Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27814148
page views since June 01, 2005
MS75 - 10/08: Bà Cô Bên Chồng

Truyện Ngắn

Hưng Yên

Có lẽ ít ai lại không nghe câu: "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng". Giặc bên Ngô? "Ngô" đây là Tầu, là chú chệt, để tỏ ý khinh bỉ, tỷ dụ như trái bí lấy giống từ bên Tầu gọi là bí ngô, trái bắp lấy giống từ bên Tầu gọi là bắp ngô. Trai gái "lẹo tẹo" với nhau theo kiểu "mèo mả gà đồng" người ta cũng gọi là "thằng ngô con đĩ" để tỏ ý miệt thị. Ca dao ta có câu:

Tham vàng lấy phải thằng Ngô
Đêm nằm như thể cành khô chọc vào...



Không biết lính Tầu bây giờ ra sao, chứ lính Tầu ngày xưa đói lắm và hầu hết lại nghiện ngập, chúng đi đến đâu cũng cướp giật, quấy nhiễu. Chúng tôi nghe người lớn kể lại khi lính Tầu đại diện quân đội Đồng Minh sang nước ta tước khí giới của quân đội Nhật, hầu hết mặt bủng da chì. Thiếu ăn nên chúng ăn bậy ăn bạ, bị phù thủng, mặt thằng nào thằng nấy như mặt heo và chân như chân voi nên người mình mới gọi chúng là "Tầu phù". Chúng chẳng những đói lại còn lạc hậu đến nỗi vào tiệm cướp cả xà bông bỏ vào miệng ăn vì chúng tưởng đó là bánh. Bọn giặc Ngô độc ác, dữ tợn, gây cho ta những phiền nhiễu khó chịu như vậy, nhưng nếu đem so sánh thì vẫn còn thua xa, không bằng cái lai quần của mấy bà "cô bên chồng"!

Ngày xưa, khi người con gái bước chân về chung sống dưới mái của đại gia đình nhà chồng, cái lo lắng nhất là phải đối đầu với mấy người em gái của chồng. Chồng càng đông em gái thì người chị dâu càng phải gặp nhiều khó khăn. Nếu chẳng may lại gặp bà mẹ chồng khắc nghiệt nữa thì khỏi nói, cuộc đời cầm chắc là cứ tối mò mò như đêm Ba Mươi. Chả biết mấy "bà cô" này có tốt lành, tài giỏi gì không và sau này đến phiên mình về nhà chồng thân phận sẽ ra sao, nhưng đối với chị dâu thì soi mói, nhòm ngó, bẻ hành bẻ hẹ đủ điều. Có khi còn phá ngầm nữa, chẳng hạn như lén bỏ thêm muối vào nồi canh, làm cho canh mặn chát để rồi nói hành nói tỏi, dè bỉu không để cho người chị dâu được yên thân!

Ngày nay người con gái trước khi về nhà chồng, có khi đã ăn cơm ở nhà chồng đến mịn răng, đã quen thuộc, thân thiết với nhà chồng chẳng khác gì nhà mình. Bởi vì chàng và nàng từ khi quen biết nhau, đã tìm hiểu nhau, đã yêu nhau chán chê rồi mới cưới. Cô dâu mới chỉ cần nhỏ nhẹ, ỏn ẻn một chút cho phải phép thôi chứ không đến nỗi xa lạ, cô đơn khổ sở như cô dâu ngày xưa. Đời nay, hay thì nó ở, dở thì nó cuốn quần, cuốn áo xách va li ra ở riêng. Có khi nó đã mướn chỗ ở từ trước rồi, sau lễ cưới, ăn uống tiệc tùng ờ nhà hàng xong là hai anh, chị đưa nhau về nhà riêng, tự do hú hí thả dàn, nó có ở chung với gia đnh nhà chồng ngày nào đâu mà đòi bẻ hành bẻ hẹ! Mẹ chồng bây giờ chưa chắc đã dám nói động tới con dâu, chứ cỡ như em chồng thì là cái thớ gì!

Ngày xưa nhiều cặp vợ chồng cho đến ngày cưới mới biết mặt nhau. Có đám, nhờ mối mai đi nói cô em, đến khi rước dâu về thì lại hóa ra là cô chị. Cứ chắc mẩm vợ mình mặt hoa da phấn, không ngờ nó rỗ chằng rỗ chịt như tổ ong bầu. Thế nhưng phải sao thì chịu vậy, chỉ còn có nước chửi thầm trong bụng hoặc ức quá thì đọc văn tế đào mồ ông mả cha nhà bà mai lên cho hả dạ, chứ biết làm gì hơn bây giờ. Chẳng lẽ đem vợ trả lại cho bố mẹ vợ thì ê mặt với hàng xóm láng giềng quá. Đàn ông con trai mà còn bị như vậy huống chi là đàn bà con gái.

Cô dâu mới nhiều khi sau bữa ăn còn đói bụng, vì đến bữa ăn thường phải ngồi đầu nồi bới cơm cho cả nhà, mắc cỡ không dám ăn nhanh, còn mấy đứa em chồng chúng ăn rào rào như tằm ăn rỗi. Chị dâu bới cơm cho hết người này người nọ liền tay, còn thì giờ đâu mà ăn. Khi bố mẹ chồng với các em chồng buông đũa buông bát đứng lên thì cô dâu mới có mà gan trời cũng không dám ngồi ăn tiếp. Thế là đành để bụng đói. lo dọn dẹp rửa chén bát. Cô nào may mắn được anh chồng tinh ý, biết thương vợ, tối vào phòng dúi cho vợ củ khoai lang nướng hoặc khoai lang luộc thì còn đỡ. Gặp phải thứ vai u thịt bắp mồ hôi dầu thì có đói lả cũng đành chịu chứ biết làm sao bây giờ. Chỉ còn nước khóc ngầm, thầm đào ông bới cha bà mai lên. Bởi vậy người ta mới có câu: "Ở đời có bốn cái ngu, làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu". Nghề mai mối là nghề bị nghe chửi nhiều nhất.

Tôi cũng có một bà cô, em ruột của thầy tôi. Ông bà nội tôi hiếm muộn chỉ sinh được có ba người con, hai trai một gái, chứ làng tôi hồi đó nhà nào cũng đông con, ít ra cũng lủ khủ bẩy, tám người. Thầy tôi là con cả, cô tôi là con út. Khi tôi có trí khôn thì chú tôi đã chết từ bao giờ rồi, tôi không biết mặt, chỉ còn có thím và thằng con trai của thím. Mặc dù chú chết từ ngày thím còn rất trẻ, nhưng thím ở vậy nuôi con không tái giá.

Cô tôi không cao lớn, chỉ hơi có bề ngang, mặt tròn, nước da ngăm ngăm và tiếng nói khao khao. Sau này tôi nghiệm ra rằng hầu hết những người đàn bà có nước da ngăm ngăm và tiếng nói khao khao như cô tôi thường lắm điều và không hiền. Có lẽ chính vì tâm tính cô không hiền hòa nên gia đình tôi và gia đình cô không mấy đằm thắm, gần gũi nhau. Ngày còn bé tôi chỉ biết tình cảm giữa hai gia đình lợt lạt nhưng không biết tại sao. Sau này khi lớn lên tôi mới được bu tôi nói cho biết ngày cô chưa đi lấy chồng, một lần cô bị thầy tôi đánh cho mấy cái bạt tai xưng phồng hai má chỉ vì cô dám hỗn với chị dâu. Sau lần bị mấy cái tát nên thân, cô không còn dám hỗn với bu tôi nữa. Tuy vậy lần đó thầy tôi cũng bị bà nội tôi vừa khóc vừa chửi cho một trận không biết lấy gì mà đựng cho hết.

Thầy tôi với bu tôi là người cùng làng, nhà ông bà ngoại tôi ở xóm giữa, còn nhà ông bà nội tôi ở xóm dưới, hai nhà cách nhau không quá nửa cây số, vậy nên làm gì có chuyện hai người không biết mặt nhau trước khi cưới. Còn hai người có dan díu, có yêu nhau trước khi cưới không thì không nghe thầy bu tôi nói. Nhưng chắc chắn là cả hai biết rõ nhau, bởi vì làng tôi nhỏ lắm, tổng cộng cả làng không quá một trăm nóc gia nên mọi người đều biết nhau. Biết rõ tên tuổi, con cái nhà ai, biết con nhóc nào sún răng, thằng nhóc nào lồi rốn nữa kìa. Khi mới về nhà chồng, bu tôi cũng bị cô tôi gây nhiều phiền toái. Ấy là chỉ có một cô em chồng mà còn thế, chứ nếu có chừng ba hoặc bốn cô em chồng thì còn khốn đốn đến chừng nào!

Ngày còn trẻ thầy tôi khỏe lắm, cô bị thầy tôi xáng cho mấy bạt tai, hai má xưng phồng, khóc không ra tiếng. Bà nội tôi vừa khóc vừa chửi thầy tôi thậm tệ vì thương con gái cưng bị đòn đau. Kệ cho bà nội tôi khóc, chửi, thầy tôi đe rằng nếu cô tôi còn hỗn nữa thì sẽ bị đòn đau hơn nữa. Thế là từ đó cô không dám hỗn với chị dâu nữa, nhưng lại tỏ vẻ ghét bu tôi ra mặt. Sau này cô lấy chồng, nhà chồng cô lại ở sát nhà dì tôi, hai nhà chỉ cách nhau một bờ dậu bằng hàng bông bụp. Đứng bên nhà cô, nếu để ý sẽ thấy rõ mọi sinh hoạt bên nhà dì, và ngược lại bên nhà cô có chuyện gì xẩy ra cũng khó mà dấu được mấy con mắt từ bên nhà dì nhìn sang. Ở Việt Nam ta ngày xưa, nhất là ở thôn quê, nhà nào cũng mở cửa toang hoác, chứ không như ở bên Mỹ này đóng cửa im ỉm suốt ngày, chẳng những đóng mà còn khóa ở bên trong nữa.

Nhà cô tôi và nhà dì tôi cùng sản xuất một mặt hàng đem ra chợ bán. Tuy là đồng quê nhưng làng tôi ít ruộng đất canh tác, chỉ có nhiều ao thả cá, trồng sen, trồng ấu. Đa số dân làng làm bún, làm đậu phụ, gói bánh ít, tráng bánh đa, bánh cuốn hoặc nấu rượu, nuôi lợn. Chính vì thế mà nấu rượu hay làm đậu phụ tôi cũng rành lắm. Nhà cô tôi và nhà dì tôi đều làm bún lại ở sát nhau, thêm vào đó dì tôi lại là em của bu tôi thế thì bảo hai nhà ưa nhau thế nào được! Cũng vì thế mà mỗi lần bu tôi sai tôi đi mua bún, tôi đành đi tuốt ra xóm ngoài. Tuy có hơi xa một chút nhưng không sợ cô hoặc dì lườm nguýt. Bởi vì nếu vào nhà cô thì sợ dì trông thấy mà vào nhà dì thì lại sợ cô trông thấy, đằng nào cũng không ổn. Dì tuy nhỏ nhắn hiền lành hơn cô, nhưng tôi lại chẳng muốn làm mích lòng ai cả.

Ngày còn trẻ cô tôi chẳng những đã lắm điều, đôi khi còn ương ngạnh nữa, khi cãi nhau với ai ít khi cô chịu thua. Có lẽ chỉ có hai người cô chịu thua là thầy tôi và chồng cô tức là chú rể tôi. Chú rể tôi rất hiền, người khỏe mạnh, tầm thước, chịu khó làm lụng nhưng đôi khi cục. Một khi đã không nhịn được nữa thì phản ứng thường là mạnh tay. Cô tôi nhiều lần bị chú cho ăn đòn chí tử.

Ở Mỹ này, người chồng nóng giận lỡ tay tát vợ một cái, người vợ chỉ cần chụp cái điện thoại bấm nai uân uân (911) là chỉ vài phút sau có xe phú lít hụ còi, chớp đèn tới liền, còng tay người chồng đem đi nhốt ít nhất cũng vài ngày. Chứ còn ở Việt Nam chồng cho vợ ăn tát tai là nhẹ đấy, đôi khi còn bị thụi thâm tím mặt mày cả tháng chưa hết đau. Có lần cô bị chú đánh đến bò lê bò càng, nhưng càng bị đánh cô càng chửi dữ. Cô gào lên gọi chú là thằng mặt này, mặt nọ, cô càng gào chú càng đánh. Một lần chú đánh cô đến nỗi cô phải uống nước cua cho máu bầm trong người nó tan đi, sau đó cô với chú lại huề. Cô chửi rồi cô đẻ, đẻ đến bẩy, tám lần, mà đứa con nào cũng khỏe mạnh béo tốt. Ngày cô chưa lấy chồng, hỗn với chị dâu, thầy tôi chỉ tát cô mấy cái mà bà nội tôi đã nằm lăn ra khóc, rồi nhiếc, rồi chửi thầy tôi không biết để đâu cho hết. Còn chồng cô đánh cô đến thâm tím cả mình mẩy, cô chạy về méc mẹ, khóc không ra tiếng, thế mà bà nội tôi chỉ thở dài chứ không hề nói nặng con rể một tiếng nào; có lẽ cụ nghĩ đến câu "dâu là con, rể là khách", dâu con thì mắng chửi được, chứ mắng chửi khách thế quái nào được. Chửi nó, nhỡ nó nổi điên lên, nó tẩn con mình nữa thì khốn.

Sau năm 1954, gia đình cô theo đoàn người di cư vào Nam, lập nghiệp ở Hố Nai Biên Hòa. Gia đình tôi vào sinh sống ở Nha Trang, vẫn tiếp tục nấu rượu, nuôi lợn.

Khoảng năm 1962 thì gia đình cô, chú và gia đình tôi đều chuyển về Sài Gòn, nhà cô chỉ cách nhà tôi chừng 2 cây số. Bấy giờ ông bà nội tôi đều đã ra người thiên cổ, những hiềm khích nhỏ nhoi giữa cô và thầy bu tôi từ ngày còn trẻ hình như mọi người đều đã quên hết. Cô, chú thường đến thăm thầy bu tôi, tình nghĩa giữa hai gia đình ngày càng trở nên thắm thiết hơn. Điều đặc biệt là khi tuổi càng cao, cô tôi càng trở nên hiền lành, hòa nhã vói mọi người. Trước kia chưa thấy người đã thấy tiếng. Bây giờ nhiều khi cô tới thăm thầy bu tôi, đứng trước cửa nhà một lúc lâu cũng không ai biết. Một lần tôi ngồi đọc sách ở phòng khách, quay lưng ra ngoài, cô vừa đến đứng ở cửa chưa kịp lên tiếng, vậy mà không cần quay lại nhìn tôi đã biết ngay là cô đến, bởi cô tôi có cái mùi đặc biệt lắm, cô hôi nách dữ dội, mà người có bệnh hôi nách, khi mồ hôi càng đổ ra nhiều thì mùi hôi càng nặng nề hơn. Từ nhà cô đến nhà tôi, cô phải cuốc bộ đến hai cây số, mà trời Sài Gòn lại nóng bức, bởi vậy mùi hôi nách của cô càng nồng nặc!

Một lần lợi dụng lúc nói chuyện vui vẻ với chú, không có cô tôi ở đó, tôi mới hỏi: "Chú ơi, cô hôi nách như thế mà chú chịu được thì con cũng phục chú thật"! Chú cười bảo: "Mẹ mày! nó quen đi chứ bộ, tao ở với cô mày mấy chục năm nay, đến bây giờ đâu còn thấy hôi nữa, có khi thiếu cái mùi ấy tao ngủ không được đấy"! Sau này ngẫm lời chú, tôi càng thấy đúng. Cái gì rồi cũng quen đi, nhất là khi người ta yêu nhau. Chắc chắn là chú yêu cô rồi, mặc dù chú có đôi lần hơi nặng tay với cô! Cái yêu của các cụ ta ngày xưa, tuy không ồn ào, náo nhiệt với những cái hôn thầm lén say sưa, đôi khi chưa từng hẹn hò, thế thốt, vậy mà vẫn bền vững, dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, vợ chồng vẫn ăn ở trung thành với nhau cho đến ngày răng long đầu bạc. Còn ngày nay, anh chị yêu nhau, yêu tha thiết, tìm hiểu nhau chán chê mê mỏi, thề thốt đủ điều, vậy mà có nhiều cặp mới ở với nhau được vài năm, được một hoặc hai đứa con đã chán nhau như chán cơm nếp nát, rồi lôi nhau ra tòa:

Anh đi đường anh tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
(Thơ Thế Lữ)

Một khi người ta đã yêu nhau, thì xấu cũng trở nên tốt, chả thế mà ca dao Việt Nam ta đã có những câu:

Mũi em những tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo lông rồng trời cho
Đêm nằm ngủ ngáy o o
Chồng yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu, chồng bảo về nhà đỡ cơm...

Sau 30 tháng Tư 1975, Việt Cộng chiếm miền Nam, tôi cũng như hàng mấy trăm ngàn quân nhân, công chức của chế độ Miền Nam phải tập trung cải tạo. Ngày tôi thất thểu vào trại, thầy bu tôi, nhạc mẫu tôi, cô tôi và các anh chị em tôi còn đủ cả. Ngày được thả về thì thầy bu tôi, nhạc mẫu tôi, cô tôi và chị hai tôi đã ra người thiên cổ. Sự mất mát này là do cái bọn Việt Cộng khốn nạn kia mà ra cả. Nhân dân miền Nam đang sống yên vui thì chúng ào đến như một bầy quỷ dữ, gây bao đổ vỡ, đói khổ, chia ly, tang tóc!

Hôm nay tôi viết bài này để tưởng nhớ đến những người thân thương nhất của tôi, trong đó có cô tôi. Cô tôi mặt tròn, nước da ngăm ngăm đen, tiếng nói khao khao, càng về già càng trở nên hiền lành, dễ mến!

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Tuesday, October 21 @ 11:40:28 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Truyện Ngắn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang