Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27896433
page views since June 01, 2005
MS70 - 05/08: Lịch Sử Sang Trang

Lịch Sử Qua Lời Ke

Đỗ Văn Phúc

Oái Oăm của Lịch Sử: Khi Man Dã, Hung Tàn Lại Thắng Văn Minh, Nhân Nghĩa.

Khi trời rạng sáng, tiếng súng lớn nhỏ từ các ngoại ô, nhất là hướng phi trường Tân Sơn Nhất, đã rời rạc dần và chấm dứt hẳn vào khoảng xế trưa; sau khi Đài Phát Thanh Sài Gòn loan truyền lệnh buông súng của Tổng Thống ba ngày Dương Văn Minh. Dân chúng bắt đầu rời các nơi trú ẩn ùa ra đường. Người ta đã thấy các binh sĩ Cộng Sản miền Bắc tràn vào các ngõ nghách. Khi chạy lúp xúp qua những xóm nhà dân, họ chỉa súng quát tháo om sòm để biểu lộ quyền uy của kẻ thắng trận. Bên ngoài đường phố, đã thấy những đoàn xe đủ loại: từ xe buýt chở khách đến các xe đò đường dài, xe tải lẫn trong những chiếc xe Molotova màu cứt ngựa.



Trên xe là các du kích, lính địa phương Việt Cộng miền Nam. Sự phân biệt lính Việt Cộng miền Nam và bộ đội miền Bắc rất dễ dàng. Vì lính Việt Cộng miền Nam thì ăn mặc lộn xộn, đủ kiểu đủ màu. Từ bộ bà ba đen cho đến chiếc quần ka ki xanh cũ, cái áo người thì trắng đã ngả sang màu cháo lòng; người thì xanh, đỏ tím vàng… Họ đội những chiếc nón tai bèo và quàng quanh cổ chiếc khăn rằn hoặc xanh hoặc đỏ; chân mang đôi dép cao su cắt từ vỏ xe hơi và đặc biệt là họ có cùng một khuôn mặt đầy sát khí. Lính Bắc Việt thì khác hẳn. Họ là những thanh thiếu niên còn rất trẻ; khuôn mặt xanh xao có vẻ ngờ nghệch, nhưng trang bị vũ khí đầy người. Họ mặc những bộ binh phục xanh lá cây thùng thình cắt may vụng về, quá khổ so với thân thể ốm đói nhỏ thó của họ.

Thỉnh thoảng, người ta thấy vài chiếc xe díp mui trần còn nguyên vẹn huy hiệu của quân đội miền Nam chạy qua. Trên xe là các thanh niên bặm trợn, và các thầy tu mặc áo nâu sồng. Họ mang băng đỏ bên cánh tay và cầm những khẩu súng M16 của Mỹ mới lượm được bên đường do quân miền Nam vứt bỏ. Đó là bọn đón gió trở cờ mà người ta gọi là bọn "cách mạng 30 tháng tư".

Hoà bình! Hoà bình!

Như một dòng nước trong mát đối với những kẻ lữ hành trên sa mạc đã nhiều ngày và sắp quỵ gục. Như một chấm xanh xanh phía chân trời đối với người thủy thủ đang lạc hướng ngoài biển khơi. Đó là ước vọng sâu sắc nhất của những người Việt Nam cả hai bên bờ vĩ tuyến 17 sau 30 năm chiến tranh điêu linh, nếu tính từ khi chiến tranh Pháp Việt bắt đầu. Hoà bình! Trên quê hương vốn đã điêu tàn sẽ không còn nghe tiếng súng nổ, bom rơi. Vành khăn sô sẽ ngưng quấn trên mái đầu xanh các thiếu phụ. Những người cha chinh chiến bao năm sẽ trở về săn sóc dạy dỗ đàn con. Các bà mẹ sẽ không phải nhòa mắt đứng trước cửa ngày ngày ngóng tin con từ những chiến trường mờ mịt nào đó..

Sau một cuộc chiến dài đăng đẳng và quá tàn khốc, người Việt Nam đã quá kiệt lực. Họ mong mỏi hoà bình, và sẵn sàng chấp nhận trả với bất cứ giá nào. Đối với người dân thường miền Nam, họ biết sẽ có cuộc đổi thay sâu sắc dẫn đến nhiều mất mát. Nhưng ở mức độ nào thì họ không thể đoán ra được. Những người miền Bắc đã di cư vào Nam năm 1954 thì biết là sẽ khốn khổ, khốc liệt có thể đổ nhiều máu. Những quân nhân, cán bộ chính quyền miền Nam thì đau đớn biết rằng từ đây sẽ mất tất cả. Một tương lai ảm đạm đang chờ đón họ và gia đình. Nhưng họ chẳng còn sự lựa chọn nào khác. Họ đã mất các cơ hội leo lên những chuyến bay vội vàng hay những con tàu nêm kín người rời bến trong những giây phút hỗn loạn cuối tháng tư. Những người cầm đầu đã nhanh chân tẩu thoát. Giờ này không ai chỉ bày cho họ phương hướng nữa. Họ chờ đợi một cách bi hùng những gì sắp xảy đến cho đời mình.

Khi chiếc xe tăng T-54 của Nga sô chế tạo cán sập chiếc cổng sắt của dinh Độc Lập và đám quần thần Dương Văn Minh ríu rít bước ra đứng sắp hàng như những tù nhân chờ giải giao thì coi như "Lịch sử đã sang trang!"

Một trang tương đối huy hoàng của chế độ Cộng hoà đã bị xếp lại.

Một trang u tối ảm đạm của chế độ Cộng Sản đang được mở ra.

Đó là cảm nhận đau xót của tôi, một người lính có nhiều kinh nghiệm thực tế về cuộc chiến và những kiến thức về lý thuyết, sách lược Cộng Sản được trang bị trong bốn năm ở Đại học vừa dân chính, vừa quân sự.

Tuy nhiên, nhiều người miền Nam – trong đó, than ôi, có cả chúng tôi – rán nuôi một ảo tưởng rằng sau chiến tranh, những người Cộng Sản của cuối thế kỷ Hai mươi khi có chính quyền sẽ xử sự công chính và độ lượng hơn những tên Cộng Sản man dã của thập niên 1950. Cuộc tắm máu mà báo chí phương Tây dự đoán chắc sẽ không xảy ra. Mà dù có xảy ra, thì âu cũng là số phận vậy.

Vài ngày sau, trong lúc thành phố Sài Gòn vẫn còn hoang mang và hỗn loạn, tôi thu xếp đưa vợ và bốn cháu về lại Vũng Tàu. Cầu Cỏ May bị đánh sập trước đó khoảng một tuần, hành khách phải xuống xe dùng đò qua sông. Hai vợ chồng tôi và bốn cháu bé – có một cháu sơ sanh - vất vả vô cùng, loay hoay với mớ tài sản thu gọn trong hai chiếc vali lớn. Đến nhà, gặp lại Mẹ tôi mừng rỡ vì thấy con cháu đều bình yên. Những đêm 28, 29 tháng Tư, Việt Cộng pháo kích bằng hoả tiễn vào khu nhà thờ Tân Sa Châu, là nơi tiểu gia đình chúng tôi đang thuê nhà trú ngụ trong thời gian tôi làm việc cho hãng thầu LSI chuyên bảo trì phi cơ C-130 của Không Đoàn 53 Chiến Thuật. Đã quá quen với bom đạn, tôi bảo vợ con cứ ngủ yên trên giường. Bom rớt trúng chỗ thì núp đâu cũng chết; còn rớt xa thì còn mảnh văng theo vòng cầu đã có vách tường cản bớt sức công phá.

Tuy ở Vũng Tàu đã lâu, nhưng tôi ít bạn. Thời còn ở bộ binh thì mỗi năm về phép có một lần, ru rú ở nhà. Thời gian phục vụ trong quân chủng Không quân thì cả gia đình di chuyển theo ra Phan Rang.Vì thế, tôi chẳng có ai để hỏi han tình thế và bàn chuyện. Ông Sáu Khương, một người thợ hớt tóc gần nhà đến thăm, khuyên lơn an ủi. Hoá ra ông là cán bộ cơ sở của Việt Cộng tại địa phương. Ông biết quá nhiều về tôi, từ cá tính đến quan điểm lập trường. Bây giờ, trong chế độ mới, ông là khóm trưởng khóm Rẫy, phường Thắng Tam rồi. Sẽ phải vất vả vì ông này thôi.

Loanh quanh ở nhà được gần một tháng thì bắt đầu nghe có thông cáo gọi anh em hạ sĩ quan binh sĩ đi học tập ba ngày tại địa phương. Lớp này vừa về thì có lệnh cho sĩ quan cấp tá đi "học tập" một tháng. Kế đó là sĩ quan cấp úy trong mười lăm ngày. Xét ra cũng hợp lý thôi. Cấp nhỏ "học" ít ngày; cấp trung "học" nhiều hơn một chút; cấp cao thì "học" dài ngày. Thế là giải toả hết âu lo về việc "tắm máu"; ai nấy thở phào như cất bớt một gánh lo âu. Bây giờ chỉ còn câu hỏi của bản thân tôi. Thế thì những người đã giải ngũ "học" bao lâu? Sao không thấy nhắc đến trong thông cáo?

Ông Sáu Khương nhanh nhẩu góp ý:

- Đã tham gia quân đội "ngụy" thì bề gì cũng phải "học" thôi. Đi sớm thì về sớm. Đi trễ thì về trễ.

Thế là tôi thu xếp một túi hành trang gọn, bọc theo một ít tiền vừa đủ chi dùng trong mười lăm ngày; tạm biệt mẹ, hôn vợ và các con rồi quày quả ra đi.

- Mười lăm ngày cũng nhanh. Em rán tiêu xài dè xẻn chút tiền còn lại, chờ anh về.

Tuy đã quen nếp sống xa nhau từ những năm tôi đi chiến đấu xa nhà, vợ tôi cũng cảm thấy ái ngại. Có một điều trùng hợp ngẫu nhiên.Trước đó mấy hôm, rảnh rang không làm gì, tôi lôi cuốn "Giờ Thứ Hai Mươi Lăm" của C. V. Georghiu ra đọc. Câu chuyện anh chàng Ian Moritz ở xứ Romania cũng từ giã người vợ đang mang bầu để theo lệnh tập trung đi làm lao động trong muời lăm ngày ở phòng tuyến biên giới Romania và Hungaria. Rồi biền biệt muời lăm năm, anh phải trải qua hàng chục trại tù khổ sai của nhiều nước khác nhau trước khi được quân đội Mỹ cứu thoát ở Đức khi Thế Chiến thứ hai kết thúc. Tôi vô tâm không hề suy nghĩ và so sánh đến hoàn cảnh của mình. Vì nếu thật biết vậy, ai trong trường hợp này cũng thà trốn đi chứ có ngu gì đút đầu vào cái bẫy gian dối kia!

Ngày Thứ Nhất của Mười Lăm Ngày "Học Tập Cải Tạo"

Chúng tôi được những chiếc xe đò dân sự đưa về hướng Bắc trên con đường tỉnh lộ, qua các địa danh Bình Ba, Bình Giã nổi tiếng một thời. Xe dừng ở "Trại Lê Lợi" trên một ngọn đồi nhỏ, nơi trước đây là căn cứ Tiếp Vận của Tiểu Khu Long Khánh. Tên trại vẫn còn là tên cũ của Quân Lực VNCH mà Việt Cộng chưa kịp thay đổi. Mấy trăm con người được đưa vào trong bốn dãy nhà tôn tiền chế trước đây làm nhà kho; nhưng nay đã trống trải ngoại trừ bốn dãy sạp gỗ mới làm xong để làm chỗ ngủ cho "cải tạo viên". Nơi đây có một đơn vị quân chính quy Bắc Việt trú đóng. Bao bì, thùng bọng của quân Cộng Hoà vương vãi đó đây, nhưng hàng hoá, quân dụng chắc đã bị cộng quân thanh toán gọn gàng hết rồi. Một sĩ quan Cộng Sản đọc tên từng mười người, phiên chế thành một A (tiểu đội); bốn A thành một B (trung đội); bốn B thành một C (đại đội) và huớng dẫn mỗi C vào một căn nhà. Nhiều người tìm những bạn bè quen biết để chiếm các chỗ ngủ kế nhau. Riêng tôi, không quen ai, nên chẳng bận tâm mấy. Nằm đâu cũng thế; chỉ mười lăm ngày thì cũng nhanh thôi. Trong đoàn chúng tôi có một nữ Trung Úy, - chị Lê Thị Huệ - phục vụ ở Đặc Khu Vũng Tàu. Chị Huệ là vợ của anh Hồ Văn Khởi, năm 1971 là trưởng ban Hai kiêm Trung đội trưởng Quân Báo của Tiểu đoàn 4/8 nơi tôi đang chỉ huy Đại đội 15. Sau trận Snuol, anh được chuyển về trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Tôi không quen với chị Huệ, nên cũng không tiện tiếp xúc. Chị thu vén một góc cuối căn nhà để làm chỗ ngủ vì biết chắc sẽ không có chỗ nào khác đặc biệt cho phụ nữ tại một nơi mà chỉ toàn nam giới. Trên chiến trường Miền Đông Nam Phần, tôi đã nhiều lần phát giác các căn cứ du kích gồm một tổ hợp những hầm chìm dưới đất. Trong các hầm đều có lương thực dự trữ và đặc biệt có đủ quần áo, đồ lót phụ nữ. Tra vấn tù binh mới biết rằng họ sống chung đụng gái trai như thế (hai nam một nữ trong một hầm). Có lẽ quen việc chung đụng như thế, nên họ không nhìn thấy và thông cảm cho một tình huống rất khó khăn cho những nữ binh miền Nam, và cho ngay cả mấy trăm bạn nam đồng cảnh.

Buổi chiều đầu tiên, mấy anh lính Bắc Việt nhìn chúng tôi có vẻ dò xét; và một phần nào e sợ. Thì ra các chính trị viên Cộng Sản đã nhồi nhét vào đầu óc họ hình ảnh người lính miền Nam chuyên giết người để ăn gan uống mật, "cực kỳ" hung ác. Có anh, khi bất ngờ chạm mặt chúng tôi, đã tỏ ra hốt hoảng. Sau này mới biết là họ tưởng quân nhân miền Nam ai cũng giỏi võ nên họ sợ bị tấn công.

Một anh, có lẽ là hậu cần, cầm một cuốn sổ đến gặp chúng tôi. Anh lính này trông có vẻ cục mịch, nhưng hiền lành. Anh hỏi anh em chúng tôi cần mua thức ăn, thức uống hay món linh tinh gì không, thì anh sẽ đạp xe xuống phố mua ngay. Thế là anh em chúng tôi lấn tới, hỏi anh có thể ra bưu điện gửi giùm thư của chúng tôi về gia đình không. Anh bối rối trả lời: "Chúng tôi chưa có lệnh gì về việc liên lạc với gia đình các anh." Chừng hơn một giờ sau, anh lọc cọc đạp xe trở về. Sau yên xe là một bao tải to lớn mà anh cột chằng chịt những loại dây khác nhau, kể cả cọng dây tước từ cây chuối tươi. Trên áo anh mồ hôi nhễ nhải; anh thở dốc từng cơn ra vẻ rất nhọc nhằn vì phải đạp xe lên đồi. Chúng tôi thấy ái ngại và phần nào cũng tự an ủi rằng: "họ cũng đối xử tốt với chúng ta."

Trong lúc chờ anh bộ đội đi mua hàng về, chúng tôi được lệnh cử mỗi tiểu đội một hai người để đi lấy nước. Họ chỉ cho chúng những thùng đạn đại liên 30 và ống đạn 105 ly chất đống trong sân để làm vật liệu chuyển nước. Chúng tôi đi theo hai anh bộ đội võ trang đi ra khỏi trại, vào một khu vườn lớn của dân cách đó chừng một cây số, nơi có một giếng nước. Đi về như thế nhiều chuyến, chúng tôi đã đổ đầy các thùng phuy ở mỗi góc nhà và tại nhà bếp của trại.

Người ta đã đào sẵn hai dãy nhà cầu bên ngoài giữa hai lớp hàng rào kẽm gai. Không có cách ngăn giữa các hố xí, chỉ có một tấm bình phong sơ sài che phía trước làm bằng tre và lá chuối. Hai dãy hố, phía trên có các thanh sắt - loại cọc sắt ấp Chiến lược – làm chỗ ngồi. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi phải làm công tác vệ sinh trong loại nhà cầu như thế này và cũng không cần che đậy nhau thứ gì! Trước còn ngượng ngập, rồi cũng quen dần đi.

Đêm đầu tiên trong "trường cải tạo", ít ai ngủ được dù rất mệt mỏi. Tâm tư còn bao vương vấn về gia đình. Chúng tôi chưa thấy quá lo lắng cho tương lai mình, nhưng ưu tư về cách nào mà các bà vợ chân yếu tay mềm có thể bươn chải sống qua những ngày đổi đời sắp tới. Trong cái yên ắng của một đêm không trăng nơi xứ lạ, tôi nghe nhiều tiếng thở dài và âm thanh của những người đang trăn trở trên cái sàn gỗ còn mới với những vệt bào nham nhở.

Đâu ngờ rằng đó là cái "thiên thu" đầu tiên của hàng ngàn cái "thiên thu" dằng dặc của những người càng ngày càng đi sâu vào những tầng địa ngục trần gian!

(Trích Hồi Ký Cuối Tầng Địa Ngục của Đỗ Văn Phúc)

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Monday, May 12 @ 11:00:42 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by ngochuynh


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang