Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27892144
page views since June 01, 2005
MS96 - 07/10: Rựa Cùn Dễ Băm

Truyện Ngắn

Hưng Yên

Ngày còn nhỏ tướng mạo tôi coi chán lắm, kheo khẳng kheo khừ  và đen như củ súng. Những lúc vui câu chuyện bu tôi thường bảo: “Đen nhưng lại kông chịu nhận là mình đen”. Ngay khi còn bé tí, lúc còn phải bế trên tay, ai mà chê tôi đen như củ súng là tôi khóc thét lên, nhưng nếu bảo là trắng như nõn hòn than thì tôi lại cười toe. Cho đến bây giờ, đã quá nửa đời người rồi, thỉnh thoảng muốn trêu tôi, bà xã tôi vẫn nhắc lại câu nói của bu tôi thuở trước: “Bảo đen như củ súng thì khóc thét lên, hai chân vò vò vào nhau, còn bảo trắng như nõn hòn than thì thích chí cười toe!” Bị bà xã chọc quê, tôi chỉ cười cười, nhưng trong lòng thật cũng thấy mình hơi quê quê.

Tôi sinh ra ở một làng quê miền Bắc, cách trung tâm thị xã Hưng Yên khoảng chừng 4 cây số và muốn vào thị xã thì phải đi qua Phố Hiến. Cái tên Hưng Yên của tôi cũng là do tôi là người thuộc tỉnh Hưng Yên mà có. Làng tôi là một làng nhỏ, có khoảng không quá 100 nóc gia và được chia làm 4 xóm: Xóm Ngoài, Xóm Giữa, Xóm Dưới và Xóm Trên. Xóm Ngoài là xóm nằm ngay đầu làng, ngay con dốc từ đê đi xuống. Ngày tôi mới thi đậu bằng tiểu học, được thày tôi mua cho cái xe đạp để đi học trường tỉnh. Mỗi lần đi học về đến con dốc đầu làng, mấy đứa bạn cũng có xe đạp như tôi nhưng nhát gan, không dám thả cho xe lao từ trên đê xuống, riêng tôi tuy cũng không dám buông thắng cho xe lao xuống thả dàn, nhưng cũng từ từ vừa bóp vừa nhả thắng cho xe xuống dốc ngon lành làm mấy thằng bạn lé mắt.



Vừa hết dốc, ngay dưới chân đê là cái quán của bà Trương Hàm, quán làm bằng tre lợp rơm, chung quanh quây bằng mấy tấm liếp. Hàng trong quán là mấy nải chuối treo toòng teng, mấy hũ kẹo bột, kẹo gừng, mấy cái bánh tẻ, bánh ít nhưng chủ yếu là bún riêu, nước vối. Hôm nào đi học về mà trong túi có tiền là bọn tôi, mấy thằng phá như quỷ lại ghé vào quán. Đứa làm cái bánh tẻ, đứa xơi tô bún riêu, đứa mua đồng kẹo bột cứ nhặng xị cả lên. Tôi còn nhớ một lần, bốn thằng gồm có: Thằng Ca con bà Trương Diễn, thằng Thoát con ông Thủ Vang, Thằng Sửu con bác Trương Quế và tôi là thằng Hưng con ông Cựu Điển ghé quán bà Trương Hàm. Mỗi thằng chỉ làm có một tô bún riêu thôi, nhưng lại ngốn hết gần rổ rau muống chẻ trộn với cây chuối thái mỏng của chủ quán, đến nỗi lần sau vào ăn bà sợ không dám để cả rổ rau cho tụi tôi tự gắp nữa, mà bà chỉ bốc cho một nhúm bỏ vào cái dĩa mẻ, ăn hết thì thôi không có đòi hỏi thêm.

Ở trong Nam ăn cơm bằng cái chén, ở ngoài Bắc ăn cơm bằng cái bát mặc dù bát với chén cũng chỉ là một. Ý tôi muốn nói là trong cùng một đất nước, cùng một sự vật mà mỗi vùng đặt cho nó một cái tên khác nhau, vậy nên mới có câu đùa:

Bắc Kỳ gọi má bằng bu
Gọi ly bằng cốc, gọi cu bằng...!

Bà Trương Hàm bán bún riêu bằng cái bát “chiết yêu Tầu” (Thấy người lớn gọi thế thì tôi cũng gọi thế, chứ chẳng hiểu sao nó lại có cái tên như thế), tức là một thứ tô trên miệng thì loe ra nhưng dưới đáy lại chũm lại. Nhìn cứ tưởng chứa được nhiều nhưng kỳ thực chỉ nhỉnh hơn cái chén ăn cơm một tí. Bọn nhóc tụi tôi, thằng nào cũng chỉ độ 11-12 tuổi nhưng vì là dân nhà quê nên ăn khỏe lắm. Hai, ba tô bún riêu như thế cũng nuốt bay đi chứ một tô mà nhằm nhò gì. Ăn hết tô bún, khách còn tiền thì làm thêm quả chuối hoặc bát nước vối. Riêng bọn nhóc tụi tôi thì a lê hấp cứ ra cái chum dưới gốc cây cau bên cạnh quán mà tu một gáo nước mưa là xong ngay, sau đó lại ào ào lên xe phóng đi. Có lần bà Trương Hàm nhìn theo bọn tôi vừa cười vừa bảo: “Cứ ào ào như một lũ giặc Tầu Ô!”

Có lẽ tôi là thằng vừa xấu trai vừa nghịch nhất trong đám, ăn bao nhiêu cũng không mập ra được. Đã đen như củ súng thì chớ mà mặt mũi lại cứ vêu vao ra. Tôi còn nhớ độ tôi vào khoảng 7-8 tuổi, thày bu tôi có quen một ông cụ người làng bên. Chả biết mối thâm tình giữa các vị với nhau như thế nào, nhưng thỉnh thoảng ông cụ lại đến nhà tôi chơi, có khi ở từ sáng tới tối mới đi và cũng cơm nước đàng hoàng. Thày bu tôi xem ra quý ông cụ lắm. Thày tôi bảo ông cụ biết làm thuốc lại biết coi cả tướng số nữa. Ông cụ giỏi thế nào tôi không biết, nhưng có điều chắc chắn là tôi không thích ông cụ, không phải vì cụ đã đến nhà tôi ăn cơm, uống nước mà chính vì cụ đã coi tướng cho tôi. Một hôm tôi vừa đi đánh đinh, đánh đáo với bọn trẻ hàng xóm về đã thấy cụ đang ngồi nói chuyện với thày tôi ở trước hiên nhà, tôi định lỉnh đi chỗ khác nhưng bị cụ gọi lại. Ngắm nghía đằng trước, đằng sau tôi một lát rồi cụ phán:
- Thằng này tuy xấu trai nhưng sau này không đến nỗi nào, chỉ phải cái tội dài mồm ăn người!

Chính cái câu “dài mồn ăn người” này khiến tôi ghét cụ thậm tệ. Bảo tôi xấu trai thì tôi không “ke”, soi gương tôi đã biết rồi, còn bảo tôi dài mồm ăn người thì chắc chắn là cụ nói sai. Đã nhiều lần tôi lén lấy gương soi, soi chính diện rồi soi trắc diện xem cái mồm mình nó dài như thế nào và tôi thấy mồm mình không dài, chỉ tại tôi gầy quá nên nó mới vêu ra thế. Mà thật, đến hôm nay trước khi ngồi viết bài này tôi cân thử, thấy mình nặng những 150 lbs, soi gương thấy mồm mình thật vừa vặn, chả dài một ly ông cụ nào. Còn bảo tôi “ăn người” thì lại càng sai nữa. Bằng chứng rõ ràng là hồi tôi chưa được 6 tuổi, bu tôi xin cho tôi vào học lớp mẫu giáo trường làng. Mỗi buổi sáng đi học, cụ hay nhét vào cặp cho tôi một cái gì đó để ăn đỡ khi đói, mà thường nhất là một miếng cháy cơm rượu. (Ngày đó gia đình tôi làm nghề nấu rượu, nuôi lợn, nên ngày nào cũng nấu cơm nếp để ủ men cho thành cơm rượu). Miếng cháy này tôi thường phải cúng cho mấy thằng lớn con hơn tôi ở trong lớp (mà hình như tôi là thằng bé nhất lớp) kẻo nó đục tôi. Riết rồi thành thói quen, ngày nào không có miếng cháy hay cái kẹo để hối lộ cho chúng là tôi không dám đi học! Thế thì bảo tôi “ăn người” ở chỗ nào?

Chính vì ghét ông cụ mà sau này tôi ghét lây cả các vị “Lốc Cốc Tử ”. Tôi cho là cứ 10 vị “Chiêm tinh tướng số gia” thì may ra mới có một vị có chân tài, còn phần lớn là bố láo bố lếu. Có nhiều vị thầy bói sau khi đã ba hoa khoe đủ các tài, dưới cùng bài quảng cáo còn phụ chú thêm một câu “không giúp làm điều bất chính”. Ý của thày là: Phù chú, thư ếm, bùa ngải gì thầy cũng giỏi cả, chỉ không làm vì thầy là người đạo đức thế thôi. Đọc câu này sao tôi nghi quá, xin lỗi nếu thực sự mà thầy sai được ma, khiến đực quỷ hoặc rải đậu thành binh được thì thầy tha gì mà ban đêm không sai âm binh đi khuân két sắt của người ta về cho thầy! Đến sau 30-4-1975 bọn Việt Cộng từ miền Bắc tràn vào, cái lũ trời không có Thánh, đất không có Thần này nó cấm tiệt không cho chiêm tinh bói toán gì ráo, bấy giờ các thầy im re không có vị nào động đậy hết. Viết đến đây tôi lại nhớ đến ngày còn ở trong tù cải tạo của Việt Cộng. Ở cùng nhà với tôi có mấy ông người Miên, các ông nói tiếng Việt không rành nhưng đôi lúc lại tỏ ra hung hăng phách lối. Có ông còn khoe biết cả bùa ngải, thư ếm và thường dọa dẫm người này người khác là coi chừng, lôi thôi các ông thư cho bỏ mẹ. Một lần tức quá không chịu được tôi đã chửi toáng lên:
- Thư cái củ thìu bưu ông đây này, đang thèm ngọt đây, thằng nào giỏi cứ thư mẹ nó một nồi chè hay một ký đường vào bụng ông đi xem nào, còn nói mồm thì ông đếch sợ!

Có lẽ các ông ấy sợ tốn đường nên không thấy ông nào thư tôi cả. Tôi còn nghĩ thầm trong bụng: “Mẹ nó, Việt Cộng nó nhốt cả lũ, bắt làm quần quật như nô lệ thời trung cổ, cho ăn như cho chó ăn, sao không thấy thằng nào động đậy gì hết? Giỏi sao không thư chết hết tụi nó đi, anh em đụng đến một tí thì nhặng xị lên”?

Nói như  thế không có nghĩa là tôi không tin có bùa chú, thư ếm, không tin có những người có thực tài biết được quá khứ, vị lai. Nhưng những vị này người ta không có oang oang nhặng xị lên đâu, chỉ có những cái thùng rỗng mới kêu to thôi!

Như đã thưa ở phần đầu bài viết, thuở nhỏ tôi xấu trai nhưng nghịch ngợm thì không ai bằng. Học thì tôi dốt hơn mấy thằng cùng lớp, nhưng đánh bi, đánh đáo thì tụi nó phải kêu tôi bằng sư phụ. Trong cặp của tôi có lúc có cả trăm hòn bi. Chợ bán 1 đồng 2 bi, tôi bán cho chúng nó 1 đồng 5 bi. Cũng là bi tôi ăn được của tụi nó chứ ở đâu ra mà có? Chơi “đáo lỗ”, “đáo đập” tôi cũng số dzách thành ra tiền bạc luôn luôn rủng rỉnh. Có tiền ăn kẹo sún răng, nên đã xấu lại càng xấu tệ!

Về lãnh vực bắn súng cao su (dàng thung) tôi cũng là tay có hạng, nói thật tuy không bá phát bá trúng như Chương Còm hoặc Danh Ná của ông Duyên Anh (Hai nhân vật trong truyện Chương Còm của nhà văn Duyên Anh) nhưng đã có lần tôi “phơ” được cả một con chim hoàng anh đậu tít trên ngọn cây đa ở sân đình. Thành tích này cả làng tôi ai cũng biết. Không đánh đinh đánh đáo thì lại với cái súng cao su và một mớ đạn bằng đất xét nung ở trong túi, tôi len lỏi khắp các bờ ruộng, bờ ao (dĩ nhiên là những lúc không phải đi học).

Chim cu, chim gáy, chào mào, chích chòe tôi phơ được là thường. Vì làng tôi là một làng nhỏ nên từ đầu làng đến cuối làng, từ lớn chí bé mọi người đều biết nhau. Biết từ cha mẹ đến con cái vì thế nên không ai là không biết thằng Hưng con ông Cựu Điển học dốt nhưng nghịch như quỉ sứ!

Ngày ấy tôi thấy tôi có tài, chơi cái gì cũng thắng nhiều hơn thua, nhưng thày bu tôi xem ra không thích cái tài của tôi. Các cụ chỉ muốn tôi học giỏi chứ không muốn tôi đánh đinh, đánh đáo hay bắn súng cao su giỏi. Thú thực đôi lúc tôi cũng nuốn mình học khá hơn đôi chút, nhưng không hiểu sao tôi cứ lết bết hoài!

Năm ấy tôi đã học lên tới lớp Nhì, tuy là học dốt nhưng tụi nó được lên lớp thì tôi cũng được lên lớp, có điều là chỉ lẽo đẽo theo sau thôi! Tôi còn nhớ thầy giáo tôi là một vị giáo già, đi dạy học thầy mặc quần trắng áo dài đen, chân đi giầy Nam Định (một loại dép chỉ có cái mũi bằng da đen bóng, chụp kín 5  ngón chân, quê tôi gọi là giầy Nam Định). Mỗi buổi sáng đến trường có 3 thằng học trò phải ghé nhà thầy. Một thằng ôm tập vở mà thầy đem về để chấm bài từ ngày hôm trước, một thằng bưng cái điếu bát đem ra lớp để thầy hút thuốc lào, một thằng cầm cái đồng hồ báo thức và cái roi mây. Ba thằng bưng đồ đi trước, thầy lững thững đi sau. Không phải thằng nào cũng được đến nhà thầy để bưng đồ cho thầy đâu, phải là những tay học giỏi được thầy thương mới được cái vinh dự ấy, còn cỡ như tôi thì chỉ có thể đứng xa xa mà nhìn thôi! Hết giờ học, ba anh sáng bưng đồ ra lại bưng đồ về cho thầy.
Các cụ ta ngày xưa quan niệm thầy hay đánh học trò mới là thầy giỏi. “Hay chữ dữ đòn”, có quất cho sưng đít lên thì mới chịu học, bởi thế nên thầy giáo tôi cũng hay đánh lắm. Thầy gọi lên đọc bài mà không thuộc thì ngoài việc được ăn cái hột vịt còn được xơi thêm vài ba roi quắn đít là cái chắc. Tôi cũng thường được ăn hột vịt và ăn roi mây của thầy. Ở nhà học bài, nhẩm đi nhẩm lại thấy đã thuộc, thế mà lúc bị gọi lên đứng khoanh tay trước mặt thầy, nhìn tay thầy cầm cái roi mây nhịp nhịp là hồn vía lên mây, chữ nghĩa biến đi đâu hết cả. Càng ngắc ngứ thầy lại càng nhịp roi mạnh hơn, thế là tắc tị luôn, không đọc được. Thầy quất cho 3-4 roi rồi a lê hấp về chỗ cộng thêm cái hột vịt vào vở của mình và vào sổ điểm của thầy. Đối với những thằng vừa dốt lại vừa phá phách, nghịch ngợm ở trong lớp thì thày còn có cách trị đặc biệt khác. Lớp tôi ngày đó có khoảng hơn 40 học sinh, đa số là nam, còn nữ chỉ chiếm hơn một bàn. Nghĩa là một bàn cho mấy o thì không đủ, mà hai bàn thì lại dư ra một, hai chỗ. Bàn có chỗ dư ấy là bàn danh dự. Anh nào đã học dốt lại còn nói chuyện, phá phách sẽ được thày cho lên ngồi chỗ danh dự ấy. Thế là chả còn nói chuyện hay cóp pi ai được, bởi mấy o ngồi rúm lại với nhau ở một đầu bàn. “Danh dự viên” sẽ cô đơn lạnh lẽo, vậy nên thằng nào cũng sợ phải lên ngồi bàn danh dự!

Bây giờ nếu còn đi học mà được thày cho lên ngồi bàn danh dự như ngày xưa chắc tôi sẽ sướng mê đi, chứ ngày đó tuy là nghịch ngợm tôi cũng sợ phải lên ngồi bàn danh dự lắm. May mắn thay, hết năm lớp Nhì lên lớp Nhất, lớp tôi được một thày giáo trẻ dạy. Thày khoảng chưa tới 30 tuổi, cách dạy của thày khác hẳn vị giáo già ở lớp Nhì. Không hút thuốc lào, không đồng hồ báo thức, không roi mây, không bàn danh dự, thế mà thày giảng đến đâu tôi hiểu dễ dàng đến đấy. Đang từ một thằng học dốt, quanh đi quẩn lại cứ đứng nhất, nhì, ba, tư từ dưới đếm lên, nay tôi cũng đứng nhất, nhì, ba, tư nhưng là từ trên đếm xuống và cuối năm lớp Nhất tôi bắt cái bằng tiểu học một cách dễ dàng. Đến nay đã năm mươi mấy năm tôi vẫn còn hình dung được khôn mặt vui vẻ, trẻ trung của thày giáo tôi thuở ấy.

Làng tôi tuy là một làng nhỏ, cả làng chỉ có độ mươi nhà là coi như khá giả, có máu mặt còn hầu hết chỉ nhàng nhàng đủ ăn, thế nhưng dân làng tôi “sĩ diện” khiếp lắm. Hầu hết các vị “liền” ông trong làng đều phải có chức, tước. Tôi ít thấy ai lại không có cái “chức” hay cái “tước” đứng trước cái tên, tỷ như ông “Xã” Bèo, ông “Nhiêu” Bột, ông “Thủ” Tiêu, ông Chánh” Trầu hay ông “Lý” này, ông “Phó” nọ, v.v. Mà ông đã là ông Xã, ông Nhiêu, tất nhiên bà cũng được gọi là bà Xã, bà Nhiêu... Có điều những tước này là tước mua, nó chỉ có giá trị quanh quẩn ở trong làng với nhau, chứ không có giá trị bên ngoài. Trừ một vài vị như: Tiên Chỉ, Thứ Chỉ, Lý Trưởng, Chưởng Bạ, Trương Tuần là những chức tước thực sự được quan trên trông xuống, người ta trông vào. Ngoài ra toàn là tước hàm trong làng với nhau. Lâu lâu các cụ lại bàn nhau bán vài “tước” để có bữa nhậu, dĩ nhiên muốn tước lớn thì phải có cỗ lớn, tước nhỏ thì cỗ nhỏ. Nhỏ nhất là cái tước “Nhiêu” cũng phải có vài mâm, sau đó anh mới là anh Nhiêu, chị mới là chị Nhiêu.

Năm tôi mới khoảng 12-13 tuổi, ông nội tôi đã định mua cho tôi cái tước Nhiêu, cụ bảo: “Con ông cháu cha mà không có chức tước gì tức là thằng bạch đinh, khó coi lắm”. Chả là ông nội tôi là cụ Tiên Chỉ trong làng, còn thày tôi là ông Lý Cựu. Trước đó vài năm tôi cũng đã nghe ông nội tôi và thày bu tôi bàn đến chuyện “dựng vợ” cho tôi. Bố mẹ vợ tương lai của tôi người làng bên, dĩ nhiên là phải danh giá, khá giả rồi. Ông nội tôi bảo: “Bên nhà người ta có Cha, bên nhà mình cũng có Cha (em ruột ông nội tôi làm linh mục, em ruột bố vợ tương lai của tôi cũng làm linh mục), người ta cũng “nhà ngói cây mít” thế là tốt lắm rồi. Thế là hai gia đình kết thân với nhau. Tôi tuy xấu trai, nghịch ngợm nhưng không thấy ông bà nhạc tương lai của tôi chê bai gì. Còn người vợ tương lai của tôi, nàng hơn tôi một tuổi, da trắng như trứng gà bóc, hai đứa cùng học với nhau một trường, một lớp đã mấy năm còn lạ gì nhau nữa. Cả nàng và tôi đều giữ im lặng, không có ý kiến. Mà im lặng tức là bằng lòng chứ còn gì nữa. Hai gia đình chỉ chờ cho đôi trẻ đủ lớn khôn là cho chúng nó được “Trăm năm sắt cầm hòa hợp”.

Thế nhưng mọi sự chẳng qua khỏi cái “số”, ai nói gì thì nói chứ tôi tin ghê lắm, mỗi người đều có một cái số cả. Bởi nếu đừng có cái đám Việt Cộng chết tiệt ấy, đừng có cái cuộc di cư năm 1954 mà cứ lúi xúi ở nhà quê thì chúng tôi đã nên vợ nên chồng rồi. Đàng này di cư vào Nam, chúng tôi hai đứa hai nơi, nàng ở Sài Gòn, tôi ở Nha Trang và vẫn tiếp tục đi học. Ngày tháng lặng lẽ trôi, chúng tôi không có gì thay đổi, hai gia đình vẫn liên lạc gắn bó như xưa. Đến năm tôi đủ tuổi lấy vợ và nàng đủ tuổi lấy chồng thì đùng một cái, tôi gặp một người và tôi thay lòng đổi dạ! Vâng, chính tôi là thằng vừa học dốt, vừa xấu trai, đen như củ súng lại thay lòng đổi dạ. Thay vì cưới người đã được hứa hôn, tôi lại đòi cưới người tôi mới gặp. Tôi yêu người này, yêu quá cỡ thợ mộc mới chết chứ. Thày bu tôi cũng phải chiều lòng vì tôi là con một mà lị. Ông nội tôi lúc đầu không chịu, sau cũng phải chịu, cháu đích tôn muốn gì mà chả được. Thế là tôi lấy được người tôi yêu. Cưới được vợ, tôi cưng lắm, cưng hơn trứng mỏng. Nhưng có điều này tôi chỉ muốn nói nhỏ trong đám thân tình biết với nhau thôi, chứ không thể nói cho người ngoài biết được. Ấy là lúc đầu vợ tôi cũng không chịu lấy tôi đâu, bà ấy chê tôi xấu. Đã đen thì chớ lại gầy trơ xương ra. Mấy con bạn của nàng cũng đía vào: “Thằng ấy coi ẹ thấy mồ!” Chúng nó ghét tôi bởi tôi không chịu yêu, không chịu xin cưới chúng nó. Cũng may ngày đó tôi cũng có được một tí tài vặt. Về mặt văn chương tôi làm được vài bài thơ con cóc gửi tặng cho người tôi yêu. Về âm nhạc, tôi thổi sáo được bản “Lòng Mẹ” của Y Vân, tôi đàn măng đơ lin được vài bản nhạc dễ dễ như bản “Nha Trang Là Miền Quê Hương Cát Trắng”, bản “Gạo Trắng Trăng Thanh”, v.v. Những cái tài vặt này đã làm người tôi yêu hơi hơi siêu lòng. May hơn nữa mẹ vợ tôi lại là người có con mắt tinh đời, cụ khuyên con gái: “Thằng ấy tuy “cũ” người nhưng được cái thành thật, chân chất. Người ta bảo “chồng ngu dễ khiến rựa cùn dễ băm”, lấy nó sau này mày đỡ khổ”.

Thế là tôi cưới được vợ. Phải công bằng mà nói vợ tôi cũng là người hiền lành, tần tảo dễ thương lắm. Có điều nàng bị ám ảnh bởi câu nói của mẹ “Chồng ngu dễ khiến, rựa cùn dễ băm” nên đôi lúc nàng cũng có sơ sót một chút. Không ngờ “dễ khiến” với “dễ băm” ở đâu không thấy lại bị tôi quạt ngược lại cho mấy phen tối tăm mặt mũi làm nàng tỉnh ngộ: “Thấy vậy mà không phải vậy”. Thế rồi chúng tôi cứ tàn tàn sống hạnh phúc bên nhau, sinh con đẻ cái lu bù.

Lần trước đã vì Việt Cộng mà phải bỏ Bắc nào Nam. Lần này lại cũng bọn trời đánh ấy nữa, nó là ma quỷ hay sao mà cứ theo ếm người ta hoài! Tôi vào tù cải tạo, vợ tôi tuy một nách bốn đứa con dại vẫn một lòng một dạ thăm nuôi tôi ngon lành. Ra tù tôi làm ăn cà rịch cà tang nhưng cũng không đến nỗi tệ. Lại đã có da có thịt chứ không còn kheo khẳng kheo khừ như ngày còn là học trò nữa. Đã có sẵn vài cái tài vặt, cộng thêm với tí bẻm mép nên tôi được mấy bà, mấy mợ xồn xồn ở cùng xóm thích ra phết. Các mợ cứ Bác Hưng, Bác Hưng ngọt xớt làm bà xã tôi lộn máu. Thế rồi lại sang Mỹ như các vị thấy đấy.

Sang đây tôi mập ra, từ 120 lbs ngày mới sang, bây giờ là 150 lbs. Bà xã tôi bảo:

- Ngày nhỏ thì xấu xí thế mà bây giờ trông lại đẹp trai đáo để!
Tôi đi làm mà cái tật bẻm mép lại không chừa được thế nên tôi hay tán hươu tán vượn. Chả biết có mợ nào “mơ” hay không, nhưng bà xã tôi thì cứ hay ghen bóng, ghen gió nên thỉnh thoảng tôi lại nghe bà ấy càm ràm:

- Ở Việt Nam có Bác Hồ, bên Mỹ này có Bác Hưng, hai Bác cùng... cà chớn như nhau!

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]

Posted on Friday, June 18 @ 10:28:34 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 4
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Truyện Ngắn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang