Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27809759
page views since June 01, 2005
3 Yếu Tố Căn Bản Cho Tổ Chức XHDS

Quan Điểm

Tổ Chức Xã Hội Dân Sự: Các Khác Biệt Bản Chất Với Đảng Chính Trị

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Ngày 30 tháng 6, 2014

http://machsong.org

Ở trong nước đang có một số yếu tố thuận lợi hơn trước cho sự phát triển xã hội dân sự: ý thức của người dân về hoạt động xã hội dân sự và sự quan tâm quốc tế đến nền xã hội dân sự đang nhen nhúm. Trong thời kỳ phôi thai này, sai một li có thể đi lạc một dặm. Tìm hiểu, chia sẻ, và trao đổi rốt ráo là cần thiết để tăng triển vọng cho một xã hội dân sự chân chính và lành mạnh, góp phần thay đổi đất nước.

Trong nền dân chủ ổn định, các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò kiểm soát và cân bằng các đảng chính trị, kể cả các đảng cầm quyền và các đảng đối lập. Trong xã hội chưa dân chủ như ở Việt Nam thì vai trò này chưa được phân định rõ ràng nên rất dễ và đã xảy ra tình trạng nhá nhem. Chính những người hoạt động xã hội dân sự cũng lẫn lộn về nhận thức, làm cho các tổ chức xã hội dân sự dễ bị xâm nhập và khuynh loát bởi các đảng chính trị, rất tai hại cho tiến trình dân chủ hoá.

Ở đây “đảng chính trị” là gọi chung tất cả những tổ chức chính thức nhận mình là đảng chính trị, những tổ chức ngoại vi của các đảng chính trị và những tổ chức hoạt động với mục đích thay đổi chế độ chính trị.

Để tránh sự lẫn lộn nhập nhằng, có 3 điều mà những người hoạt động xã hội dân sự cần chú tâm: lấy đạo đức nhân bản làm giá trị gốc, xây dựng vốn xã hội hướng nội và hướng ngoại, và phát huy nội lực quần chúng ở hạ tầng. Đây là 3 yếu tố khác biệt với đảng chính trị về bản chất.  



Giá trị đạo đức nhân bản

Các tổ chức xã hội dân sự phải tôn trọng các giá trị đạo đức nhân bản và chọn từ trong đó một hay một vài giá trị cốt lõi làm phương châm hoạt động. Đấy là những giá trị tự thân, nghĩa là con người mang những giá trị ấy thuần tuý vì là con người, như tự do, nhân phẩm, hạnh phúc, quyền sống, sự tự quyết, quyền bảo toàn thân thể…  Các giá trị này bất khả xâm phạm, dù là nhân danh tập thể và bất luận cho lý tưởng nào, như độc lập quốc gia, xoá bất công xã hội, phát triển kinh tế…

Tổ chức xã hội dân sự dùng giá trị đạo đức nhân bản cốt lõi làm khuôn thước cho mọi hành xử hàng ngày, và chuẩn mực cho mọi quyết định quan trọng: nhất quyết không làm dù có lợi cho tổ chức nhưng trái với giá trị đạo đức cốt lõi, hoặc vẫn làm dù bất lợi vì nếu không làm thì vi phạm giá trị đạo đức ấy.

Vì đặt đạo đức nhân bản lên đầu, tổ chức xã hội dân sự luôn luôn bảo vệ con người bằng mọi giá và không bao giờ dùng người khác làm phương tiện cho mục tiêu của mình, và xem việc “thí chốt” đối với người trong nội bộ và trí trá với người chung quanh là vô đạo đức, tuyệt đối không chấp nhận được. 

Các đảng chính trị ít khi lấy giá trị nhân bản làm phương châm mà chỉ dùng chúng làm chiêu bài. Mục đích chính của đảng chính trị là nắm chính quyền để thực hiện chính sách mà họ tin là sẽ phục vụ cho quyền lợi chung của xã hội. Họ có thể nói đến các giá trị nhân bản tự thân nhưng cho rằng chúng sẽ là kết quả đương nhiên từ chính sách đúng đắn của họ. Cách suy nghĩ không cơ sở này dễ dẫn đến việc mượn danh nghĩa quyền lợi tập thể để vi phạm các giá trị tự thân của cá nhân. Trong trường hợp tệ nhất, đảng chính trị sẵn sàng “thí chốt”, nghĩa là hy sinh đảng viên hay những người ngoài đảng, để đạt mục tiêu.

Khi trả lời dư luận về “thí chốt”, một đảng chính trị giải thích chủ trương của họ là “lãnh đạo luôn luôn đi đầu”. “Luôn luôn đi đầu” là một nguyên tắc hành động chứ không là giá trị đạo đức. Trên căn bản đạo đức, sẵn sàng hy sinh thân mạng của mình không biện minh được cho thẩm quyền quyết đoán thân mạng của người khác. Hơn nữa, luôn luôn đi đầu cũng có thể là đi đầu trong sự khuynh loát, trục lợi, trí trá… Câu trả lời thể hiện tình trạng không có khái niệm về đạo đức nhân bản. Và đây cũng chính là vết xe đổ của các đảng cộng sản và đảng độc tài nói chung.

Vì sự khác biệt cốt lõi về bản chất này, các tổ chức xã hội dân sự phải đóng vai trò kềm chế khả năng vi phạm đạo đức nhân bản bởi các đảng chính trị, kể cả đảng cầm quyền và những đảng chống đối.  

Vốn xã hội trong và ngoài

Vốn xã hội có thể được hiểu cách đơn giản là các sợi dây vô hình gắn bó con người với nhau, dựa trên niềm tin bắt nguồn từ sự chia sẻ cùng kinh nghiệm, đặc tính, gốc gác, nhận thức, mục đích, cung cách hành xử, tập quán, văn hoá… 

Có hai loại vốn xã hội: nội bộ và hướng ngoại. Vốn xã hội nội bộ là sự gắn bó giữa các thành viên của cùng một tổ chức. Vốn xã hội hướng ngoại là sự gắn bó ngoài tổ chức, như đối với cả cộng đồng hay xã hội. Đối với các tổ chức xã hội dân sự, phát triển vốn xã hội nội bộ là cần thiết, nhưng phát triển vốn xã hội hướng ngoại cũng quan trọng không kém. Đây là hệ quả tất yếu của quan điểm giá trị đạo đức nhân bản: Tổ chức chỉ là phương tiện, rất cần thiết nhưng chỉ để phát huy các giá trị nhân bản trong toàn xã hội. Họ không phục vụ tổ chức bằng những phương cách gây tổn hại vốn xã hội ngoài tổ chức, như gian dối, trá hình, khuynh loát… vì hậu quả là giảm niềm tin nói chung.

Thiếu giá trị đạo đức nhân bản có thể dẫn đến phát triển vốn xã hội nội bộ quá đà, tạo nên tình trạng băng đảng nguy hại cho vốn xã hội hướng ngoại. Mafia là ví dụ. Thành viên của mafia sẵn sàng chết cho nhau, và cũng sẵn sàng reo rắc khủng bố trong xã hội để bảo vệ nhau. Sự cấu kết vì lợi ích hỗ tương và vì kỷ luật đảng làm cho đảng cộng sản mang tính cách một tổ chức mafia. Một số đảng chính trị, nhất là trong hoàn cảnh hoạt động trong bóng tối, rất dễ rơi vào tình trạng này vì có nhu cầu củng cố nội bộ để tự tồn và xây dựng đội ngũ để tranh quyền. Với họ, vốn xã hội hướng ngoại không là ưu tiên. Từ đó nẩy sinh khuynh hướng phát triển tắt bằng cách xâm nhập, moi ruỗng và biến chất các tổ chức xã hội dân sự để củng cố tổ chức đảng. Vì thiếu các giá trị đạo đức nhân bản làm phương châm, họ quen dần với việc dùng thủ đoạn để khuynh loát xã hội dân sự cho lợi ích riêng.  

Trong thể chế dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự có tác dụng ngăn ngừa và đẩy lui khuynh hướng phát triển quá đà vốn xã hội nội bộ của các đảng chính trị.

Phát triển nội lực quần chúng

Trọng tâm của tổ chức xã hội dân sự là xây dựng và phát triển hạ tầng, nghĩa là xây dựng lực và thế cho quần chúng để tự bảo vệ các quyền và lợi ích, làm trọng tài giữa các đảng phái, và ảnh hưởng chính sách của đảng cầm quyền. Đối với tổ chức xã hội dân sự, thay đổi chế độ độc tài không đồng nghĩa với dân chủ hoá, vì nếu người dân vẫn yếu về lực và thế so với chính quyền, thì độc tài sẽ nối tiếp độc tài.

Các đảng chính trị nhắm vào thượng tầng, mà cao nhất là chính quyền. Trong tình trạng Việt Nam, nhiều đảng chính trị chủ trương nắm quyền trước đã với lập luận rằng dân chủ ắt sẽ đến. Cách nhìn thiển cận này biện minh cho việc sử dụng những hành vi phản dân chủ trong tiến trình giành quyền bính lúc này cho một hứa hẹn dân chủ mai sau, trong đó có cả những hành động mị dân, đánh lừa dư luận, và đẩy lùi dân trí. Dân càng ít hiểu biết thì càng dễ lèo lái, kích động và thao túng.

Lại có đảng chính trị chủ trương kết nạp thành viên chủ chốt của các tổ chức xã hội dân sự, làm đảng viên ngầm hay cảm tình viên ngầm, để rồi khuynh loát cả tổ chức. Điều này làm cho các tổ chức xã hội dân sự giảm nội lực và mất dần khả năng kiểm soát mà trở thành bị kiểm soát bởi đảng chính trị. Nguy hiểm hơn, sự xâm nhập này dẫn đến sự sa đoạ về đạo đức của các thành viên chủ chốt và xoá nhoà đi các giá trị đạo đức nhân bản là phương châm hoạt động của tổ chức xã hội dân sự. 

Trong thể chế dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự tập trung phát triển nội lực và thế đứng của thành phần quần chúng mà họ phục vụ, với mục đích rất rõ ràng: ảnh hưởng và kiểm soát các đảng chính trị thay vì ngược lại; điều này giúp duy trì và phát triển nền dân chủ.

Kết luận

Trong tình hình xã hội dân sự đang phôi thai ở trong nước, những người hoạt động xã hội dân sự cần ý thức 3 điều quan trọng: lấy các giá trị đạo đức nhân bản làm phương châm hoạt động, xây dựng vốn xã hội cho tổ chức và cả bên ngoài tổ chức, và chăm chú xây dựng nội lực và thế đứng cho thành phần quần chúng mình đang phục vụ. Đây là 3 yếu tố khác biệt với đảng chính trị về bản chất.

Họ phải tuyệt đối tránh bị khuynh loát, ảnh hưởng hay lệ thuộc đảng chính trị và rồi đánh mất đi vai trò kiểm soát và cân bằng đối với các đảng chính trị. Được vậy thì đất nước mới có triển vọng dân chủ hoá và tránh nguy cơ thay thế chế độ độc tài hiện nay bằng một chế độ độc tài tương lai chẳng tốt gì hơn.

Bài liên quan:

Muốn Dân Chủ, Phải Khai Dân Trí

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2879

Xã Hội Dân Sự Phải Độc Lập Với Các Đảng Chính Trị

http://machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2875

 

 



Note:
Posted on Monday, June 30 @ 13:27:44 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Quan Điểm
· News by ngochuynh


Most read story about Quan Điểm:
Chúng Tôi Không Là Việt Kiều

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Quan Điểm


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang