Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27809507
page views since June 01, 2005
MS102 - 01/11: Bài Luận Văn Tuyệt Vời (phần 2)

Truyện Ngắn

Huỳnh Ngọc Nga

(xem kỳ 1)

Những lúc rảnh rỗi sách luôn trên tay tôi. Tôi đọc ở nhà và mang sách đọc luôn ở trường. Bảy tuổi đầu tôi đã thành con mọt sách. Con mọt đó thoạt đầu ăn chữ của những quyển kinh Phật, truyện Tàu, truyện cổ tích và truyện tranh, và những năm sau này lại thêm truyện dịch, tiểu thuyết trinh thám, trữ tình, đủ loại... Đặc biệt tôi đam mê truyện Tàu như dân ghiền mê thuốc phiện. Đọc ở nhà chưa đủ tôi chạy ra nhà bà Hai Kiệm trong xóm để mướn các chuyện Tàu khác đọc thêm. Tiền mướn một cuốn mỗi ngày là năm cắc bạc. Tiền ba má tôi cho để đi học trước kia tôi hay mua nước đá nhận hay nước đá đậu đỏ bánh lọt của xe nước đá chị Lầm Keo ở ngã ba đầu chợ nay được tôi cũm đem “đóng” hết cho bà Hai Kiệm để “làm quen” với nào La Thành, Đơn Hùng Tín, Uất Trì Cung, Tần Thúc Bảo, v.v.

Những bài luận văn sau này của tôi được cô Liễu đem ra đọc cho cả lớp cùng “thưởng thức” đi kèm với những lời khen “có tiến bộ” làm tôi hả hê nức mũi. Sự hả hê chứng tỏ tôi đang đi đúng con đường cô dạy, đọc sách là phương pháp giúp những bài luận “thăng hoa”. Tìm ra được bí quyết rồi tôi lại gia tăng “tốc độ” đọc sách nhiều hơn ở những năm học lớp nhì, lớp nhất. Tôi đọc cho đến nỗi quên học bài, quên luôn lớp nhất là năm cuối cùng để thi vào Trung Học nên kỳ thi Đệ Thất năm đó tôi trợt vỏ chuối đau điếng. Nhờ thầy Công - người dạy tôi năm lớp Nhất – giúp đỡ cho tôi học ké thêm năm tiếp liên, tôi bỏ bớt thời gian đọc sách và chăm chỉ học đàng hoàng hơn, thi lại lần nữa lớp Đệ Thất trường Gia Long lần này tôi đậu. Không biết có nhờ phần nào bài Luận tôi làm kỳ thi đó hay không.



Vào Đệ Thất, học trường lớn có thư viện đầy ấp đủ loại sách tôi lại bắt đầu “tìm về đường cũ”, con đường ngày xưa tôi đi mướn sách từ nhà ra tiệm chuyện Tàu của bà Hai Kiệm trong xóm. Con đường bây giờ là con đường từ lớp đến thư viện sau mỗi giờ ra chơi, sách thư viện đọc khỏi phải trả tiền, chỉ cần cẩn thận giữ gìn không hư rách mà thôi. Hôm nào đọc chưa xong tôi lại mượn sách đem về nhà, đọc bao nhiêu cũng không nghe đủ, càng đọc càng muốn tìm nhiều sách để đọc thêm. Khốn khổ một điều là tôi chỉ thích đọc sách truyện, tiểu thuyết chứ không hạp sách giáo khoa bao nhiêu vì vậy năm đầu bậc Trung Học đến mùa hè thay vì được thảnh thơi nghỉ ngơi như bè bạn tôi lại phải cắm cúi học thêm Toán để thi lại môn học khô khan này dù tính trên phiếu điểm cuối năm tôi vẫn trên điểm trung bình để lên lớp.

Trong khi các giáo sư dạy Toán, Lý, Hoá vẫn nhìn tôi bằng đôi mắt nghiêm khắc thì trái lại tôi trở thành học trò cưng của cô Mận, giáo sư Việt văn của lớp. Tôi đứng nhất tất cả các kỳ thi lục cá nguyệt về Luận văn, Kim văn, Cổ văn. Những bài luận của tôi bấy giờ tôi viết bằng sự học hỏi, hiểu biết của mình, tuyệt nhiên không dám “cọp dê” bài vở của ai hết. Lời dạy của cô Liễu năm xưa tôi vẫn còn nhớ, chưa quên. Nhưng tôi bỏ được tật xấu cũ thì lại nẩy sanh tính xấu mới. Được cô Mận cưng “ra mặt”, bất kỳ chuyện gì khi giảng bài cho cả lớp, cô vẫn thường kêu đích danh tôi để hỏi như một mẫu mực cho bạn bè lắng nghe và may mắn một điều là đa số các câu cô hỏi tôi đều trả lời đúng khiến cô thêm hài lòng và tôi từ đó sinh tự mãn để cuối cùng thành tự kiêu, mười hai tuổi tôi đã ngỡ mình là một nhà văn lớn dù chưa viết quyển sách nào. Tính xấu đó, may thay tôi giấu được trong lòng chứ chưa huênh hoang vênh váo cùng các bạn tôi.

Năm lên Đệ Lục, bệnh “tưởng” mình giỏi của tôi vẫn không giảm, nhưng ông trời không cho “hùm có vây”. Năm đó tôi gặp cô Dương Ngọc Nữ là giáo sư Việt văn. Cô không chấp nhận lối viết rườm rà, cà kê dê ngỗng của tôi nên ngay những bài luận đầu niên khóa và cả bài thi đệ nhất lục cá nguyệt tôi đã bị tuột gần điểm chót. Mãi đến gần cuối năm tôi mới hiểu được ý thích của cô và thay đổi cách viết để “phục hồi” lại được vị trí ưu hạng của mình. Nhưng cũng từ đó tôi học thêm một điều là viết hay hoặc dỡ còn tùy người đọc hạp hay không với lối viết của mình chứ không đơn thuần từ phía người viết.
Những năm sau, nhờ bài học trên tôi biết “nhìn” ra cách chấm bài của các giáo sư Việt văn nên tôi uyển chuyển “chìu” theo ý thích của các vị. Gặp cô thầy nào thích câu văn mượt mà, bóng bảy, tôi thêm hoa lá cành khi viết, nếu đụng phải thầy cô thích “đâu ra đó” tôi phải “thấy sao viết vậy” miễn “ngắn, gọn, đầy đủ” là “ăn điểm”. Nhờ vậy tôi được đề cử hai lần đi thi Văn Chương Phụ Nữ Toàn Quốc” (nước Việt của miền Nam lúc bấy giờ) vào năm Đệ Ngũ và Đệ Tam, nhưng than ôi, cả hai lần tôi đều không đem được giải thưởng gì về cho lớp cả. Đó là những kinh nghiệm học đường cho tôi biết rằng tôi chỉ là một hòn sỏi nhỏ trên đường dài của môn Luận mà tôi may mắn lăn được một cách thong dong.

Rời trường học khi thi rớt Tú Tài vì lỡ dại theo đám bạn thân đi ban A thay vì ban C như năng khiếu của mình, tôi bước vào trường đời ở tuổi mười chín với nghề đánh máy khiêm nhường. Chữ nghĩa văn chương ngày nào của tôi trở thành vô dụng trên đầu mười ngón tay chỉ gõ văn bản được các xếp lớn của công ty thảo sẳn. Thỉnh thoảng đọc báo thấy các cuộc thi văn chương, các chương trình viết lách của thiên hạ khá hào hứng tôi cũng muốn tham gia nhưng lại không tin tưởng lắm vào tài năng mình vì càng lớn, càng đọc nhiều tôi càng biết rằng tôi không là hòn sỏi trên đường “Tập làm văn” nữa mà chỉ là hạt bụi mờ - nhỏ hơn cả hạt cát li ti – trong biển chữ mênh mông của các văn nhân, văn đàn khắp nơi trong, ngoài nước. Biết vậy tôi vẫn thích viết và muốn thử “tài” viết của mình trên đường đời ra sao. Không dám thử với giới văn nhân báo chí, tôi tạm thời tìm phương cách thử với môi trường đơn giản hơn và ở thời điểm nầy, mục Tìm Bạn Bốn Phương được tôi chú mục đến nhiều nhất. Các tuần báo thời đó dẫy đầy tin tìm bạn, đủ hạng loại tha hồ lựa chọn, chiến trường, thương trường, học đường, v.v. đều có đủ. Tôi mua tờ Phụ Nữ Diễn Đàn, chọn trang Tìm Bạn Bốn Phương đọc tới đọc lui rồi chọn một dòng rao như sau:

“Thanh niên 25 tuổi, độc thân, vui tính, đã từng là lính mũ đỏ hào hoa, cuộc đời không may gặp điều bất hạnh nên muốn tìm bạn gái hiền dịu, kiên nhẫn, có tấm lòng để chia sẻ vui buồn cùng nhau . Ưu tiên cho tuổi từ 25 trở xuống. Nếu được xin kèm ảnh, thư gửi về Võ Duy Hưng, số... đường... thành phố...”

Tôi chọn dòng rao này vì nghĩ cái chàng mũ đỏ hào hoa kia viết “đã từng là lính”, chắc bây giờ chàng đã lên hạ sĩ quan hay sĩ quan gì rồi nhưng vì khiêm tốn nên không kê khai rõ ràng. Tôi thích những người khiêm tốn như vậy. Hơn nữa, tội nghiệp làm sao vì chàng không may mắn trong cuộc đời, chắc mồ côi cha mẹ hay vì chinh chiến đi xa nên bị bồ bỏ đây thôi. Tính tôi dễ cảm, nghe ai “bất hạnh” thường hay “động mối từ tâm”, mấy lời thiết tha như vậy lẽ nào tôi lại bỏ qua, có điều hơi lạ là sao địa chỉ không là KBC (Khưu Bưu Chính) như các địa chỉ quân sự mà lại là số nhà, tên đường quá ư “dân sự”? Nhưng đây là chuyện nhỏ, chắc chàng tính cẩn trọng, kín đáo không muốn bạn bè biết chuyện tâm tình trai gái riêng tư.

Thế là tôi lôi giấy viết trong giờ nghỉ trưa ở công ty để viết trả lời cho anh chàng lính dù “bốn phương” này. Tôi không kèm ảnh như lời yêu cầu của “đương sự” nhưng tả sơ bản tính “chân quê” vùng Chánh Hưng của mình, tả thêm “em không má thắm, môi hồng vì em đây vốn tính người đơn sơ” và “tóc em dài nhưng em chưa uốn”, “mắt em xanh nhưng chẳng kẻ chì xanh”, “em chưa có bạn trai vì sợ đời ly loạn” và “em chọn viết cho anh vì muốn xóa lấp những không may anh gặp phải trên đường đời”. Tôi thêm chút hương thơ của “em hậu phương” gửi “anh tiền tuyến” hứa hẹn một cuộc gặp bất ngờ khi “cánh dù chinh chiến bay về phố thị phồn hoa” và “hy vọng thư này không bay mất như gió đưa cánh dù xa” của chàng trai mũ đỏ...

Thư viết xong tôi cho Loan, chị bạn đồng nghiệp của tôi, đọc thử. Loan cười bảo tôi:

- Coi chừng rủi gặp “ông Kẹ” đó nghen.

Tôi cũng cười, lơ tơ mơ trả lời bạn:

- Trời, tui là bà Chằng, không lẽ sợ “ông Kẹ” sao? Thư viết chơi chứ có phải thật đâu mà bà lo.

Thư đi chưa đầy mười ngày thì có thư về với một bức ảnh bán thân 9x12kèm theo. Anh chàng họ Võ trông cũng “khôi ngô, bảnh choẹ” với áo hoa dù, mũ đỏ oai phong. Người hùng cho biết là dân “Nha Trang cát trắng dừa xanh” nên đã nếm bao vị muối của “biển mặn”cuộc đời. Chàng hứa sẽ đến thăm tôi bất ngờ khi có dịp về thành phố. Tôi cười thỏa thích khi thấy lá thư khảo sát bài luận “đời” đầu tiên của mình đạt kết quả. Tôi không thích làm “người yêu của lính” nhưng nếu “cánh hoa dù” nầy “coi được” tôi sẽ “hái” đem về “khoe” với “bà con”. Tôi đọc kỹ lá thư của “anh trai tiền tuyến” và thấy sao có nhiều câu hao hao giống bài nhạc Biển Mặn của Trần thiện Thanh quá đi thôi. Tôi nghĩ  anh chàng này cũng “cọp dê” lời nhạc của người khác làm thư riêng của mình chẳng khác chi bài luận lớp ba của tôi ngày nào, chưa chi “ hai đứa” đã quá đổi “hạp” nhau rồi, chỉ còn chờ gặp mặt để xem có “hạp nhãn” nhau không rồi sẽ bắt đầu tính chuyện “đàng hoàng” hơn. Tôi viễn vông tưởng tượng “phút ban đầu khi mới gặp nhau” của hai đứa, chắc là vui lắm.

Đối đáp qua lại với nhau khoảng chừng năm, sáu lần thư thì một buổi sáng đầu tuần tôi đang làm việc bỗng chuông văn phòng reo nhắn tôi xuống phòng tiếp tân có người muốn gặp. Bấy giờ Tết sắp đến, công việc công ty đầy ắp phải thanh toán trước cuối năm nên ai cũng chúi đầu làm cật lực. Tôi cũng có một đống hồ sơ cần đánh máy gấp giao cho xếp để kịp đem giám đốc ký trong ngày. Vì những lu bu đó tôi quên mất đi lời hứa tìm thăm bất ngờ của “anh trai tiền tuyến”, nhưng Loan ngồi kế bên tôi lại nhớ, chị nhắc:

- Chắc gần Tết nên “chàng” về thăm bà đó, chuẩn bị tinh thần đi.

Loan không là thầy bói mà đoán trúng như thần. Tôi bước vào phòng tiếp tân thấy một anh lính dù đang đứng đợi tôi tự bao giờ. Tôi nhìn chàng, kinh ngạc đến bàng hoàng, không có chút vui mừng nào như tôi dự đoán mà chỉ có sự hoảng loạn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Trước mắt tôi khách đợi không khác chi người trong ảnh. Bảng tên trên ngực cho biết đích thực khách là Võ Duy Hưng, bạn bốn phương của tôi đây rồi, cũng mủ đỏ, áo hoa dù, khôi ngô tuấn tú, vai năm tấc rộng, thân vài thước cao. Nhưng trong ảnh không cho tôi thấy chiếc nạng gỗ thay cho nữa chân bên trái thiếu vắng của chàng. Trên thực tế “người hùng” của tôi là một... thương phế binh. Dù đã chuẩn bị tinh thần cho cuộc gặp gỡ từ lâu nhưng không phải cho tình huống như vầy nên tôi khựng lại, nhìn khách, ngỡ ngàng.

Hưng như đoán trước mọi việc trước vẻ mặt của tôi, chàng khẻ mĩm cười chào tôi, thật hiền và thanh thản:

- Ngọc phải không? Hưng đây, anh giữ lời hứa đến thăm Ngọc bất ngờ đây.
Tôi luống cuống gần như mất bình tỉnh, gắng gượng lắm tôi mới nở được nụ cười:

- Dạ, em là Ngọc đây. Cám ơn anh đã đến – và tôi ngừng lại, khổ sở ấp úng – nhưng Ngọc đang bận nhiều việc quá, chúng ta gặp nhau lần khác được không anh?

- Anh chờ Ngọc giờ tan sở trưa nay nghen?

Tôi hốt hoảng từ chối:

- Không, không được đâu anh. Trưa Ngọc đi ăn với bạn, chiều ba Ngọc đến đón.

Giọng Hưng kiên nhẫn pha chút hy vọng:

- Vậy bao giờ mình gặp lại nhau được, Ngọc nói đi, anh đợi.

Tôi cúi mặt, không dám nhìn vào mắt Hưng, ngập ngừng:

- Ngọc không biết. Thôi, khi nào được, Ngọc sẽ viết thư cho anh hay.

 Tôi thu hết can đảm nhìn vào mắt chàng, nói nhanh:

- Xin lỗi, Ngọc phải về chỗ làm việc liền anh à. Chúc anh năm mới nhiều may mắn, vạn sự như ý.

Hơn bốn mươi năm rồi, cuộc đời trải qua bao thăng trầm biến đổi nhưng tôi không bao giờ quên được đôi mắt của Hưng giây phút đó, đôi mắt Từ Hải khi chết đứng, như bàng hoàng, có nét buồn vương ẩn, có nét giận thoáng cau, hoà trộn lại để thấy đó là một nỗi đau sỉ nhục. Không hiểu sao tôi bỗng đâm sợ, không phải sợ chiếc chân thương binh của chàng mà sợ tia nhìn trong đôi mắt đó. Hưng không nói gì, đứng lặng sững người như tôi đã sững sờ khi vừa gặp chàng. Không chờ đợi lâu, tôi cúi đầu chào chàng rồi quay lưng đi như trốn chạy. Khi bước lên cầu thang tôi nghe phía sau vang lên nhịp gỏ của chiếc nạng nhẹ đi về phía cửa công ty. Ngoài kia phố, đâu đây đì đùng tiếng pháo sớm mừng xuân.

Đó là lần duy nhất tôi gặp Hưng vì tôi không đủ dũng mãnh của một con người có trái tim nhân hậu, cũng không đủ chân thành để thực hiện đúng lời hứa trên giấy trắng mực đen là chia sẽ cùng Hưng những mất mát trong cuộc sống nên lá thư hẹn gặp lần thứ hai tôi không bao giờ viết cho chàng. Tôi đã ứa nước mắt khi trở lại bàn làm việc, không biết khóc thương người bạc hạnh hay khóc xấu hổ cho sự bạc lòng của tôi. Ngày đó tôi mới mười chín tuổi, tôi còn quá trẻ để biết cách cư xử sao cho phải đạo làm người. Tôi không biết màu mè giả dối để nở nụ cười tươi, đưa đôi tay nhỏ nắm lấy bàn tay Hưng chứng tỏ sự cảm thông, ra điều niềm chia sẻ những bất hạnh hiển hiện trên đôi nạng gỗ của chàng. Tôi nhìn chàng như nhìn ông “Kẹ” mà Loan đã hù dọa tôi ngày tôi viết bài “Tập làm văn” thử đời và tôi đã làm “bà Chằng” đuổi xua “ông Kẹ” ra đi không dấu diếm. Trái tim đứa con gái mười chín tuổi đang mơ bóng dáng hoàng tử mắt xanh áo treilli đính mai vàng trên cầu vai làm sao tôi có thể bình tĩnh làm người nhân hậu khi hoàng tử trong mơ hiện ra chỉ là một anh thương binh nạng gỗ. Tết năm đó tôi không dám đi chùa lễ Phật, tôi sợ cái tâm xấu xa của tôi làm héo hoa lá nhà chùa, sợ khói hương ngày Tết không phủ hết tội dối người của tôi với câu viết “em chọn viết cho anh vì muốn xóa lấp những không may anh gặp phải trên đường đời”.

Nhưng bây giờ, ở tuổi sáu mươi, nếu phải trở lại chuyện ngày nào bằng nghĩ suy của người đầu bạc, thú thật tôi cũng không biết mình phải làm gì cho đẹp cả đôi bên. Nếu bảo “năng thuyết bất năng hành” là giả dối thì tôi xin nhận nhưng tôi cũng không thể tiếp tục đẩy đưa hứa hẹn những điều ngoài ước muốn, như vậy càng dối trá nhiều hơn. Hơn bốn mươi mùa xuân đi qua, mỗi lần Tết đến, trong buổi trời đất giao hoà tôi vẫn thường khấn nguyện cho Hưng tìm được một người bạn gái như chàng mong đợi, người đó chắc chắn sẽ có tấm lòng nhân hậu hơn tôi và không biết viết thư bốn phương dối chàng như tôi. Bài luận “đạo văn” lớp ba thuở nào tôi bị phạt chép hai trăm lần “không được chép bài người khác” để xoá tội mình nhưng lá thư bốn phương - bài luận “thử đời” - tôi viết dối người năm xưa tôi phải tự phạt mình ra sao để tôi xóa được sự ray rức tâm hồn mình vào mỗi độ xuân về khi trong tiếng pháo tôi vẫn nghe hòa nhập đâu đây nhịp gõ của chiếc nạng gỗ lúc Hưng lặng lẽ bước ra đi.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]

Posted on Friday, January 07 @ 10:56:20 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Truyện Ngắn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang