Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27918049
page views since June 01, 2005
MS54 - 01/07: Một Ngày Du Ngoạn D.C.

Tin Sinh Hoạt

Hoàng Thị Bích Anh

Vợ chồng tôi nghỉ hưu đã hơn hai năm. Những ngày ấm áp, vào buổi sáng, chúng tôi cùng nhau đi bộ khoảng một giờ trên những con đường nhỏ trong khu gia cư gần nhà. Sau đó chúng tôi ăn điểm tâm và làm vườn. Mỗi người một cây cuốc nhỏ, chúng tôi trồng hoa, trồng rau. Ngày lại ngày, cứ thế trôi qua. Chúng tôi mong tới cuối tuần để được gặp con cháu về thăm. Tưởng rằng đời sống như thế cũng tạm ổn.

Nhưng mấy tháng gần đây, chúng tôi cùng cảm thấy một nỗi buồn chán về sự đơn điệu trong chuỗi ngày bất tận. Tôi cũng lo ngại thấy nhà tôi ngày thêm già nua lẩn thẩn. Ông luôn miệng kêu mất kính, mất bút, quên trước quên sau. Tôi cho là vì sức khoẻ suy giảm và vì ít được tiếp xúc với mọi người như khi còn đi làm, nên con người sớm thành già nua lẩm cẩm. Nhưng biết làm thế nào để gặp gỡ người đồng hương cùng lứa tuổi, chỉ để nói vài câu chuyện nắng mưa, chuyện con cháu, chuyện ngày xưa còn ở quê nhà. Lại càng không biết làm thế nào để tập luyện thân thể để gìn giữ chút sức khoẻ đang ngày một giảm sút nhanh. Có lần được dịp đi qua một phòng tập thể dục của người Mỹ, tôi thấy những ông bà Mỹ hồng hào, to lớn, nhiều người còn rất trẻ, đang chạy trên máy tập hay đang nâng quả tạ, tôi biết ngay là mình không thể làm như họ, và không dám có hy vọng vào những nơi đó để tập luyện. Thôi! Già rồi thì phải chịu.

Một ngày cuối tuần, tôi đi chợ trong khu thương mại Eden, bỗng nhặt được một tờ giấy giới thiệu lớp khí công miễn phí do Boat People SOS bảo trợ. Tôi hỏi con gái, và được biết khí công là môn thể dục người già cũng tập được. Vì trụ sở Boat People SOS gần nhà, chúng tôi quyết định tới xin ghi danh. Khi đến nơi, toà nhà đồ sộ, sang trọng, cao hơn mười tầng lầu, với cơ ngơi rộng lớn khiến chúng tôi hơi ngần ngại, nhưng rồi cũng lấy đủ can đảm, e dè đẩy cửa vào.

May quá, văn phòng Boat People SOS ở ngay tầng một, gần cửa. Một cô gái Việt còn trẻ niềm nở chào đón, làm cho chúng tôi yên tâm và thoải mái ngay.

Cô sốt sắng và lễ độ, đưa đơn, chỉ dẫn cho chúng tôi. “Cháu sẽ báo cho chị Thành Nguyễn; chị sẽ gọi để nói cho hai bác biết ngày tập.” Tôi không ngờ cái bước chân đầu tiên ấy đã dẫn chúng tôi tới những điều may mắn và vui vẻ khác. Nhờ Boat People SOS, chúng tôi đã được dự một buổi thuyết trình của chuyên viên chính phủ liên bang về Medicare, rất hữu ích; được dự Tết Trung Thu, và hàng tuần chúng tôi được tập khí công.

Khi tôi về nhà, kể lại những chuyện vui vẻ cho con gái, nó cười, nhưng không nói gì. Tôi biết nó đang nghĩ thầm: “Già rồi, còn Trung Thu, còn hát xướng gì nữa!” Nhưng tôi mặc kệ. Làm sao nó hiểu được chúng tôi cũng cần những niềm vui nhỏ nhoi ấy. Đến những người già khả kính như cụ Phan Vỹ cũng còn đến dự Trung Thu nữa kìa! Trong buổi tiệc ấy, cô Thu, người phụ trách tổ chức, loan báo rằng Boat People SOS sẽ tổ chức một ngày du ngoạn Thủ Đô để thăm viếng vườn hồng Toà Bạch Ốc, Tượng Đài chiến sĩ Mỹ với bệ đá ghi công các tử sĩ Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam và National Museum, nơi có viên kim cương khổng lồ và nhiều đá quý, nhiều mẫu sinh vật cổ xưa và nay, rất đáng xem. Các cụ thích quá! Vợ chồng tôi lại còn mừng hơn. Nhà tôi ở Falls Church, chỉ cách thủ đô hơn mười miles. Tôi cũng đôi lần được dịp ngồi xe hơi chạy ngang qua thủ đô, và vẫn ao ước được vào xem những dinh thự uy nghi lộng lẫy, những viện bảo tàng đầy vật hiếm lạ. Nhưng thương con, chúng tôi chẳng muốn đòi hỏi. Chúng nó phải đi làm quần quật cả tuần. Được vài ngày nghỉ thì phải lo cho vợ chồng, con cái và bao nhiêu chuyện khác. Bắt chúng nó lái xe đưa mình đi chơi là điều chúng tôi không dám nghĩ tới. Thế mà bây giờ lại có người lái xe và hướng dẫn đi! Cho nên khi cô Thu hỏi: “Nếu không đủ tiền thuê xe, các bác có vui lòng đóng góp chút ít không?”, tôi buồn cười thấy ông xã tôi cuống quýt trả lời ngay, cùng lúc với các cụ khác: “Có! Có!” Thấy mọi người hăng hái, cô Thu cười rạng rỡ và ấn định ngày đi vào Thứ Bảy 28 tháng 10.

Về nhà, tôi vội ghi ngay vào lịch, để khỏi quên. Tôi còn dặn kỹ ông xã nên phụ lực nhớ dùm! Khó nhớ lắm chứ chả phải chơi! Có lần, con gái mua cho hai cái vé đi dự bữa tiệc gây quỹ của một hội đoàn để giúp đỡ thương phế binh, tôi cũng ghi trong lịch nhưng rồi lại quên xé lịch nên hụt mất. Đến khi phát hiện ra mới ngẩn ngơ, rồi cười với nhau. Lần này, để chắc ăn, tôi dán ngay cạnh cuốn lịch, tấm giấy màu xanh của Boat People SOS, có in chữ “Du Ngoạn Thắng Cảnh” mà cô Thu đã phát cho. Nhưng sự cẩn thận đó hơi thừa, vì ông xã tôi ngày nào cũng đứng trầm ngâm trước cuốn lịch, rồi đếm từng ngày một.

Ông còn cẩn thận dùng Internet  để coi thời tiết, nhiệt độ. Buổi tối ngày 27, ổng lo lắng báo tin cho tôi: “Ngày mai có mưa em ạ!” Tôi hơi thất vọng, nhưng cương quyết: “Mưa cũng cứ đi! Mình mang theo dù!”

Buổi sáng trời se lạnh, có vài cụm mây nhưng không mưa. Khi chúng tôi tới trụ sở Boat People SOS lúc 9 giờ thì đã thấy một đám đông các cụ, các bác đứng gần một chiếc xe buýt lớn màu trắng. Dĩ nhiên có bác Phan Vỹ. Ai cũng mặc áo ấm và mang theo bữa ăn trưa. Một lát sau, cô Thu, cô Thành, cô Hiền, cô Cat, là những người trong ban tổ chức xuất hiện và mời chúng tôi vô văn phòng.

Tôi vẫn lo lắng, sợ cuộc du ngoạn bị bãi bỏ vì thời tiết xấu, nên vội hỏi một bác đi cạnh: “Sao không lên xe, lại vô phòng làm gì?” Bác trả lời: “Cô Thu bảo mình phải vào ký giấy Cell Phone Form mới đi được.” Tôi hơi ân hận, đã trót mang cái cell phone, có thể nó gây trở ngại, làm cho mình không đi du ngoạn được! Tôi lo lắng hỏi ông chồng: “Sao lại phải ký cell phone form hả anh?”

Ổng lấy tay bưng miệng cười, rồi mới nói: “Ký consent form, không phải cell phone form!” Vẫn chưa hết thắc mắc, tôi hỏi tiếp: “Là cái gì vậy?”

- Là cái giấy mình ưng thuận không kiện cáo Boat People SOS, nếu lỡ có chuyện gì không may xảy ra cho mình!

- Kiện Boat People SOS! Ai lại đi kiện người làm ơn cho mình!

- Xứ này người ta ưa kiện cáo nhau lắm! Bây giờ em nói vậy, nhưng lỡ trong lúc du ngoạn, em bị té gãy tay, rồi nghe lời xúi bẩy của ai đó, em kiện, đòi bồi thường thiệt hại. Boat People SOS chưa có đủ kinh phí để lo cho bao nhiêu người như chúng ta, làm sao có tiền và người để theo kiện và bồi thường!

- Khổ vậy!

Khi chúng tôi đã ký tên và ghi số phone để gọi lúc khẩn cấp, chúng tôi được chia ra năm toán, có các cô hướng dẫn đi theo. Ai cũng dán bảng tên trên ngực áo. Nhờ đó, tôi được biết quýù danh của nhiều cụ, nhiều bác. Trưởng toán của tôi là cô Cat. Cô rất trẻ, nhỏ nhắn, xinh đẹp và nhanh lẹ. Cô điểm danh, thu giấy consent form, phát giấy phép parking rồi hướng dẫn chúng tôi ra xe. Chúng tôi sung sướng, líu ríu theo chân cô. Trong một thoáng, tôi nhớ lại qua sương mù dĩ vãng những ngày còn là học trò một thuở xa xôi, cũng có một cô giáo nhỏ nhắn, xinh đẹp dịu hiền hướng dẫn chúng tôi đi thăm sở thú, công viên. Cô giáo năm xưa đã hoá thân vào cô Cat, và tôi trở thành bà già hôm nay, nhưng tình cảm vẫn còn nguyên vẹn. Tôi kính trọng cô, chăm chú lắng nghe lời cô dặn, và hồi hộp sợ lạc mất cô trên đường đi.

Khi mọi người đã ngồi trong xe, cô Thu dùng loa điện, kiểm tra tên từng người, dặn dò mọi chuyện như không nên rời xa toán trưởng, cẩn thận tránh té, ngã, tuân theo lời chỉ dẫn của toán trưởng rồi cô ra lệnh khởi hành. Thì ra muốn tổ chức một buổi đi chơi cũng không đơn giản như tôi nghĩ. Các cô phải khó nhọc, lo lắng biết bao nhiêu chuyện. Tôi cứ muốn nói lên một lời biết ơn các cô, nhưng vụng về, chẳng biết nên nói lúc nào và nói với ai.

Xe chạy khoảng hai mươi phút đã thấy cây “tháp viết chì”, cái tên đầy hình tượng người Việt dùng để gọi Đài Tưởng Niệm Washington. Khi tới cách Toà Bạch Ốc một quãng ngắn, chúng tôi xuống xe, bỏ lại mọi thứ mang theo, trừ cái máy chụp hình. Các cô hướng dẫn đã chu đáo lấy vé vào cửa cho mọi người. Chúng tôi qua các trạm kiểm tra an ninh dễ dàng, vì không ai mang đồ lỉnh kỉnh. Qua trạm kiểm soát cuối cùng là tới sân cỏ Toà Bạch Ốc. Hồi còn ở Việt Nam, tôi thường nghe Việt Cộng gọi nơi này là Nhà Trắng! Không phải tôi ghét Cộng Sản rồi ghét luôn những gì lũ vẹt người đó nói, nhưng cái tên “Nhà Trắng” nghe vô duyên và trơ trẽn quá!

Dọc các lối đi trên sân cỏ là những tấm hình khá lớn của các vị tổng thống Mỹ. Tiếc rằng vì mắt đã kém, lại không thể dẫm lên cỏ để xem cận cảnh, tôi không thể coi chi tiết hết tất cả. Khi chúng tôi tới, có một ban nhạc đang chơi nhạc trên hành lang lầu hai của Toà Bạch Ốc. Các nhạc công mặc áo đỏ, quần trắng, nhạc cụ của họ loé sáng dưới ánh nắng ban mai, giữa khung cảnh mùa thu rực rỡ của cỏ cây bao quanh toà nhà.

Chúng tôi thi nhau chụp hình kỷ niệm. Mấy thuở mà có dịp được tới gần một trung tâm quyền lực nhất thế giới! Bên trong những bức tường kia, đã từng, và có thể đang diễn ra những quyết định liên quan tới vận mạng của hàng triệu người, có khi là sự mất, còn của cả một quốc gia. Không phải chỉ có chúng tôi say sưa nhìn ngắm toà nhà uy nghi đồ sộ, mà đông đảo du khách ngoại quốc khác cũng loay hoay tìm những góc cạnh đẹp nhất của toà nhà để thu vào ống kính. Cô hướng dẫn của nhóm chỉ dẫn cho tôi nhiều thứ để xem.

Thấy cô còn quá trẻ mà nói tiếng Việt rất giỏi, tôi hỏi cô sanh ở đâu “Cháu sanh ra ở Mỹ !”, cô Cat trả lời khiến chúng tôi hơi ngạc nhiên. Tiếng Việt của cô nhuần nhuyễn chứ không lơ lớ hay pha tạp nửa Việt nửa Mỹ. Nghe vậy, ông xã tôi đùa: “Vậy là cháu được quyền ứng cử tổng thống!”

Sau đó chúng tôi đi tới một sân chơi tennis rất đẹp. Cô Thành Nguyễn hỏi to:

“Các bác có nghĩ rằng một ngày nào, con cháu các bác sẽ chơi tennis trên cái sân này không?” Tôi nói với nhà tôi: “Ứng cử tổng thống thì không dám, nhưng vào đây chơi tennis thì chắc được.” Nhà tôi vội nói: “Không được đâu!

Em không biết! Đây là chỗ tổng thống, phó tổng thống hay các vị bộ trưởng, các nguyên thủ quốc gia khác tới chơi môn thể thao này. Người thường không được phép tuỳ tiện”. Thì ra là như thế! Quanh quẩn cả giờ trước Toà Bạch Ốc, ngắm nhìn quan cảnh xung quanh, xa xa là đài tưởng niệm Washington trắng xoá, một niềm vui bỗng tràn ngập trong lòng. Một người nào đó bỗng nói:

“Cây cỏ nơi đây cũng giống như ở bất cứ nơi nào của Virginia, nhưng sao trông chúng vẫn có vẻ cao kỳ, với dáng dấp như tự hào hơn cây cỏ ngoài kia!

Kỳ thay là cái óc tưởng tượng của chúng ta!” Dọc đường đi vào vườn hoa có những tấm bảng đồng in hình vết bàn tay, hay vết bàn chân của các tổng thống Mỹ. Ghi lại dấu ấn của những người có tầm ảnh hưởng lớn cho hậu thế chiêm ngưỡng là một sáng kiến tuyệt vời!

Ra khỏi Toà Bạch Ốc đã hơn 12 giờ trưa. Các cụ ăn trưa trên xe buýt. Cô Thành, cô Thu ân cần nhắc quýù cụ nên đi rest room, vì nơi sắp tới là Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ, không có nhà cửa, phòng ốc gì.

Khi xe tới Vietnam Veteran Memorials thì trời trở nên u ám, như đang chuyển mưa. Các cô trưởng toán phải mắt trước, mắt sau canh chừng xe cộ cho các cụ băng qua đường. Khu vực tưởng niệm chiến sĩ gồm một bức tường đá hoa cương màu đen bóng và hai tượng đài. Bức tường dài đến hơn trăm mét, có chỗ cao, chỗ thấp, theo thế đất. Tên các tử sĩ được khắc rất sắc nét trên mặt đá. Nghe nói có tới năm mươi tám ngàn tử sĩ. Chỉ nhìn tên người trên đá, đã thấy hoa mắt. Một phụ nữ Việt Nam tầm thường như tôi, không thể hiểu lẽ thành, bại của một cuộc chiến còn nhiều bí ẩn như cuộc chiến chống Cộng của Việt Nam, nhưng tôi biết rằng, nhờ có những hy sinh lớn lao của các chiến sĩ Việt-Mỹ, mà chúng ta còn sống, để hôm nay đứng tại nơi này. Dưới chân bức tường đá, nhiều lá cờ Mỹ nhỏ và những bông hoa được xếp ngay ngắn. Nhiều người Mỹ đang lấy giấy đặt trên tường, rồi dùng viết chì “can ke” tên tử sĩ khắc trên đá.

Hai tượng đài bằng đồng có những pho tượng lớn hơn người thật. Một tượng đài có hình ba chiến sĩ, một người bị thương đang ngã xuống, và hai người kia có vẻ là các quân y sĩ, đang đỡ người ngã trên tay. Tượng đài còn lại có hình ba chiến binh đang cầm súng, trong tư thế hành quân. Nhà tôi định kéo tôi đứng dưới chân tượng, chụp một tấm hình. Nhưng tự nhiên mây đen phủ kín bầu trời, và gió lạnh nổi lên trong lá cây xào xạc. Tôi thấy lạnh và rùng mình, chợt nhớ tới câu thơ: Hồn Tử Sĩ, gió ù ù thổi. Tôi vội kéo tay nhà tôi rời xa các pho tượng im lìm, lạnh lẽo, mà như có linh hồn đang lẩn quất đâu đây. Nếu có một cuốn sổ lưu niệm tại tượng đài, tôi đã ghi lại mấy câu thơ tôi vừa cảm khái nghĩ ra:

Nơi đây hương khói nhớ người

Chiến binh vì nước, quên đời xuân xanh

Tượng đồng ghi dấu hùng anh

Bia thơm còn mãi, sử xanh lưu truyền!

Tôi nghe nói, tại vài nơi trên đất Mỹ, đồng bào tị nạn chúng ta cũng xây dựng các tượng đài chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, để tưởng nhớ các chiến binh đã vị quốc vong thân. Nhưng chắc hẳn chúng ta không thể khắc tên tất cả vì có quá nhiều. Dẫu sao, tên của họ đã được khắc ghi trong trái tim tràn đầy xúc cảm của chúng ta. Ngày đất nước quang phục, tượng đài tử sĩ ấy sẽ uy nghi đứng giữa non sông hùng vĩ.

Rời khu tượng đài buồn bã, chúng tôi tới thăm National Museum. Lúc đó đã 1 giờ chiều. Chúng tôi chỉ có một giờ để coi mọi thứ trong museum. Cô Thu ra lệnh: “Các bác hãy theo sát trưởng toán của mình. Nếu bị lạc, nhớ ra cửa đúng 2 giờ.” Viện Bảo Tàng quá rộng và đông người xem, nên chúng tôi phải hối hả để xem được nhiều chỗ.

Vì thế, chỉ trong giây lát, chúng tôi đã bị lạc mất trưởng toán của mình. Tôi vội leo lên tầng hai để được tận mắt nhìn viên kim cương 45.52 carat. Chao ôi! Nó đẹp quá, và sáng lấp lánh như một vì sao đang chớp mắt trong đêm. Nó được bao quanh bằng một chuỗi kim cương nhỏ, nhưng cũng lung linh không kém.

Tất cả được đặt trong một lồng kiếng xoay tròn rất chậm. Nghe nói viên kim cương này được một người hảo tâm tặng cho Viện Bảo Tàng. Bức tượng bán thân của vị này được đặt ngay cửa ra vào của phòng trưng bày đá quý. Tôi chỉ còn nhớ mang máng, hình như tên ông là Harry Wilston, và viên kim cương quý giá có tên là Hope Diamond. Ngoài kim cương, còn vô số đá quýù các loại: những khối hồng ngọc rubi, hoàng ngọc topaz, quartz... Tôi hoa mắt, không xem hết. Tôi rất muốn được coi qua những phim diễn giải sự hình thành thái dương hệ, sự cấu tạo và chuyển dịch của các châu lục trên trái đất, nguyên do của núi lửa, động đất, sóng thần, nhưng không kịp giờ. Chúng tôi đành phải bỏ qua để xuống lầu, đi xem các loại thú, chim, cá.

Tuy chỉ là những da thú được phục chế, nhưng được làm vô cùng khéo léo, nên trông như thú còn sống, đầy vẻ sinh động. Nhìn con sư tử đang nhảy lên lưng con trâu nước, con báo nhe răng, nằm vắt vẻo trên một chạc cây, cạnh xác con dê núi nó vừa săn được, con hươu cao cổ xoải chân để có thể cúi xuống vũng nước... chúng ta tưởng như đang thấy những con thú thật, nơi rừng sâu. Ngoài ra còn những loại cá voi và loài khủng long đã diệt chủng cả triệu năm trước, nhưng những bộ xương vĩ đại của chúng đã được phục chế.

Qua rạp chiếu Evolution Theater, phim diễn giải sự tiến hoá và hình thành loài người từ cả trăm triệu năm trước.

Khi phim chấm dứt, vừa đứng dậy, tôi nghe nhà tôi nói lầm thầm trong miệng:

Từ vượn lên người mấy triệu năm!

Từ người xuống vượn có mấy năm.

Xin mời thế giới tới thăm

Ngạc nhiên, tôi hỏi: “Anh làm thơ đấy à?” Ông xã tôi trả lời: “Không phải thơ của anh. Đó là thơ Nguyễn Chí Thiện. Ông thi sĩ này đã tức cảnh làm thơ, khi ông cùng các tù nhân khác trần truồng đứng tắm, trong rừng sâu giá lạnh, sau một ngày lao động cực nhọc với dạ dày lép kẹp. Những người tù bị Việt Cộng đoạ đầy bằng lao dịch khổ sai, đã gần như biến hình thành khỉ trong thời gian bị giam tù. Mấy câu thơ trên, anh trích trong một bài thơ dài của ông thi sĩ.”

Chao ơi! Nói chuyện Việt Cộng thì bao giờ cũng chán ngắt. Nhìn đồng hồ đã đúng 2 giờ, chúng tôi vội đi ra cửa để về. Sau khi đã kiểm tra kỹ, thấy đầy đủ mọi người trong xe, cô Thu ra lệnh khởi hành trở về Virginia. Xe lại lướt gió ào ào, trực chỉ Falls Church. Hai bên đường, ánh nắng rực rỡ nhuộm vàng rừng thu đang thay áo. Thật là một ngày đẹp trời!

Khi sắp xuống xe tại trụ sở Boat People SOS, cô Thu hỏi :

- Các bác đi chơi có vui không?

- Có!

- Các bác có muốn đi du ngoạn nữa không?

- Muốn!

Cô Thành nói: “Vậy bác nào viết được thì xin viết về chuyến du ngoạn này.

Các bác gửi e-mail về báo Mạch Sống nhé!”

Tôi chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện viết báo, nhưng để cảm ơn các cô và Boat People SOS, lần này tôi tự nhủ lòng sẽ ráng viết, dù chỉ là để diễn tả cảm xúc của mình. Nhìn bóng cô Cat khuất sau cánh cửa văn phòng, ông xã tôi nói: “Không biết con cháu nhà ai mà ngoan như thế! Bỏ ngày cuối tuần đẹp nhất, để vất vả dẫn dắt những người già nua lẩm cẩm, không phải là thân nhân của mình, đi chơi vui.” Lời cảm ơn và khen tặng thốt tự đáy lòng đó, cũng xứng đáng để chúng tôi gửi tới tất cả các cô trưởng toán đã bỏ công tổ chức và hướng dẫn chúng tôi trong ngày du lịch hôm nay.

Mạch Sống Số 54, tháng 1, 2007

Posted on Wednesday, January 31 @ 17:59:01 EST by tuyethoang
 
Related Links
· More about Tin Sinh Hoạt
· News by tuyethoang


Most read story about Tin Sinh Hoạt:
Thành Phố Houston vinh danh BPSOS

Article Rating
Average Score: 4.5
Votes: 2


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Tin Sinh Hoạt


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang