Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27892386
page views since June 01, 2005
MS78 - 01/09: Tổ Trống

Truyện Ngắn

Huy Phương

Ðã lâu lắm, từ ngày các cháu ra trường, lập gia đình, rồi rời gia đình đi xa, tôi mới có dịp trở lại thăm anh chị và ở lại chơi đôi ngày. Anh chị có ba cháu, hai đã lập gia đình, một còn độc thân, nhưng tất cả đều ở các tiểu bang khác, đứa gần nhất cũng phải hai giờ bay. Căn nhà ở ngoại ô thành phố đã già tuổi có lẽ hơn nửa thế kỷ qua, anh chị mua từ khi dọn về tiểu bang này, tính đến nay đã gần ba mươi năm, có bốn phòng và một cái basement rộng rãi với vườn cây, cỏ có lẽ nhiều hơn hoa. Một chiếc xe van "Caravan" đậu bên hông nhà, mấy năm nay không dùng đến, một phần giá xăng càng ngày càng cao, một phần xe quá rộng rãi cho hai vợ chồng già. Những căn phòng của con cái vẫn còn để nguyên vẹn với những con búp bê, thú nhồi bông và những cuốn sách cũ, những hình ảnh ngày ra trường hay phù hiệu của trường đại học.



Ðã nhiều khi, anh chị có nghĩ đến chuyện bán nhà, mua lại một cái condo hay townhouse nhỏ hoặc về vùng California nắng ấm, để tránh những Mùa Ðông khắc nghiệt, tuổi cao mà còn phải xúc tuyết. Nhưng rồi sợ khó, ngại di chuyển, cháu nhỏ nhất đã rời nhà năm năm nay, mà anh chị vẫn còn ở lại nơi chốn cũ. Anh chị định đến lúc một trong hai người ra đi trước, người còn lại lúc bấy giờ mới tính chuyện sau.

Về già, anh chị ngủ riêng vì cho rằng ngủ chung khó ngủ. Anh độc chiếm căn phòng lớn ở dưới basement với lý do là bề bộn sách vở hay nghe nhạc đến khuya. Phần chị còn lại là bốn phòng ngủ ở trên cùng với phòng khách rộng thênh thang, vắng lặng. Ðêm qua, lúc thức giấc, tôi nghe tiếng chị ho ở phòng bên, chuỗi ho kéo dài từng chập. Ở dưới kia, chắc anh đã ngủ say. Các con chị giờ này ở xa.

Ngày xưa cha mẹ nấu bát canh, kho nồi cá cho các con, dạy con cột sợi dây giày, khâu vá hay giặt quần áo, tham gia các buổi sinh hoạt tại trường học hay ngoài trời, bao giờ cũng chỉ vẽ cho các con biết cách sống tự lập, không nương tựa vào người khác. Nhưng ngày nay các con đã ra đời, đi xa, tự lập thì cha mẹ lại thấy buồn và cảm thấy như mình trở thành người vô dụng, không thể giúp đỡ gì cho con cái nữa. Khi những đứa con rời cha mẹ để đi xây những tổ ấm nhỏ, cha mẹ cảm thấy cô đơn và trống trải. Họ đã dùng hết cuộc đời mình để làm cha, làm mẹ nhưng chưa chuẩn bị làm gì cho mình khi không có con bên cạnh. Những ngày lễ lớn, những buổi tối cuối tuần, họ trông con ở xa gọi về hay chờ có tiếng chuông ngoài cửa gọi. Nhiều bà mẹ đã sửa soạn cho con một món ăn mà chúng thích từ thời còn nhỏ, hy vọng nhìn đôi mắt con sáng lên một niềm vui như ngày thơ ấu, nhưng cuối cùng đứa con không về được vì một buổi hẹn hò nào đó, hay vì đã chọn lựa một nơi về khác thay cho tổ ấm gia đình ngày xưa với mẹ. Vào mùa lễ cuối năm, bạn có buồn không khi chúng ta đã sơn nhà, dọn vườn, trang hoàng nhà cửa, dựng cây thông Giáng Sinh, mua quà, đợi con về nhưng cuối cùng con lại báo tin đi theo bạn bè về dự lễ tại một tiểu bang khác? Những dòng "nước mắt chảy xuôi".

Ngày lớn lên, lập gia đình, tôi cũng ít khi nghĩ đến mái nhà nơi đó có cha mẹ tôi vẫn luôn luôn mong chờ ngày tôi về thăm. Mỗi buổi chiều cuối tuần, cha tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế cạnh cửa sổ, nhìn ra con đường cái để chờ tôi về, nhưng thời tuổi trẻ, tôi mải vui với những niềm vui khác. Bây giờ đến lúc đầu tóc đã bạc, làm cha, tôi mới thấy nỗi mong chờ, trĩu nặng vào những buổi chiều cuối tuần như thế. Ngày xưa, "mười đời không rời cánh tay", có những gia đình Việt Nam sống nhiều đời dưới một mái nhà, chấp nhận hy sinh thú vui, đời sống riêng tư của mình để đem lại niềm vui sum họp.

Khi con cái lớn lên, trưởng thành và đi khỏi mái ấm gia đình, để lại một căn nhà trống vắng và buồn bã cho cha mẹ, người Tây phương gọi đó là "hội chứng tổ trống" (empty nest cyndrome). Hội chứng này xảy ra nhiều hơn trong thời đại mới, nhất là ở Tây phương, nơi mà sự gắn bó gia đình không được bền chặt như ở Ðông phương hay các nước chậm phát triển.

Ðể tránh khỏi hội chứng này, người ta khuyên:

- Cha mẹ nên xích lại gần nhau, dùng nhiều thời giờ cho nhau hơn là khi hãy còn con cái bên mình và mở rộng sự giao tiếp với bạn bè nhiều hơn.

- Tìm cách liên lạc trò chuyện với con hằng tuần qua điện thoại, chủ động đừng chờ con gọi về rồi thất vọng.

- Mời các sinh viên, học sinh trong các chương trình trao đổi giáo dục ở trong gia đình.

- Tham gia vào các tổ chức thiện nguyện, các sinh hoạt tôn giáo, cộng đồng để có cuộc sống tươi trẻ, năng động và bận rộn hơn.

- Tìm những người bạn già cùng hoàn cảnh "tổ trống" để lui tới sinh hoạt, trò chuyện cho đỡ buồn.

- Ði du lịch và tìm những thú vui mới.

- Nuôi chó, mèo, vẹt... trong nhà để đỡ cô đơn.

Trong đời sống, chúng ta thường đóng nhiều vai trò. Khi con cái còn nhỏ, chúng ta đóng vai trò làm cha làm mẹ nhiều hơn; khi ở với cha mẹ chúng ta lại đóng vai con, nên thường xao lãng hay coi nhẹ hẳn tình vợ chồng. Khi cha mẹ đã qua đời, con cái như cánh chim đủ lông, đủ cánh, rời tổ ấm bay xa, bấy giờ đối diện chỉ có vợ và chồng, nên chúng ta buộc phải điều chỉnh lại cuộc sống như ngày trước khi chưa có con cái. Phần lớn người cao niên Á Ðông, sau khi con cái ra đi, thì họ sống đơn giản và có vẻ lạnh lùng hơn, không còn cho tình yêu hôn phối nhiều, mà vẫn còn lận bận theo con cháu, nên ít khi cảm thấy nỗi cô đơn, trống vắng của cái gọi là "hội chứng tổ trống" nhiều như người Tây phương.

Tôi biết có những đôi vợ chồng già, sau khi con cái ra đi, để lại một căn nhà trống và nỗi buồn đầy, đã thường xuyên vào tập dượt trong "gym" nhiều hơn, đi chơi xa nhiều hơn, kể cả ra ngoài đi ăn buổi tối nhiều hơn để khỏi cảm thấy sự trống vắng của buổi cơm chiều, bên ngọn đèn chỉ có hai vợ chồng nhìn nhau.

Thói quen người Á Ðông, nếu vợ chồng ít sinh hoạt chung với nhau, chồng thì hội họp, lui tới với bạn bè nơi quán xá, còn vợ thì thường xuyên đi chùa hay nhà thờ hơn hoặc tham gia các công cuộc

cứu trợ, những chuyến hành hương ngắn hay dài ngày.

Nhưng không phải ai cũng dễ dàng lấp đầy lỗ trống lớn đó; nhiều bà mẹ đã vào phòng con gái nhỏ ngày trước, giờ đã rời gia đình đi xa, để ôm vào lòng những vật kỷ niệm ngày con còn bé dại, đã khóc, đã buồn bã, đưa đến nỗi tuyệt vọng, cuối cùng mang chứng trầm uất, phải nhờ đến bác sĩ hay bệnh viện.

Xã hội Tây phương cho rằng con cái đến tuổi 18, trưởng thành là cha mẹ đã hết bổn phận và muốn chúng phải tự lập ra khỏi nhà; từ đó cha mẹ không còn là cố vấn hay dạy dỗ bọn trẻ, đôi khi cho rằng mình không nên can thiệp vào đời sống riêng tư của chúng.

Trái lại trong những gia đình Á Ðông, Trung Ðông hay Phi Châu thì nghĩ rằng con cái như vẫn còn trong cánh tay của mình, còn có bổn phận theo dõi hay dạy bảo chúng nếu cần và con cái ở các quốc gia này cũng có khuynh hướng dù đã có gia đình nhưng muốn được sống gần gũi với cha mẹ.

Phần lớn những đôi vợ chồng sang định cư tại Hoa Kỳ vào khoảng thời gian Tháng Năm, 1975 hay một thời gian ngắn sau đó, khi con còn quá nhỏ, hòa nhập với xã hội Hoa Kỳ sớm, ngày nay thường chịu cảnh "tổ trống" hơn là những gia đình sang trễ khi con cái đã lớn, thường thích sống gần gũi với cha mẹ để cậy nhờ về mặt con cái hay có quan niệm phải lui tới săn sóc cha mẹ lúc tuổi già.

Mấy hôm nay, dưới mái nhà này vui nhộn với những tiếng cười. Vợ chồng tôi về rồi, chắc anh chị cũng cảm thấy vắng vẻ hơn là những ngày chúng tôi chưa đến, cũng như khi các cháu về thăm, rồi các cháu lại ra đi; anh chị chắc hẳn phải buồn hơn lúc các cháu chưa về. Tôi nghĩ đến những ngày tuyết liên tục rơi trắng xóa bên ngoài, trong ngôi nhà trống vắng, hiu quạnh có hai mái đầu cũng bạc trắng như tuyết bên nhau mà cảm thấy lòng ái ngại. Sung sướng cho ai, dưới mái nhà còn có tiếng trẻ cười.

Mùa này là mùa tốt nghiệp, mùa ra trường, có bao nhiêu đóa hoa thắm sắc, bao nhiêu vòng tay và nụ hôn, bao nhiêu nụ cười rạng rỡ, sau đó là những chuyến đi xa, để lại cho cha mẹ những ngôi nhà trống vắng, quạnh hiu. Mùa này cũng là mùa của ngày lễ Hiền Mẫu, ngày lễ Nghiêm Phụ, nhưng có những người mẹ, người cha đang chờ một tiếng chuông điện thoại reo của những đứa con ở xa gọi về.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Tuesday, December 23 @ 10:43:09 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Tuổi HạcTruyện Ngắn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang