máu, tiểu đường, hút thuốc, hoặc béo phì.

Ngoài các phản ứng phụ trên, thuốc Tamoxifen có còn phản ứng phụ nào khác nữa không?
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, thuốc Tamoxifen có thể gây ra thêm một số phản ứng phụ khác đối với một vài phụ nữ. Phản ứng phụ thường gặp nhất là nóng bức trong người (hot flashes) và tiết dịch âm hộ (vaginal discharge). Các phản ứng phụ khác cũng đã được ghi nhận, tuy chưa thật rõ là có phải do thuốc Tamoxifen gây ra hay không, và bao gồm: âm đạo bị khô, ngứa, hoặc chảy máu, Rối loạn kinh nguyệt, trầm cảm, biếng ăn, buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, lên cân, mệt mỏi...

May mắn là hiện nay các nhà khoa học đã tìm ra được cách chữa giảm hoặc khỏi hẳn phần lớn những phản ứng phụ này.

Một phản ứng phụ nữa bị nghi do thuốc Tamoxifen gây ra là bệnh đục thuỷ tinh thể. Theo kết quả của cuộc nghiên cứu thứ nhất (BCPT), các phụ nữ trong nhóm uống thuốc thật có 21% khả năng bị bệnh đục thuỷ tinh thể cao hơn so với nhóm uống thuốc giả và số phụ nữ phải mổ mắt chữa bệnh này cũng nhiều hơn. Tuy nhiên, trong cuộc thí nghiệm thứ hai (IBIS-I) các nhà nghiên cứu đã không thấy có hiện tượng này xảy ra. Họ chỉ chú ý thấy rằng phụ nữ càng lớn tuổi càng dễ mắc phải bệnh này, bất chấp họ có tiền sử sử dụng thuốc Tamoxifen hay không.

Ngoài ra, một hiện tượng được ghi nhận trong cuộc thử nghiệm thứ hai nhưng lại không thấy trong cuộc thử nghiệm thứ nhất là sự nhiễm trùng men âm đạo và giòn móng tay có khuynh hướng cao hơn ở những phụ nữ uống thuốc Tamoxifen so với các phụ nữ uống thuốc giả.

Thuốc Tamoxifen có khiến hiện tượng mãn kinh xảy ra sớm hơn không?
Mặc dù việc uống thuốc Tamoxifen có thể gây ra các hiện tượng như nóng bức trong người, đổ mồ hôi trộm, tính khí thất thường, và khô âm đạo, nhưng nó không khiến hiện tượng mãn kinh xảy ra sớm hơn. Đối với các phụ nữ tiền mãn kinh có uống thuốc Tamoxifen, buồng trứng vẫn hoạt động bình thường và vẫn tiếp tục tạo ra các hoóc môn nữ với số lượng ngang bằng hoặc hơi nhiều hơn một chút so với bình thường.

Thuốc Tamoxifen cần phải uống trong bao lâu?
Tuy chưa xác định được thời gian tối ưu cần uống thuốc Tamoxifen để chữa trị bệnh ung thư vú là bao lâu, các nhà nghiên cứu cho rằng thời gian này không nên quá năm năm. Điều này là do đã có nhiều nghiên cứu cho thấy việc sử dụng Tamoxifen trên năm năm để chữa trị ung thư vú giai đoạn đầu không những không tăng thêm khả năng khỏi bệnh mà còn khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc phải các phản ứng phụ nhiều hơn bình thường.

Thuốc Tamoxifen có gây ra các nguy cơ giống với liệu pháp thay thế hoóc môn hay không?
Liệu pháp thay thế hoóc môn (HRT), còn được gọi là liệu pháp hoóc môn hậu mãn kinh (PHT), là liệu pháp thường được sử dụng để làm giảm chứng bệnh rát âm hộ cũng như một số chứng bệnh khó chịu khác mà phụ nữ thường mắc phải sau giai đoạn mãn kinh. Liệu pháp này cũng có tác dụng giúp chống chứng loãng xương và đề phòng bệnh ung thư ruột kết.

Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy việc sử dụng liệu pháp thay thế hoóc môn kết hợp có thể làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh về tim mạch, bệnh máu đóng cục, bệnh ung thư vú, và một số bệnh nguy hiểm khác. Phụ nữ nào muốn sử dụng liệu pháp này để chữa các chứng bệnh thường gặp hậu mãn kinh nên tham khảo trước ý kiến bác sĩ. Sau đó, nếu vẫn quyết định sử dụng liệu pháp này, thì tốt nhất nên dùng ở liều lượng tối thiểu cần thiết và nên chấm dứt sử dụng càng sớm càng tốt.

Trái ngược với liệu pháp thay thế hoóc môn, việc sử dụng thuốc Tamoxifen không những không giúp làm giảm mà còn có khuynh hướng trầm trọng thêm các chứng bệnh thường gặp trong giai đoạn hậu mãn kinh. Ngoài ra, nó cũng còn gây bệnh máu đóng cục như đã trình bày ở trên. Tuy nhiên, nó có hai cái lợi là giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú và chứng loãng xương. Riêng về tác động của nó đối với các bệnh về tim mạch thì vẫn chưa được xác định rõ.

Ai nên nghĩ đến việc sử dụng thuốc Tamoxifen để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú?
Theo kết quả của cuộc nghiên cứu thứ nhất (BCPT), thì các phụ nữ sau đây dễ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú hơn những người khác:

Phụ nữ từ 60 tuổi trở lên.

Phụ nữ tuổi từ 35 đến 59 nhưng có những dấu hiệu cho thấy trong vòng 5 năm tới có khả năng mắc bệnh ung thư vú cao bằng hoặc hơn các phụ nữ từ 60 trở lên.

Theo bảng đánh giá khả năng mắc bệnh ung thư (Breast Cancer Assessment Profile) thì các phụ nữ kể trên có nguy cơ mắc bệnh ung thư với tỉ lệ là 1.7%, nghĩa là cứ 1.000 người thì sẽ có 17 người có khả năng phát triển ung thư vú trong vòng 5 năm tới.

Chúng ta biết rằng có rất nhiều bệnh (mà ung thư vú là một) thường xảy ra với người lớn tuổi hơn là với người trẻ tuổi. Lấy thí dụ như bệnh ung thư vú.

Bệnh này có khuynh hướng xảy ra theo đà tăng của tuổi tác, và vì vậy khả năng xảy ra đối với các phụ nữ tuổi trên 60 cao hơn đối với các chị em trong độ tuổi từ 40 đến 50. Các phụ nữ trong nhóm dưới 60 này thường chỉ dễ phát triển bệnh ung thư vú khi họ nằm trong các trường hợp nguy cơ cao sau đây:

Bị biến đổi gien dạng BRCA 1 hoặc BRCA 2.
- Có tiền sử bị ung thư vú.

Khi sinh thiết vú cho thấy có dấu hiệu của bệnh sưng ống tiết không điển hình (atypical ductal hyperplasia) hoặc bệnh ung thư biểu bì thuỳ dạng không lây lan (lobular carcinoma in situ). Đây là các dấu hiệu cho thấy những người này có nguy cơ cao sẽ mắc phải bệnh ung thư vú dạng lây lan.

- Thuộc một gia đình có tiền sử bị ung thư vú, tức là có họ hàng gần như mẹ, chị em, hoặc con gái đã từng bị ung thư vú đặc biệt là khi xảy ra trước thời kỳ mãn kinh.

- Chưa từng có con hoặc có con sau tuổi 30.

- Có kinh nguyệt trước tuổi 12 hoặc giai đoạn mãn kinh kéo dài quá tuổi 50.

Phụ nữ nào không nên sử dụng thuốc Tamoxifen?
- Các phụ nữ nằm trong các trường hợp sau đây không nên sử dụng thuốc Tamoxifen để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư vú:

- Từng bị máu đóng cục hoặc đang bị bệnh máu đóng cục và cần phải được điều trị.

- Đang uống thuốc để làm loãng máu.

- Có tiền sử cao huyết áp, hút thuốc, béo phì, hoặc tiểu đường. Thuốc Tamoxifen sẽ làm tăng khả năng bị bệnh máu đóng cục ở những người này.

- Có thai hoặc có dự tính mang thai.

- Đang cho con bú.

- Dưới độ tuổi 35 hoặc trên 60 và không nằm trong các trường hợp nguy cơ cao.

- Chưa bao giờ đi thử để xác định xem mình có nằm trong nhóm nguy cơ cao hay không.

- Đang được điều trị theo liệu pháp thay thế hoóc môn, hoặc đang uống thuốc raloxifen hoặc aromatase.

Ngoài các trường hợp trên, còn có rất nhiều trường hợp khác bác sĩ khuyên không nên sử dụng thuốc Tamoxifen, chẳng hạn như trường hợp người có tiền sử bị bệnh sưng tử cung dạng không điển hình (atypical hyperplasia of the uterus) hoặc đục thuỷ tinh thể. Vì lẽ này, phụ nữ phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước về trường hợp cụ thể của mình trước khi quyết định dùng Tamoxifen.

Trong thời gian thụ thai hoặc mang thai, phụ nữ uống thuốc Tamoxifen có thể khiến con sinh ra bị dị tật. Bởi vậy, khi uống thuốc này, nên sử dụng các biện pháp ngừa thai, tốt nhất là dạng ngừa thai lá chắn (barrier) hoặc ngừa thai không hooc môn (non-hormone), chứ không nên dùng các loại thuốc uống ngừa thai hoặc các loại thuốc ngừa thai có chứa hooc-môn khác. Với những phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú, hoặc đang dự định có con, thì nhất thiết phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.

Phụ nữ thuộc nhóm có nguy cơ bị ung thư cao có nên sử dụng Tamoxifen hay không?
Phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao có thể chọn sử dụng thuốc Tamoxifen để giảm nguy cơ mắc bệnh. Cũng giống những trường hợp sử dụng thuốc khác, quyết định dùng thuốc tuỳ thuộc từng cá nhân sau khi đã nhận được đầy đủ thông tin. Việc cân nhắc lợi hại này sẽ tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ mỗi người và vào sự đánh giá lợi ích cuối cùng. Dĩ nhiên bác sĩ là nguồn tham khảo quan trọng. Điều cần nhớ là, không phải phụ nữ nào có nguy cơ bị bệnh cao cũng đều thích hợp để sử dụng Tamoxifen.

Phụ nữ không thuộc nhóm có nguy cơ bị ung thư cao có nên sử dụng Tamoxifen hay không?
Vì biết chắc rằng thuốc Tamoxifen sẽ đưa đến các tác dụng phụ, nên từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu chỉ đồng ý cho các phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao tham gia vào các cuộc thí nghiệm của họ. Do đó, cho đến nay, chúng ta không biết mức hiệu quả của thuốc Tamoxifen trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ở những phụ nữ bình thường. Ngay cả khi có thể xác định được tác dụng tích cực của Tamoxifen đối với các phụ nữ bình thường, việc uống thuốc này để ngừa trước nguy cơ bị ung thư vú vẫn không phải là điều nên làm. Lý do là, không phải mọi phụ nữ bình thường nào cũng có nguy cơ bị mắc bệnh cao, nên việc uống Tamoxifen có thể là vô ích trong khi các tác dụng phụ tai hại của thuốc là hoàn toàn có thật và chắc chắn.

Mạch Sống Số 54, tháng 1, 2007

Posted on Wednesday, January 31 @ 19:13:55 EST by tuyethoang
 
Related Links
· More about Sức Khoẻ
· News by tuyethoang


Most read story about Sức Khoẻ:
Huyết Trắng và Viêm Âm Đạo

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Sức Khoẻ


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang