Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27900017
page views since June 01, 2005
MS107 - 06/11: Những Cảm Nghĩ Về Ngày Hiền Phụ

Mái Ấm Gia Đình

Trung Nguyễn

Trong cuộc sống đời thường có lẽ tình mẹ dễ cảm nhận hơn tình cha bởi lẽ tình mẹ nồng thắm chan chứa từng lời nói, ánh mắt, cử chỉ chăm sóc con cái từ thuở bé thơ còn cha chỉ là hình ảnh sự nghiêm nghị, lạnh lùng, và đầy uy quyền trong phong cách gia trưởng của người Á Đông. Phải chăng chính vì thế mà chủ đề Mẹ thường xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm văn học nghệ thuật còn về Cha có thể nói rất khiêm tốn dù từ thuở còn nằm nôi, thế hệ chúng tôi đã được ru hời ầu ơ ngọt ngào:

Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra



hay khi trưởng thành được nhận hiểu thêm:

Biển cả mênh mông đong đầy sao tình Mẹ
Gió trời lồng lộng sao ngăn nổi công Cha

hoặc:

Đi khắp thế gian không ai bằng tình Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha

Dĩ nhiên tôi không có ý đòi hỏi sự công bằng ở đây và thực tình mà nói nếu ai có hỏi tôi giữa cha và mẹ sẽ thương ai hơn, chắc chắn tôi sẽ trả lời thương mẹ hơn vì ngay từ nhỏ hình ảnh của người cha luôn làm cho tôi có điều gì đó e sợ, né tránh hơn là gần gũi. Nhưng không vì thế không thể viết lên đôi giòng về Cha, ít biểu lộ tình cảm mà thường bày tỏ thông qua Mẹ và sẵn sàng chịu nhiều gian khổ để đàn con được khôn lớn trưởng thành, cơm no áo ấm:

Còn Cha gót đỏ như son
Đến khi Cha mất, gót con dính bùn

Ba tôi vốn là một người được tuyển mộ vào làm công nhân cao su ở miền Nam, xa quê hương Thái Bình từ thuở đó cho đến khi qua đời vào năm 1987 cũng chưa trở về thăm làng cũ Thượng Tầm một lần. Với ý chí cầu tiến dần dần ông trở thành công nhân kỹ thuật bậc cao ở một đồn điền cao su và chính tại vùng đất đỏ mưa bụi nắng lầy nầy tôi được sinh ra và trưởng thành. Khi xong bậc tiểu học ở ngôi trường do người Pháp xây dựng trong đồn điền, một hình ảnh mà cho đến nay tuổi đà sáu mươi tôi không quên được là ba tôi giúp tôi đeo cái dây nịt có chữ T như tên tôi cùng với đôi ba ta trắng và dẫn đến xe Lambretta để lên tỉnh học lớp Đệ Thất. Phải chăng sự hiện diện của ba tôi tại thời điểm nầy ngầm báo cho biết ba tôi sẽ cùng ở với tôi, ở bên tôi trong những bước ngoặc của cuộc đời mình.

Rồi ngày tháng của một cậu học sinh trung học cứ dần trôi, ngoài học hành thì giúp việc nhà nhưng cứ mỗi lần nghe ba tôi kêu phụ làm một việc gì là tôi hoảng sợ. Hoảng sợ vì thế nào cũng bị nghe la rầy, bị tát bạt tai thậm chí khi được sai bảo lấy vật gì mà đem đến không đúng thì bị ném trả lại vào mình. Có khi thì né được, có khi phải chịu đau. Tôi buồn bực, ức lắm nhưng phận làm con phải chịu. Chắc chắn sẽ có ý kiến không đồng tình cách dạy bảo con như vậy trong bối cảnh xã hội Âu Mỹ ngày nay nhưng với trào lưu văn hóa của xã hội Việt Nam cách đây bốn năm mươi năm thì đó cũng là chuyện thường tình diễn ra. Vậy mà không ngờ chính những hành động nóng giận nầy cùng những lời chỉ dạy chi tiết của ba tôi đã ảnh hưởng rất nhiều đến suy nghĩ và tâm tính của tôi, đã giúp tôi thành công nhiều mặt sau nầy qua hành xử có sự cân nhắc thấu đáo, tính toán kỹ lưỡng, và hợp tình hợp lý.

Đến năm 1972 mùa Hè đỏ lửa, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ban bố tình trạng khẩn trương đóng cửa các trường đại học, hầu hết thành phần sinh viên như tôi đều bị động viên gia nhập quân ngũ. Tôi còn nhớ rất rõ khi báo tin nầy cho ba tôi lúc cha con ngồi trên tam cấp hiên nhà thì ông liền nói: “Thời thế phải vậy, làm gì thì làm cho dù làm quan đi nữa nhưng ba muốn đừng để ai nói đến tên ba.” Câu nói nầy gắn chặt mãi trong tim óc tôi cho đến ngày hôm nay đang định cư sinh sống ở Hoa Kỳ, cố gắng đừng làm điều gì để người ta nhắc đến tên ba như: “Con ông Tư Đ. hư hỏng, xấu xa thế này thế kia”. Nhất là khi ba tôi đã qua đời mà còn bị xướng tên lên, không phải kèm theo lời khen con cháu ông mà trái lại nói điều không tốt đẹp. Những lời dạy bảo đó của ba tôi cũng được tôi thường nhắc lại cho các em nghe.

Đến những ngày cuối cùng của tháng tư 1975, chở người bạn đến phi trường Tân Sơn Nhứt để đi ra nước ngoài, người bạn kêu nài mãi đi đi nhưng tôi viện cớ không muốn lìa xa cha mẹ, hơn nữa số phận mình không đến nổi gì đâu nhưng thực tế không đơn giản như mình nghĩ.  Ở lại quê nhà không những đã không báo hiếu, giúp đỡ gì cho cha mẹ lại còn hành hạ cha mẹ đủ điều vì chưa lập gia đình nên cha mẹ phải đi thăm nuôi suốt cả gần sáu năm trong các trại tù tập trung. Thật đúng như những dự báo ba tôi sẽ cùng ở với tôi, ở bên tôi trong những bước ngoặc của cuộc đời mình. Nếu ngày nào ba tôi giúp tôi mang dây nịt, mang giày để bước vào một khung trời rộng mở đầy tương lai là ra tỉnh học trung học thì giờ đây cũng chính ông mang thức ăn, thuốc men giúp tôi trong khung trời hạn hẹp, đầy tăm tối:

Cha chẳng là người đứt ruột sinh ra
Nhưng mẹ đau mà cha đau hơn mẹ
Trời không mưa sao mắt cha đẫm lệ
Ôi bao lâu cha mới khóc một lần

Và thật đau xót hơn là cứ mỗi lần thăm nuôi nhìn thấy ba tôi già thêm đi theo năm tháng còn phải lặn lội cực khổ đi thăm tôi “học tập lao động chưa tiến bộ” nên chưa được về. Nếu đúng theo thời hạn “đi học mười ngày” thì ba tôi đâu đến nổi vậy. Đến khi tôi được thả về, nỗi vui mừng của người cha lại chưa thỏa trọn khi thấy con mình cứ mỗi ngày phải viết báo cáo làm gì, đi đâu, còn đến những ngày lễ thì ôm mùng chiếu lên văn phòng xã ngủ qua đêm. Dẫu vậy đối với tôi gần cha gần mẹ vẫn hơn, còn rót một ly nước hay cạo gió đấm lưng hoặc được sai bảo làm điều gì thì cố gắng làm để ba tôi vui lòng nhưng chẳng được bao lâu, vài năm sau ba tôi qua đời vì bệnh.

Thế là không như những lần trước có mặt ba tôi trong những bước ngoặc của cuộc đời mình. Tôi cùng vợ và hai con lên đường đi định cư sinh sống tại Hoa Kỳ qua chương trình H.O. mà không có ba ở bên để đưa tiễn. Rồi cũng như biết bao gia đình H.O. đầy bỡ ngỡ khi đặt chân đến một đất nước tiên tiến thêm suy nghĩ tuổi tác đã lớn chắc không dễ dàng hội nhập, nhưng thật là ngược đời. Chỉ có hai bàn tay trắng cho một sự khởi đầu mới ở xứ lạ quê người mang tiếng kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử thì sinh sống yên ổn, con cái có tương lai còn sinh sống ngay chính trên quê hương mình, cùng một chủng tộc lại bị phân biệt đối xử, gây khó khăn đủ điều ngay cả con cái dù học giỏi, điểm cao cũng không được công nhận do lý lịch. Giờ đây cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định, không còn “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” như ở tại quê nhà đặc biệt nhân phẩm được tôn trọng nhưng bên cạnh đó cũng lắm ray rứt. Muốn gởi cho Ba món quà gói ghém đầy ân tình hay bảo lãnh du lịch qua Mỹ vui hưởng trong tuổi già cũng không được vì Ba không còn nữa. Nhân đây có đôi lời nhắn nhủ cùng các bạn trẻ là còn làm được điều gì cho cha mẹ thì thể hiện ngay bây giờ để báo đáp phần nào công ơn của cha mẹ. Đừng để đến khi cha mẹ không còn nữa rồi sống trong nuối tiếc, muộn màng. Nếu mà càng giàu sang sung sướng lại càng ray rứt hơn vì cha mẹ không còn cạnh bên để cùng hưởng.

Ngày Lễ Hiền Phụ lại đến với tôi cùng mọi người trên toàn đất nước Hoa Kỳ nhưng lần nầy trong cương vị của một người cha, tôi muốn tâm tình không chỉ với con mình mà còn với cả các bạn trẻ cùng thế hệ con tôi. Có bao giờ các bạn nghĩ rằng sự hiện diện của mình đến ngày hôm nay, không tính từ thuở lọt lòng đến tuổi thành niên cũng không kể hết bao công sức của cha mẹ. Hơn nữa, cha mẹ còn phải trả giá bằng những năm tháng tù đày trong chế độ Cộng Sản ở quê nhà, hay biết bao hiểm nguy ngay cả mạng sống trên con đường vượt rừng, vượt biển cùng những hậu chấn về tâm lý để cho các bạn được sinh sống, học hành, tương lai tốt đẹp trong một đất nước tự do, văn minh, hiện đại như Hoa Kỳ. Giờ đây rất nhiều bạn trẻ đã thành công, thành danh trên rất nhiều địa hạt như văn hóa, y tế, giáo dục, kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật v.v. nhưng nhìn chung vẫn chỉ ở trong tầm mức cá nhân, gia đình hay một tập thể nhỏ.

Niềm hạnh phúc nhất của các bậc sinh thành là không những thấy con cháu mình trở thành người hữu ích cho gia đình, mà còn được trưởng thành trong tâm tình yêu thương phục vụ cộng đồng và quê hương thân yêu Việt Nam. Và thời điểm nầy rất thuận lợi nhiều mặt để các bạn tham gia góp phần xây dựng cộng đồng người Việt hải ngoại vững mạnh, có tiếng nói ảnh hưởng trong guồng máy dân chủ pháp trị của chính quyền Hoa Kỳ đồng thời cũng là đẩy mạnh tiến trình tự do dân chủ cho quê hương Việt Nam. Do đó, mong rằng những cảm nghĩ của tôi sẽ được những bạn trẻ cùng thế hệ con tôi đồng cảm, sẵn sàng ghi danh tham dự Hội Nghị National Summit of Vietnamese American Leaders do BPSOS tổ chức vào ngày Thứ Bảy 2/7/2011 tại Capital Hilton, Washington, DC. Buổi hội nghị nầy cũng là bước khởi đầu của “Vietnamese American Research Institute” thực hiện chương trình “500 nhà lãnh đạo trong 5 năm” nhằm đào tạo lãnh đạo người Mỹ gốc Việt của thế hệ thứ hai. Và BPSOS cũng đã sắp xếp với một tổ chức chuyên về đào tạo lãnh đạo của Hoa Kỳ để thực hiện có hiệu quả chương trình “500 nhà lãnh đạo trong 5 năm. Đây là những nhân tố chính nhằm hậu thuẫn cho kế hoạch từng bước trong sách lược lâu dài để đưa cộng đồng người Việt hải ngoại tiến lên, phát triển cả về nội lực và thế đứng, không những có ảnh hưởng trong guồng máy dân chủ Hoa Kỳ mà còn cả đến tiến trình tự do dân chủ cho quê hương Việt Nam.

Phải chăng món quà ý nghĩa nhất dâng lên cho Cha trong ngày Lễ Hiền Phụ năm nay là ghi danh tham dự Hội Nghị National Summit of Vietnamese American Leaders tại Capital Hilton, Washington, DC do BPSOS tổ chức để hội tụ những người có cùng tâm huyết, cùng một tầm nhìn về cộng đồng người Việt hải ngoại và đồng bào quê hương Việt Nam? Xét cho cùng, đó cũng là cách trả ơn Cha Mẹ, trả ơn đất nước đã cưu mang mình và gia đình cùng hàng triệu người Việt tị nạn và di dân như trả ơn cho biết bao tiền nhân đã đấu tranh vì nền tự do dân chủ thực sự cho tổ quốc Việt Nam. Còn với những quý vị cùng thế hệ như tôi? Đồng hòa mình vào một vận hội mới sắp diễn ra bằng một việc làm thiết thực là khích lệ con em mình hay có sự tài trợ cho một hay hai ba bạn trẻ tại địa phương mình có tài năng, có tâm huyết phục vụ cộng đồng được tham dự hội nghị National Summit of Vietnamese American Leaders tại Capital Hilton, Washington, DC do BPSOS tổ chức. Trước khi nhìn thấy cộng đồng và quê hương mình được  chuyển biến tích cực, thay đổi tốt đẹp, xin hãy thay đổi chính mình trước bằng một việc làm thiết thực như nêu trên. Chắc chắn đó là một dấu ấn khó quên với người Cha trong ngày Lễ Hiền Phụ năm nay 2011.

Posted on Tuesday, May 24 @ 16:32:50 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Mái Ấm Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Mái Ấm Gia Đình:
Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Mái Ấm Gia Đình


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang