Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27811681
page views since June 01, 2005
MS71 - 06/08: Người Nhà Quê

Truyện Ngắn

Hưng Yên

Hình như ít có người thích nhận mình là người nhà quê, bởi vì cứ nghe thấy hai tiếng "Nhà Quê" thôi là người ta đã hình dung ra: Nếu là một anh chàng thì vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu, mặt mũi "cù lần lửa", nói năng ấp a ấp úng chả ra làm sao! Còn nếu là một cô nàng thì đầu bù tóc rối, có khi còn… toét mắt, thối tai, chân tay mốc thếch khiếp chết đi! Cứ tưởng tượng ra như thế nên người ta ngại, dù có "nhà quê" thật đi chăng nữa mà khi được hỏi tới thì cũng cố nói sao cho thiên hạ tưởng mình là người thành thị cho nó văn minh như người ta.



Tôi là một anh chàng chẳng những đã "Nhà Quê" lại còn có cái tật thích nhận bà con. Vào Nam mới lấy vợ. Bà xã tôi cũng Bắc Kỳ "ri" cư như tôi, quê quán Nam Biên, Duyên Mậu Ninh Bình. Nghe nhạc mẫu tôi nói thế thì tôi biết thế chứ tôi có biết Nam Biên nó ở chỗ nào trên đất nước Việt Nam đâu. Có hỏi thì bà xã tôi cũng chỉ mù mờ, bởi ngày còn ở ngoài Bắc bà ấy còn… bé tí. Tuy không biết tí gì về quê vợ, nhưng tôi vẫn cứ dặn bà xã: "Ra đường gặp ai người Nam Biên, Duyên Mậu em cứ mời về nhà ăn cơm, vì anh coi tất cả những người cùng quê với em đều là bà con cả!" Quý vị ngạc nhiên à? Thế quý vị chưa nghe câu: "Khi yêu, yêu cả đường đi, khi ghét, ghét cả tông chi họ hàng" hay sao? Bởi vì tôi rất yêu bà xã nên tôi nhận tất cả những người cùng quê với nàng là bà con chứ có gì lạ đâu?

Mặc dù tính tôi rất thích nhận bà con như vậy, thế mà một lần tôi đã phải nói thật vì sợ lỡ "mình bị nhận lầm" là bà con thì vỡ mặt!

Mới ở tù cải tạo về, nghèo rớt mồng tơi, bạn bè, anh em ngày xưa phiêu bạt đi đâu mất cả, cầu gặp được một người thân cho nó "có vây, có cánh". Một hôm nghe mấy ông mấy bà người "Bắc Kỳ" đứng nói chuyện với nhau, nhân cũng đứng đó, tôi mới lên tiếng hỏi một ông trông ra vẻ cán bộ: "Thưa ông, thế ông quê ở đâu ạ?" Ông ta mau mắn trả lời: "Tôi ở Hà ‘Lội’, thế ông cũng người Hà ‘Lội’ à?" Tôi vội nói thật: "Dạ không, tôi người nhà quê!" Trả lời xong, tôi lỉnh!

Tôi là một anh Bắc Kỳ rặt, Bắc Ký 9 nút (1954) và quê thật là quê. Làng tôi là làng Viên Tiêu, thuộc huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Từ làng lên tỉnh đường xa bốn cây số. Muốn lên tỉnh phải đi trên một khúc đê sông Hồng rồi rẽ vào Phố Hiến, qua khỏi Phố Hiến là tới trung tâm tỉnh. Câu: "Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến" để chỉ sự phồn vinh và đông vui của Phố Hiến là từ đời nảo, đời nào ấy, chứ đến đời tôi thì Phố Hiên tiêu điều và cũ kỹ lắm rồi!

Khác hẳn với những ký ức về Hưng Yên và Phố Hiến, cũ kỹ điêu tàn, hình ảnh làng quê vẫn luôn luôn ngời sáng trong tôi. Viên Tiêu, một làng quê nhỏ bé, đếm cả làng không biết có được đến một trăm nóc gia hay không nhưng được chia làm bốn xóm: Xóm Trên, Xóm Giữa, Xóm Dưới và Xóm Ngoài. Nhà ông bà nội tôi và dĩ nhiên cũng là nhà tôi ở Xóm Dưới. Vết tích chiến tranh chỉ trên tỉnh và Phố Hiến mới thấy chứ ở nhà quê thì không. Làng tôi nhỏ, ruộng vườn không nhiều, chỉ thấy toàn ao. Ao to, ao nhỏ, ao nọ nối ao kia chỉ cách nhau bằng một bờ tre. Giao thông trong làng bằng một con đường đất, cuốc bộ hoặc đi xe đạp thì được chứ với các loại xe khác là không thể! (Mà cũng có thấy loại xe nào khác đâu?) Mà đi xe đạp cũng phải cẩn thận chứ lạng quạng thì coi chừng lăn tòm xuống ao lúc nào không biết. Nguy hiểm thế mà từ lúc có trí khôn cho tới khi rời bỏ quê hương di cư vô Nam tôi chưa hề thấy một đứa trẻ nào chết đuối bao giờ. Nói không phải là "nổ" chứ, trẻ con nhà quê như tôi, mới sáu, bẩy tuổi, con trai cũng như con gái đều đã bơi lội giỏi như những con rái cá. Mười một tuổi tôi đã có thể đứng trên một chiếc thuyền nan dùng cây sào tre đẩy thuyền lao vun vút trên mặt nước. Tính từ ngày di cư vào Nam cho tới hôm nay ngồi viết lại những dòng này đã hơn nửa thế kỷ tôi chưa thấy lại quê lần nào, nhưng những hình ảnh làng quê từ ngày còn thơ ấu vẫn còn đậm nét trong tôi.

Nhà tôi là một ngôi nhà năm gian hai chái, vách đất quét vôi trắng, mái lợp lá gồi, nền đất nện. Trước nhà có cái sân gạch, rộng khoảng sáu, bẩy mét, chiều dài bằng chiều dài ngôi nhà. Bên ngoài sân là một mảnh vườn trồng rau: Su hào, bắp cải, cải canh, cải củ… Mùa nào rau nấy, ngoài ra còn có chanh, cam, bưởi, mít. Một bên hông nhà có hai cây nhãn, phía sau nhà cũng có hai cây, thêm một cây ổi sẻ và một cây vối mọc sà xuống bờ ao gần sát với mặt nước. Cây ổi sẻ và cây vối này chính là nguồn vui của lũ nhóc tụi tôi. Trái ổi chưa kịp chín, mới chỉ ương ương đã bị leo lên vặt sạch. Ăn ổi ương, ổi xanh chấm muối ớt cay tê đầu lưỡi. Ăn chán rồi, cởi quần áo vắt lên hàng rào rồi leo lên cây vối nhẩy ùm xuống nước bơi, lội, cười rỡn. Đùa rỡn chán chê mê mỏi lại leo lên, người ngợm nước còn chẩy ròng ròng đã vội mặc quần áo vào, rồi đứa đi về, có đứa còn đi chơi nữa. Đấy là phía sau nhà, còn phía đàng trước thì bao quanh mảnh vườn trồng rau có mấy cây ăn trái là một bờ dậu duối; ngoài bờ dậu duối là con đường đất rộng chừng hơn thước Tây. Hai bên mép đường cỏ mọc xanh rì có nhiều chỗ cỏ phủ cả lối đi. Những đêm sương xuống nhiều, sáng ra những giọt sương còn đọng trên ngọn cỏ lóng lánh như những hạt kim cương tuyệt đẹp. Nhưng đừng lấy thế làm thích vì nếu có việc phải đi ra ngoài sẽ bị ướt chân, mà chân có giày dép gì đâu, may ra chỉ có đôi guốc mộc. Hơn nữa vô tình mà dẵm phải một "bãi... mìn" của mấy chú cẩu "gài" ban đêm thì vỡ nợ, thế là lại phải nhẩy cò cò hay đi cà nhắc xuống ao rửa chân chẳng thích tí nào. Kế con đường đất hẹp lại một cái ao, ao này lớn và sạch hơn ao phía sau nhà. Ao lớn, ao nhỏ, ao nào cũng chỉ để thả cá, nhưng ao phía sau nhà còn có bè rau muống, ngoài ra là bèo hoa dâu. Rau muống người ăn còn bèo hoa dâu nuôi lợn… Không như nơi thành thị, một trăm thứ nhu cầu lỉnh kỉnh, người nhà quê trong nhà chỉ cần hũ gạo, dưới ao bè rau muống và ngoài sân là chum tương: "Còn ao rau muống còn đầy chum tương" là yên chí lớn.

Cái ao đằng trước rộng gần gấp đôi cái ao phía sau nhà, nước trong và sạch, không có rau muống với bèo hoa dâu mà lại trồng sen. Quê tôi có hai thứ là nhãn và sen nổi danh… thiên hạ. Cả tỉnh đi đâu cũng thấy nhãn, toàn nhãn là nhãn, nhãn trồng chung quanh nhà, nhãn trồng ngoài bờ đê. Nói ra sợ bị cho là "nổ" nhưng mà thật, nhãn lồng Hưng Yên hiếm có người không nghe tiếng. Những trái nhãn to gần bằng quả trứng gà con so và tròn xoe như những hòn bi mọng nước. Bỏ trái nhãn vô miệng cắn nhẹ một cái, nước nhãn ngọt lự ứa ra thơm phức. Trái nhãn to thế mà cái hột nhăn nheo chỉ nhỉnh hơn hột đậu đen một tí còn toàn cùi dầy thật là dẩy. Nhãn lồng Hưng Yên đem tiến Vua phải dùng ngựa trạm, phóng ngày phóng đêm để nhãn về tới kinh đô mà vẫn còn tươi. Đến mùa nhãn chín, đi đến đâu cũng chỉ ngửi thấy mùi nhãn, một mùi thơm ngọt ngào toả khắp không gian. Vũng Tầu cũng là thành phố có nhiều nhãn nhưng để bảo vệ khỏi bị dơi ăn, người ta bao nhãn lại bằng những cái bao cói. Sở dĩ làm được như vậy vì nhãn ở Vũng Tầu vừa nhỏ vừa thấp có thể dùng thang trèo lên mà bao được. Trái lại, nhãn Hưng Yên là những cây cổ thụ, có cây cao như cây đa và to một người ôm không xuể. Muốn đuổi dơi người ta phải dùng một thứ "dụng cụ" gọi là cây phách. "Phách" được làm bằng những cây nứa hay cây luồng mà thường là cây luồng vì cây này vừa to vừa dài hơn cây nứa. Một cây luồng được chẻ làm đôi, dọc từ ngọn xuống đến gần gốc, một sợi dây thật dài và bền (dây gai hoặc dây đay) buộc vào một nửa trên ngọn cây, sau đó cây luồng được cột dựng đứng và thật chắc vào thân cây nhãn. Sao cho khi cầm sợi dây kéo rồi buông, kéo rồi buông làm cho hai nửa cây luồng đập vào nhau phát ra những tiếng kêu pác! pác! pác thật lớn, lớn còn hơn cả tiếng pháo nữa. Những con dơi đang ăn nhãn giật mình bay túa ra. Dơi là con vật thật kỳ cục - phi điểu, phi thú - có cánh như chim nhưng lại không có lông vũ, và đặc biệt là mõm và tai lại giống như mõm và tai chuột. Khi ngủ thì móc hai chân vào cành cây hay vào một chỗ nào đó thả mình chúc đầu xuống đất. Lúc muốn bay lại thả mình cho rơi xuống rồi nương theo đà rơi vỗ cánh bay lên. Nếu chót rơi hẳn xuống đất thì khó mà bay lên được. Dơi chỉ hoạt động về đêm còn ban ngày thì ngủ hoặc trốn trong bóng tối.

Pác! pác! pác! Đàn dơi đang ăn nhãn giật mình bay túa ra. Pác! pác! pác, suốt đêm chỗ này pác, pác, pác, chỗ kia pác, pác... tưởng không làm sao mà ngủ được, nhưng không sao người ta quen rồi, ai ngủ cứ ngủ, ai có bổn phận coi nhãn và giựt phách cứ giựt. Hơn nữa cũng chỉ nửa tháng, một tháng là cùng, nhãn chín sẽ được bẻ hết, đóng sọt (basket) cho xuống tầu chở đi khắp bốn phương trời. Sợ nhất không phải là dơi mà là mưa, bão. Sau một cơn mưa to gió lớn nhãn chín rụng đầy chung quanh nhà và ngoài bờ đê. Khách đi đường cứ thoải mái nhặt rồi ngửa nón ra mà đựng. Nhãn ăn rất bổ, chả thế mà thang thuốc Bắc nào mà là thuốc bổ thì ngoài sâm, quy, thục, táo Tầu thế nào cũng có vài cái long nhãn. Nhãn ăn bổ, mà món nào bổ thì thường nóng vì thế mà cứ đến mùa nhãn bọn nhóc chúng tôi bị toét mắt là thường.

Theo như bu tôi kể, mới có bầu tôi được ba tháng thì thày tôi xuống tầu qua Pháp. Cứ phải thành thật khai báo là vì thày tôi đi lính cho Pháp nên nó mới bắt Người đi dự trận "Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai", chứ không phải sang Pháp mà làm vương làm tướng gì như ai kia rõ ràng là đi làm bồi tầu nhưng lại huênh hoang là đi tìm đường cứu nước đâu (?). Sau hơn 6 năm "lê gót nơi quê người", các nước như An Giê Ri, Tuy Ni Di, Ma Rốc Canh, Pháp, Đức… thày tôi đều biết cả. Đại Chiến Thế Giới Thứ Hai chấm dứt, may mà không "đi ngủ với giun" nơi quê người, thày tôi lại "lê gót trở về" thì năm ấy tôi đã được hơn 6 tuổi, đi học đã biết đọc biết viết. Câu cách ngôn "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" thật chẳng sai chút nào, nhờ có đi đây đi đó mà thày tôi khôn hơn mấy ông trong làng nhiều. Không chịu làm một anh nông dân như hầu hết đàn ông trong làng, thày tôi đi buôn: Buôn ao và buôn nhãn non. Cá giống mới thả được vài tháng chưa kịp lớn đã cần tiền thế là chủ ao kêu người "buôn ao" đến bán. Thày tôi coi sổ sách của chủ ao, cá thả ngày nào, bao nhiêu con trắm, bao nhiêu con chép, rồi cá chầy, cá trôi, cá mè… mỗi thứ bao nhiêu. Bây giờ muốn bán cả ao bao nhiêu. Nhắm chừng đến kỳ tát ao, bán cá có lời thì thày tôi mua. Có năm mưa nhiều nước ngập bờ ao cá đi hết sạch, đến kỳ tát ao chả còn mấy con cá, thế là lỗ sặc gạch. Buôn nhãn non cũng vậy. Làng tôi ở gần bờ đê, mà nhãn trồng trên bờ đê thuộc phạm vi làng nào thì làng đó hưởng. Hàng năm nhãn mới ra hoa các cụ đã cần tiền: Cúng Kỳ Yên, cúng Thành Hoàng thổ địa chẳng hạn, thế là các cụ kêu bán nhãn non và thày tôi mua. Cũng nhờ thế mà đến mùa nhãn chín, đêm nào tôi và mấy ông anh rể cũng được ra bờ đê nằm trong mấy túp lều tranh nhỏ xíu để coi nhãn và giựt phách, vui hết sức.

Nhãn chín bẻ xuống bó lại thành từng bó, mỗi bó hơn trăm trái nhưng chỉ tính là một trăm thôi. Cách bó nhãn cũng đặc biệt: bên dưới lót một lớp lá nhãn xanh đậm rồi mới đến những trái nhãn chín, to, tròn luôn toả ra một mùi thơm ngọt ngào, mới nhìn thấy đã muốn ăn. Mấy câu ca dao dưới đây cho ta thấy cuộc sống ở nhà quê cũng thú vị đấy chứ!

"Tháng Giêng ăn tết ở nhà

Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè

Tháng Tư đong đậu nấu chè

Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm

Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm

Tháng Bẩy ngày rằm xá tội vong nhân

Tháng Tám chơi đèn kéo quân

Bước sang tháng Chín chung chân buôn hồng

Tháng Mười buôn thóc bán bông

Trở về Một, Chạp tính công hoàn thành!

Ngoài nhãn quê tôi còn một thứ cũng nổi tiếng nữa là sen.Trước cửa nhà tôi là cái ao lớn nước trong và sạch chỉ thả cá và trồng sen. Cách một bờ tre lại là một đầm sen; đầm này của làng, rộng đến mấy trăm mét ra tới chân đê còn dài từ đầu làng qua khỏi cuối làng sang giáp ranh với một làng khác, ước chừng chiều dài đến hơn một cây số. Như đã nói, làng tôi ao nọ nối tiếp ao kia, lại thêm một cái đầm rộng nên cứ đến mùa sen thì toàn làng như một bức tranh vẽ khổng lồ. Mầu xanh biếc của lá chen lẫn mầu đỏ hồng của hoa chan hoà trong nắng sớm, đứng trong làng mà ta có cảm tưởng như lạc vào cõi Thiên Thai. Đọc truyện cổ tích thấy có ông Từ Thức uống rượu say rồi đi lạc vào cõi Tiên lấy được vợ đẹp.Tôi nghĩ, cõi Tiên đây chắc là Tiên Lữ chứ chẳng phải đâu xa. Câu nói: "Trà Yên Thái, gái Tiên Lữ" chắc hẳn nhiều người đã từng nghe. Yên Thái là tên một làng ở ngoại ô Hà Nội và cũng là tên một làng ở tỉnh Thái Nguyên nổi tiếng trồng được trà ngon. Còn "gái Tiên Lữ" thì cô nào cũng da trắng tóc dài má hây hây. Tiên ở đấy chứ còn ở đâu nữa? Thế mà làng tôi lại thuộc huyện Tiên Lữ tỉnh Hưng Yên đấy, nếu không di cư vào Nam thì biết đâu tôi lại không có một bà xã cũng là một nàng "Tiên… Lữ!"

Đến nay đã năm mươi tư năm, tôi chưa về thăm nơi chôn nhau cắt rốn một lần nào. Ngày mới ra khỏi trại "tù cải tạo", cũng đã định về thăm quê hương một lần, nhưng thấy Miền Nam Việt Nam khổ quá tôi lại nghĩ: Miền Nam mới được "giải phóng" có mấy năm mà đã khổ thế này, trong khi Miền Bắc sống dưới chế độ XHCN ưu việt đã ba mươi năm ngoài, thì chắc gì còn có cái quần lành mà mặc?! Cứ nghĩ thế thôi là tôi không còn đủ can đảm để trở về thăm làng quê xưa nữa. Tôi không muốn những hình ảnh đẹp đẽ, trân quý của quê hương trong tôi bị pha trộn với những hình ảnh tối tăm bệ rạc sau này.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Wednesday, May 28 @ 15:03:49 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 4
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Truyện Ngắn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang