Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27814146
page views since June 01, 2005
MS122 - 9/12: Chuyện Kể Từ Thái Lan III

Tị Nạn

LTS: Là một cựu nữ sinh Trưng Vương, tác giả đã về hưu ở Houston. Cuối năm ngoái, qua chương trình Saigon Houston Radio, Bà nghe đến tình cảnh của đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan, nên quyết định lên đường tình nguyện và nhập toán BPSOS đang làm việc tại Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý đặt ở Bangkok. Hàng ngày Bà thăm viếng và uỷ lạo các gia đình gặp khó khăn, dạy học cho người lớn và trẻ em, thăm nuôi những người bị bắt giam, và khi cần thì giúp cả phần thông dịch. Dưới đây là ký sự của Bà về những ngày tháng ở Thái Lan.

Tôi lại quen mắt dậy sớm, mở màn cửa thấy trời còn mờ tối. Lũ chim quen thuộc vẫn còn ngủ. Xem đồng hồ thấy mới có 3 giờ rưỡi sáng nhưng tôi không còn muốn ngủ nữa. Hình như niềm vui đã làm tôi tỉnh hẳn. Từ tuần này tôi bắt đầu bận rồi, làm ‘Cô Giáo’, làm ‘Tai Tử Kỳ’, làm ‘Người Ủy Lạo’…, việc nào cũng hứa hẹn nhiều thích thú. Tôi mở cửa ban-công cho gió mát lùa vào phòng, khí hậu thật đễ chịu, tôi thoải mái đứng ngắm trời đêm và tò mò chờ xem giờ nào thì con chim đầu tiên bắt đầu cất tiếng hót.



Khoảng hơn 4 giờ rưỡi có tiếng ríu rít từ lùm cây, hình như lũ chim non dậy trước nhất. Rồi thì vài tiếng hót khởi đầu và tiếp theo là nhiều giọng đua nhau rộn rã. Chúng hót không biết mệt, thân bé tí mà sao giọng khỏe thế, cứ một con véo von trước là bao nhiêu tiếng khác vút lên theo, không biết có phải chúng chào hỏi nhau không?

Vui với thiên nhiên thì không bao giờ chán nhưng đến lúc trời ửng hồng thì lũ chim rủ nhau đi đâu mất và tôi cũng phải vào chuẩn bị ăn sáng để còn…đi làm. Hôm nay tôi “làm cô giáo”.
 
Làm Cô Giáo:

Tôi đến chỗ dạy học từ lúc 9 giờ hơn để gặp Sơ nói chuyện. Sơ cho xử dụng phòng trên lầu 3 để học cho không bị ồn. Tôi lên lầu đã thấy mọi người ngồi chờ sẵn cả rồi. Hình như mấy chục cặp mắt đã theo dõi từng bước tôi vào phòng. Họ đứng dậy chào lễ độ như học trò thuở thanh bình, trong một thoáng tôi có cảm giác như đang đứng trước một lớp học ngày nào. Tôi phải nói họ ngồi xuống và tạo không khí thoải mái cho lớp được tự nhiên. Khác với buổi nói chuyện tuần vừa rồi, lần này phái nữ hiện diện đông hơn. Lớp học hầu hết là người lớn, chỉ có 4 em là học sinh trung học. 
 

Kể ra thì tôi cũng gan, tôi không phải là giáo sư Anh văn, vốn liếng tiếng Anh cũng không nhiều, chỉ là mong giúp cho họ những gì tôi biết, liệu tôi có làm được không đây? Không có sách vở hướng dẫn cũng khó, nên bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi được biết đồng bào tị nạn rất muốn học đàm thoại và xin bắt đầu từ điểm căn bản nhất vì ngày trước họ không được học nhiều, bây giờ họ chỉ muốn học "tốc hành" để tạm nói khi cần đến. Nhưng trong một lớp có nhiều trình độ khác nhau như thế này thì cũng khó mà biết phải bắt đầu từ điểm nào cho thích hợp với tất cả.

Tôi nghĩ khi người ta muốn học thì sẽ mau hiểu và sẽ không chán cho nên tôi khuyến khích họ đề nghị điều họ muốn học, tôi dựa vào đó đặt thành câu bằng Anh ngữ cho họ tập nói. Ngày đầu họ học cách đặt câu hỏi. Tôi cho họ nhắc đi nhắc lại cho thật thuần những tiếng căn bản như “What is”, “Where is”, “How many”, “How much”... Sau đó hướng dẫn họ đặt thành câu thật ngắn, tập trả lời thật giản dị, rồi cho thực hành bằng cách để họ thay phiên nhau hỏi và trả lời. Sau cùng là tôi hỏi lại. Lần lượt như vậy với từng câu, từng người. Quả nhiên họ học rất vui. Tôi không khỏi mỉm cười thích thú khi nghe họ cố gắng nói với nhau bằng mấy tiếng vừa học được. Tôi sẽ cố giúp trong thời gian tôi ở đây để khi được đi định cư, họ không đến nỗi ngơ ngác như khi tôi đến xứ Thái.

Trên đường về nhà, tôi ghé vào khu chợ nhỏ trong xóm xem người ta bán hàng. Chợ này họp từ chiều cho đến khuya. Họ bán đủ thứ rau tôm thịt cá.
Tôi thấy rau rút mắt cũng sáng lên nhưng thôi, có mua cũng không nấu được.  Hàng cá thì nhiều. Người Thái Lan thích ăn cá nướng, chỗ nào cũng có bán. Họ xiên từng con rồi nướng than cho cháy cạnh, ăn với nước mắm ớt thật cay. Tôi thấy toàn là cá không vẩy trông như cá trê, da cá còn đen thui, không biết họ có cạo rửa gì không, tôi chưa dám ăn thử.

Sợ đứng lâu sẽ động lòng nên tôi ghé lại chỗ mấy người đang xúm xít mua. Tôi thấy người bán có 1 rổ tép tươi, những con tép trong xanh còn đang  nhảy lách tách, nếu gặp ở Mỹ chắc chắn là tôi mua cả rổ về làm mắm tép rồi. Người bán hàng đang ra sức giã 1 cối sả chanh ớt rau thơm và gia vị.  Sau đó ông ta xúc mấy thìa tép đổ vào trộn đều rồi cho vào từng túi nhỏ đưa cho người mua. Thì ra là họ ăn tép sống như thế. Có gì ngon nhỉ? Tôi hay tò mò thử món lạ và cũng thích Sushi nhưng không dám thử món này, lỡ ăn phải trứng giun thì chết!

Tôi ghé đến hàng mực tươi nướng, món này thì nhất định tôi phải mua rồi. Họ ướp mực nang với chút bột nghệ pha muối rồi nướng trên bếp than, khói xông lên khen khét nhưng mà thơm, nhìn hấp dẫn lắm. Tôi mua 2 xâu 40 Bạt để về ăn với mì gói làm bữa cơm chiều.

Lúc đi qua hàng ở ngoài cổng tôi thấy có bày những bát đựng đầy trái nhỏ hình bầu dục trông giống như quả dâu da, màu vàng vàng, hồng hồng, cam cam rất đẹp. Bà bán hàng đon đả mời chào, tôi muốn hỏi là loại trái gì nhưng không biết nói, chỉ làm hiệu như cắn 1 trái ăn, bà bán hàng liến láu ‘Ạ loy’, ‘Ạ loy’(tức là ngon lắm, ngon lắm, tôi mới học được), thế là tôi mua liền vì  tưởng đó là một loại trái cây, ngon mà. Trên đường về tôi lấy 1 quả ăn thử, chao ôi, nó chua ơi là chua, thì ra đó chỉ là cà chua, 1 loại cà chua tôi chưa bao giờ thấy. Thế mà tôi cứ tưởng là loại trái cây ngon lắm chứ, ‘Ạ Loy’ mà! Buồn cười thật! Tôi lại có thêm một kỷ niệm vui vui về tiếng Thái.

Buổi tối nghỉ ngơi tôi bắt đầu mở Emails ra đọc. Đây là một phương cách giúp tôi giảm đi sự mệt mỏi và biết được nhiều điều tôi chưa biết. Đó cũng là niềm vui của tôi. Ngày còn đi làm, nơi làm việc của tôi nghiêm ngặt thế mà không ngày nào tôi bỏ Email, nó cho tôi cảm súc mà tôi đã ghi vào bài này, xin mời đọc:

Emails

Mỗi ngày vào đến sở
Là tôi mở Emails
Trong danh sách thật nhiều
Tôi tìm tên quen trước
Và điều tôi mong ước
Là có được nụ cười
Là tìm được đôi lời
Làm tim tôi rộn rã
Như cơn mưa mùa Hạ
Như gió mát trưa Hè 
Như một ly cà phê
Làm thơm nồng buổi sáng.

Thế đấy! Và hôm nay, một trong những thư tôi nhận được đã làm tim tôi xúc động, đó là thư của một người bạn cùng trường đã lớn tuổi và không giầu, chị muốn tôi ứng trước 50 Đô để chị góp thêm cho đồng bào tị nạn.

Bạn hiền của tôi! Năm chục đồng của bạn đã làm tôi rơi nước mắt!

Hôm Thứ Sáu đi dạy về tôi gặp một đám rước thật là lớn. Xe chở tượng Phật và xe khua chiêng đánh trống đi trước, theo sau là các vị sư đi hàng một san sát nhau theo một bên vệ đường, nhiều đến độ không đếm nổi, tôi đứng xem họ đi hàng giờ không hết. Trong khi họ đi thì dân chúng quỳ bên lề đường, chắp tay đọc câu gì đó và rắc cánh hoa hồng lên chiếu thành một thảm hoa dày để các ông sư bước lên mà đi, chỗ nào họ bước qua là chỗ đó có người trải hoa hồng và hoa cứ được liên tục rắc thêm vào. Ngoài những người rắc hoa còn có người dâng hộp bánh kẹo, có người dâng hộp khăn giấy. Họ có vẻ sùng bái lắm.  

Đang đứng xem thì điện thoại reo. Không có tên người gọi, tôi nghe giọng một cô bé lễ phép:

- Thưa cô con là D., chị An Phong cho con số điện thoại của cô. Chị nói là con có thể tâm sự với cô. Thưa cô con…

Đường phố ồn ào quá nên tôi phải hẹn gọi lại. Chiều về tôi lại có thêm người gọi tới. Thì ra đây là những người cần được kể về sự lo lắng của họ mà An Phong và Anna đã cho tôi biết trước.  Phải bắt đầu việc mới rồi.

Làm ‘Tai Tử Kỳ’:

Một trong những nhu cầu của người tị nạn là được tâm sự. Nhiều người bị chờ đợi quá lâu mà không được qui chế tị nạn nên họ rất lo sợ và xuống tinh thần, họ cần tìm sự khuyến khích, cần tìm niềm hy vọng, và họ cần được than thở. Nói chung, họ cần có người để tâm sự. LS An Phong và Anna của BPSOS đã quá bận nên tôi lại phải làm ‘Tai Tử Kỳ’, nghĩa là làm người lắng nghe và thông cảm với nỗi niềm người kể.

Hình như việc này cũng thích hợp với tôi, có lẽ vì tôi đã hiểu khi người ta thất vọng thì người ta cần gì. Tôi quan tâm đến tâm tình của họ và chia sẻ cảm nghĩ của mình với lòng chân thành. Được nghe người ta tâm sự cũng thú vị lắm, họ cho mình có cảm giác là họ cần mình. Bạn đã bao giờ có được cảm giác này chưa? Là niềm hạnh phúc đấy.
 
Chuyện của họ cũng như chuyện của nhiều người tị nạn CS ở đây, mỗi chuyện đều có thể viết thành một bài dài, khi nào có thì giờ tôi sẽ viết lại. Điều lo sợ chung của họ là Cao Ủy Tị Nạn vẫn chưa cho họ qui chế tị nạn. Lý do là chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã che đậy và chối bỏ mọi hành vi dã man họ đã làm cho nên Cao Ủy Tị Nạn cho rằng bây giờ Việt Nam đã thay đổi, và người tị nạn trở về VN sống cũng không sao. Họ không thể hiểu được những gì đã xảy ra cho những người đã phải bỏ cả tài sản, quê hương mà chạy!

Tôi không có khả năng giúp cho họ được Cao Ủy Tị Nạn chấp nhận, nhưng tôi giải thích để họ hiểu tình trạng khó khăn chung để đừng quá thất vọng, và khuyên họ suy nghĩ đến những điều họ có thể làm để cải tiến cuộc sống.

Lại… Làm Cô Giáo:
 
Sáng Thứ Bảy tôi đến dạy cho một nhóm đồng bào Tây Nguyên. Nhóm Cồn Dầu ở cùng chỗ nên học chung rất tiện, còn đồng bào gốc thiểu số thì lại ở rải rác nhiều nơi và ở xa nhau, họ không được tự do đi lại nên khó họp thành một lớp đông người. Họ lại là những nạn nhân Cộng Sản rất tội nghiệp và rất cần được giúp nhưng hình như người Việt hải ngoại chưa nghĩ đến họ.

Đây là lần đầu tôi gặp nhóm này, họ gồm 9 người Lạch ở tỉnh Lâm Đồng, gần Đà Lạt. Năm người thuộc nhóm nạn nhân bị chính quyền CS chiếm nhà lấy đất và đàn áp Tôn Giáo. Bốn người thuộc nhóm nạn nhân của tệ nạn buôn người.

Lúc tôi đến chỗ hẹn thì đã có 2 cô bé chờ sẵn để đưa tôi về nơi trú ngụ của họ. Nếu không phải là họ chạy đến chào hỏi thì tôi cũng không biết vì hai cô bé trắng trẻo nhanh nhẹn này không có điểm nào là “Thượng” như tôi từng nghĩ. Nhìn họ, tôi liên tưởng đến hình ảnh các cô sơn nữ xinh xinh trong những bản nhạc hay của thời tiền chiến.

Tôi theo họ vào khu chung cư cũ trong ngõ hẻm, phải leo 2 lần cầu thang lên, phòng nhỏ bé thiếu tiện nghi, nếu kê giường là chật. Phía sau phòng chỉ có một khoảng trống nhỏ xíu để làm chỗ nấu ăn và tắm rửa, ngay bên cạnh một phòng vệ sinh làm sơ sài theo lối cũ. Như thế mà giá thuê mỗi phòng cũng hơn 100 USD một tháng! Đắt thật! Hai ba người phải thuê chung một phòng. Mức sống tối thiểu cho 1 người tị nạn ở đây khoảng hơn 200 Đô một tháng, nhưng họ chỉ làm được khoảng hơn 100 Đô cho nên phải chung nhau mới đủ sống.

Hôm nay tôi gặp 6 người, còn 3 người kia đi làm. Bốn cô con gái nhanh nhảu dễ thương, hai cô trắng trẻo, hai cô da hơi ngăm ngăm, nhưng hai người đàn ông thì đúng là hình ảnh mà tôi thường nghĩ trong đầu. Họ nâu đen và rắn dỏi, tóc quăn quăn. Hai người này nói tiếng Việt không sõi, nói chuyện ít thì được, còn nói nhiều thì mấy cô con gái phải thông dịch. 

Nhà không có bàn ghế, chúng tôi cùng ngồi xuống sàn. Trong 6 người thì 1 người có trình độ Anh ngữ kha khá, 3 người biết chút ít và 2 người chưa biết gì. Tôi bắt đầu ngay bằng những câu chào hỏi thông thường và giản dị nhất rồi hướng dẫn họ từ đó. Tôi cũng áp dụng phương pháp thực tập như với nhóm Cồn Dầu và họ học rất vui. Có một điều tôi thấy rõ, là họ rất muốn học và phái nữ học rất chăm. Bài học đầu gần 2 tiếng mà vẫn còn muốn tiếp tục, nhưng tôi cho ngừng ở đấy và ngồi nói chuyện thân tình với họ.
 
Họ kể cho tôi nghe lúc chạy sang đây họ rất khổ, khi có người kêu đi rửa bát, đi giặt giũ, đi quét dọn thì có ăn, còn không thì đói. Sau nhờ có người giới thiệu đến BPSOS, họ đã được cơ quan này giúp và đưa họ về đây để Sơ cho họ học tiếng Thái, học may, học khâu búp bê và nhận việc về cho họ làm. Sơ cũng xin được việc cho mấy người đàn ông. Nhờ thế mà họ đã có thể sống mấy năm nay, mặc dù sống khó nghèo.

Tôi chưa bao giờ làm việc với đồng bào thiểu số nên chưa hiểu về họ và đôi khi nghĩ về họ với một chút thiên kiến. Nhưng bây giờ có dịp gần họ hơn, hiểu họ hơn, tôi thấy họ dễ mến và đáng thương hơn tôi tưởng. Họ chất phác và rất thương nhau, khi họ tin mình là họ nghe theo tất cả. Tôi hy vọng là chế độ Cộng Sản không làm ảnh hưởng đến bản tính chân thật của họ.

Chúng tôi ngồi nói chuyện thoải mái, tôi kể cho họ nghe qua về cuộc sống ở Mỹ và cho họ tha hồ hỏi, họ vui như tìm được một người trong gia đình. Đến trưa thì có thêm 1 người đi làm về. Tôi đưa cả nhóm đi ăn bữa trưa ở một quán gần đấy và tôi cũng để cho họ tha hồ chọn món. Nhưng cũng chỉ là một quán bình dân, một bát mì xá xíu, một đĩa cơm có thịt nướng đã cho là sang lắm. Tội nghiệp!

Nhìn họ, tôi âm thầm cầu mong cho họ sớm được đến đất tự do để biết thế nào là một cuộc sống đầy đủ.

Có Tin Vui:

Tôi vừa nhận được một tin làm tôi ngạc nhiên. Có một người đọc bài tôi viết về việc giúp người tị nạn bên Thái Lan đang muốn liên lạc để giúp đỡ. Tôi mừng quá vội liên lạc ngay thì được biết chị ở tận nam California. Chị cho biết sẽ gửi tặng người tị nạn 500 Đô và một số CD về bài học Anh Ngữ chị có. Không những thế, chị còn dặn là trong trường hợp khẩn thiết cần tiền thì cứ cho chị biết. Tôi giữ niềm vui một mình không được cho nên xin chia sẻ ở đây. Quí bạn có biết người có lòng tốt này là ai không? Xin thưa, đó là chị Huệ Ngô, người phụ trách chương trình dạy Việt Ngữ của trung tâm Phật Giáo miền Nam California. Chị là người rất được cộng đồng người Việt ở đấy biết đến qua những sinh hoạt xã hội của chị.

Xin cám ơn chị Huệ, một người tôi chưa được gặp nhưng đã có sự “Đồng Thanh Tương Ứng” trong việc làm nhân đạo. Cầu chúc tinh thần xã hội của chị càng ngày càng nở rộ như một hồ sen bát ngát.

Ngày Mới:

Để bắt đầu một tuần lễ vui, sáng Thứ Hai tôi đi lĩnh tiền chị Huệ gửi. Năm trăm Đô La đổi thành 14,780.59 Bạt. Nhiều đấy chứ. Nhưng tôi sắp phải xử dụng nó rồi. Tôi sẽ đi thăm người tị nạn và đi thăm tù.

Lĩnh tiền xong tôi đến Immigration Detention Center (IDC) để thăm một số người tị nạn bị giữ trong đó. Tôi hẹn gặp D. ở cổng IDC, nhưng từ chỗ tôi đến đấy thật là xa, đi taxi lâu quá mới tới, đến nơi thì đã hết giờ họ nhận giấy tờ cho vào thăm, lại phải chờ hôm khác. Tôi ghé vào chỗ D. và chị V. nói chuyện và được biết thêm về họ.

Chị V. và D. là người gốc Ê-Đê ở tỉnh Đắc Lắc gần Ban mê Thuột,   Gia đình họ từng có tài sản, nuôi được cả voi, nhung đã bị chính quyền chiếm. Họ chạy sang Thái tị nạn CS đã hơn 4 năm mà cũng chưa được Cao Ủy Tị Nạn chấp nhận. Bị bắt vào IDC 2 năm vì không có giấy tờ hợp lệ và vừa được Hội Bảo Vệ Nhân Quyền chuộc ra.

Vì sao chỉ là phụ nữ và trẻ con mà dám liều chết chạy sang đây? 

Đó là vì họ đã biết sự tàn ác mà CS đã dùng để tra tấn giết hại người theo đạo Tin Lành và chính họ cũng bị đe dọa. Chồng chị V. bị tra khảo, khi về thì bị chết vì thương tích. Chú chị là Mục Sư, bị hành hạ, khi về đến nhà thì bị hộc máu mà chết, một người chú khác đã bị tù 18 năm nhưng không ai biết sống chết ra sao. Mẹ chị bị họ dùng điện tra tấn đến phát điên và đã chết. Anh chị trốn trong rừng sâu tự sinh tồn đến 14 năm mới đào thoát sang Cam Bốt và đã may mắn được cho sang Mỹ tị nạn.

Tôi ngồi nghe những câu chuyện thương tâm mà chỉ biết âm thầm cầu mong cho họ sớm có một cuộc sống bình an như họ tìm kiếm.

Trước khi về, tôi nhờ D. chuyển tiền chị Huệ tặng cho hai người Hmong có vợ sắp sinh và mấy gia đình bị giữ trong tù.

Kỳ này xin tạm ngừng ở đây và xin cầu chúc quí bạn mọi ngày như ý. 

*   *   *

Hiện có khoảng 800 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan trước cuộc đàn áp ngày càng leo thang ở Việt Nam. Để đối phó, năm 2010 BPSOS phối hợp với một tổ chức địa phương để thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý ở Bangkok. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão.

Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về:

BPSOS/RCS
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - U.S.A.

Posted on Wednesday, August 01 @ 16:14:45 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Tị Nạn
· News by ngochuynh


Most read story about Tị Nạn:
Tị Nạn ở Thái Lan: Bảo Vệ Pháp Lý

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang