Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27812442
page views since June 01, 2005
MS33 - 03/05: Chuyện Người Viết Giữa Tàn Đông

Lịch Sử Qua Lời KeDung Thông

Ba mươi năm, tôi đã giữ cho riêng mình một niềm kiêu hãnh nhỏ, rằng trong danh sách những tên hèn không dám cầm súng chiến đấu cho đến ngày tàn cuộc chiến, ít ra không ai có thể tìm thấy tên mình.


Ba mươi năm, đôi khi thoáng hiện ra như một hoài niệm đậm buồn về những ngày tháng hoảng loạn nhục nhã, tôi từng nhủ lòng rằng thôi thì đau thương ấy bây giờ và mãi cho đến cuối đời sẽ là chút mật ngọt, phần thưởng của chính mình dành tặng cho mình để sống ít hổ thẹn hơn.

Vâng, tôi đã nghĩ như thế, quên rằng cái tôi luôn muốn quên đi những hèn mọn, ti tiện của nó đồng thời luôn muốn thổi phồng lên chừng trái núi những điều thật sự chưa lớn bằng hạt cát. Cho đến sáng hôm nay.

@ Anh xin lỗi phải dừng cuộc phỏng vấn vì đã quá mệt mỏi. Anh cần nằm nghỉ một lúc. Tôi đặt bút xuống, xô ghế đứng dậy dìu anh đến chiếc ghế sô-pha cạnh bàn. Anh nằm xuống, mắt tự động nhắm lại, rõ ràng dấu hiệu của sự kiệt sức. Trên vầng trán ngang, rộng vẫn còn phảng phất dấu tích một thời trai trẻ ngang tàng, lấm tấm những giọt mồ hôi. Cuộc phỏng vấn đã kéo dài một tiếng đồng hồ. Và anh còn phải chịu đựng một tiếng đồng hồ nữa. Mỗi câu hỏi tưởng chừng như rất bình thường, đối với anh lại là một nhát dao thọc sâu, thẳng và chính xác vào nơi nào đó trong trái tim anh. Ở đó, mỗi va chạm là một đớn đau gần như không thể chịu nỗi, mỗi gợi nhớ là một làn hơi lạnh buốt khiến toàn thân anh run lên.

Trong khi chờ anh hồi phục, tôi lần dỡ những trang ghi chép với toàn những câu hỏi và trả lời liên quan trực tiếp đến bệnh trạng; nhưng qua những điều anh tâm sự nằm ngoài khuôn khổ một bản tường trình bệnh lý, tôi phần nào hình dung được đôi nét lớn về một chặng đời đau thương.

@ Ngày anh trình diện để hưởng lượng khoan hồng biển trời của cách mạng cũng là ngày khởi đầu cuộc sống lao tù. Với thân phận một kẻ chiến bại, anh hoàn toàn không chờ đợi một điều tốt đẹp cỏn con nào từ phía những người chiến thắng. Anh đã vẽ ra trong trí những khó khăn có thể phải đối đầu, nhưng thực tế bảo với anh rằng trí tưởng tượng của anh rất tồi. Nó không hình dung được một phần ngàn những bi đát đang chờ đợi anh sau cổng trại tập trung.

Kiếp tù của anh là những tra tấn thể xác, những khủng bố, hù dọa tinh thần, những cuộc hỏi cung bất tận, những đói rét triền miên, những công việc khổ sai ban ngày, những thương nhớ, hồi tưởng nhức nhối đêm đêm... Kiếp tù của anh, trên đại thể, hoàn toàn khớp với những minh họa trong thật nhiều hồi ký của các nhân chứng sống, những tù nhân từ địa ngục trở về. Ngoại trừ cái ngày kinh hoàng, bi thãm ấy.

@ Anh hồi tỉnh như có một phép lạ. Anh hồi tỉnh sau bảy ngày bảy đêm mê man. Anh còn phải mất bảy ngày bảy đêm chập chờn giữa một phần tỉnh chín phần mê nữa mới bắt đầu có được một nhận thức mơ hồ rằng mình còn sống, còn phải sống. Và cùng với nhận thức ấy, anh lập tức cảm giác một cái đau khủng khiếp phát ra từ đầu anh.

Rồi anh nhớ lại.

Cơn sốt dai dẳng mấy ngày liền làm anh kiệt sức. Xin trạm xá trại nghỉ một ngày lao động bị từ chối, nên dù trong người rất mệt mỏi, anh vẫn phải theo tổ đi làm. Công việc hạ gỗ, cưa cắt chuyển gỗ về trại anh đã quen rồi. Nhưng hôm nay, đến giờ nầy, khi mà cái nắng cháy bỏng của buổi trưa hè đang đổ ập xuống chiếc lưng trần nhễ nhại mồ hôi cùng với cơn sốt âm ĩ bên trong thì anh thật sự muốn ngã quỵ. Nhưng anh cố gượng tiếp tay với các bạn tù. Mỗi lần anh cúi xuống nhặt những nhánh gỗ nhỏ, anh tưởng chừng mình không thể nào thẳng lưng lên được nữa. Anh thở dốc liên hồi, rồi bắt đầu nghe những âm thanh vi vu hai bên tai. Đầu nặng trịch, hai chân không còn chịu sự điều khiển của bộ não, mắt mờ dần trong khi anh tiếp tục bước những bước ngắn, loạng choạng, run rẩy, không định hướng. Một làn sương mỏng chắn ngang tầm mắt anh cho dù đó là buổi trưa hè. Tiếng vi vu trong hai tai anh lớn dần, cho đến lúc từ đâu đó, một phương nào rất xa, vọng lại một chuỗi âm thanh mơ hồ nghe như tiếng la thét kinh hoàng. Không phải anh mà là một động lực vô hình kéo giật đầu anh về phía những âm thanh mơ hồ đó. Và đột nhiên tâm trí anh chợt sáng bừng lên như tia chớp giữa màn đêm âm u. Đột nhiên anh trông thấy rất rõ các bạn tù trong toán hạ gỗ đang hướng về anh kêu gào. Anh trông thấy một thân cây lớn mà họ đang cưa cắt đang nghiêng đổ về phía anh; anh đang đứng trong vùng cực kỳ nguy hiểm. Anh trông thấy các bạn tù đang ra hiệu cho anh mau chạy nhanh ra khỏi khu vực tử thần. Trong một thoáng sáng suốt chợt loé lên lần cuối, anh biết mình phải làm gì, nhưng thể xác anh đã phản bội anh, nó hoàn toàn bất lực, rã rời. Trong giây phút cần thoát nhanh khỏi vùng hiểm địa thì thân thể anh lại chầm chậm ngã chúi về phía trước, cùng lúc với một khối cây tàn lá rậm rạp từ từ nghiêng xuống trùm phủ lên khoảng không gian bắt đầu đen dần, đen dần trên đầu anh. Anh chìm hẳn vào vùng vô thức.

@ Sau nầy, các bạn tù trong toán hạ gỗ bảo với anh rằng họ đã moi anh ra từ đống cành lá rậm rì của khối cây to lớn ấy với chỉ một hy vọng là gom góp đống thịt bầy nhầy, nát bét của anh ra mà chôn liệm. Họ đã vô cùng sửng sốt khi thấy thân thể anh vẫn còn nguyên vẹn. Một vết thương chí mạng đẫm máu ở trên đầu, ngay chỗ màng tang trái. Họ cáng anh về trại, vui mừng là dẫu sao cũng còn được chôn anh với thi thể đủ đầy cho đỡ tủi vong linh người bạc số và để thân nhân anh sau nầy nhẹ bớt khổ đau. Vậy mà trong cảnh nghiệt ngã của lao tù, không thuốc men, gần như không một sự cấp cứu, săn sóc y tế, anh lại thoát khỏi lưỡi hái của thần chết một cách diệu kỳ. Đến khi anh hoàn toàn bình phục, có thể đi lao đông trở lại thì nhìn bên ngoài, anh có vẽ rất bình thường. Chỉ có chính anh và một vài bạn tù thân thích mới biết có điều gì đó không ổn ở bên trong đầu anh: lấy ba ngón tay đặt nằm ngang ấn vào chổ vết thương, có cảm giác phía trong là một vùng mềm nhũn, trống không. Hộp sọ nơi đó không còn nữa.

Và điều nầy nữa: những lúc phải suy nghĩ nhiều, đặc biệt là những ngày trở trời lạnh giá, cả đầu anh nhức như búa bổ, hai tai anh như có hai chiếc dùi sắt nhọn hoắt xuyên vào. Máu từ trong đó rỉ ra từng giọt.

@ Trong số các anh, các chú HO đến với chương trình Disability Waiver (chương trình nhằm tìm kiếm, khuyến khích các cựu tù cải tạo nhanh chóng nộp đơn thi nhập tịch Hoa Kỳ với hồ sơ xin miễn thi phần tiếng Anh) của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, chi nhánh Saint Louis, trường hợp của anh gây ở tôi ấn tượng mạnh mẽ nhất. Dù rằng mỗi kiếp tù mang một nỗi đau riêng, mỗi thân phận một nghiệt ngã khác biệt, nhưng tất cả đều chung nỗi thống khổ nầy: vết thương thể xác đã hoặc sẽ lành, nhưng vết thương tinh thần thì sẽ mãi mãi chẳng bao giờ lành sẹo. Phần anh, vết sẹo không lành của vết thương tinh thần khiến anh cứ là nạn nhân của bao nhiêu giấc mộng hãi hùng, ngoài ra vết thương thể xác cũng sẽ ở lại với anh cho đến ngày cùng anh đi xuống nấm mồ. Mỗi mùa đông Saint Louis, đối với anh, là một thảm hình: máu từ tai anh lại rỉ ra trong những ngày lạnh lẽo.

Nguyện vọng của anh khi đến với chúng tôi (Boat People SOS Saint Louis), ngoài niềm tự hào được trở thành công dân Hoa Kỳ, công dân một nước tự do, dân chủ, nhân quyền, anh còn mong được hưởng chút tiền trợ cấp tuổi già để các con anh khỏi phải mang thêm một gánh nặng vật chất.

Giờ này, sau khi chúng tôi giúp anh có được xác nhận của bác sĩ chuyên khoa cùng với đề nghị cho anh được miễn thi tiếng Anh trong kỳ thi nhập tịch, hồ sơ của anh đang nằm tại cơ quan Di Trú và Nhập tịch chờ gọi phỏng vấn.

Càng gần ngày ấy, tôi càng phập phồng lo sợ. Liệu anh có qua được cửa ải cuối cùng? Liệu nhân viên phỏng vấn là người có trái tim đủ nhạy cảm (dường như những con người có trái tim nhạy cảm ngày càng vắng bóng trên mặt đất này) để thấu hiểu những oan nghiệt, những tàn hại trên thể xác lẫn tinh thần mà các tù nhân như anh đã gánh chịu?

 

Posted on Friday, May 27 @ 11:08:06 EDT by admin
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by admin


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Lịch Sử Qua Lời Ke


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang