Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27777301
page views since June 01, 2005
MS68 - 03/08: Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Mái Ấm Gia Đình

Định Nguyên và Hoàng Lan Chi

HLC: Trong buổi nói chuyện hôm nay, ông Định Nguyên nói về cách cha mẹ dạy dỗ con gái bên Mỹ. Dạy con trong thời đại mới không phải là chuyện dễ dàng, nhất là dạy mấy cô con gái bên xứ này. Chào ông Định Nguyên.



ĐN: Chào chị Lan Chi. Chúng tôi có hai cô con gái sinh trưởng bên này. Bây giờ cả hai đang học đại học. Cách đây một thập niên chúng tôi đã phải đọc khá nhiều sách do chuyên gia tâm lý và hạnh phúc gia đình soạn để hướng dẫn cho cha mẹ có con gái. Lúc đó chúng tôi muốn học cách dạy dỗ con mình dựa trên cảm thông nhiều hơn là ép buộc, và chỉ dùng quyền phụ mẫu khi cần thiết. Nhiều chuyên gia khuyên cha mẹ nên tìm hiểu đặc tính tâm lý của phái nữ nói chung để hiểu được cách dạy con thích hợp.

HLC: Đa số người Á Đông nghĩ rằng phái nữ phải hiền thục và dịu dàng. Người Mỹ nghĩ sao vậy ông?

ĐN: Nhiều cặp vợ chồng Mỹ cũng muốn con gái của họ dễ bảo, dễ thương và vui vẻ, gọi là có "phụ nữ tính". Chỉ có một thiểu số muốn con gái của mình sau này trở thành người tự tin, dạn dĩ và có nhiều khả năng tự lập không khác gì nam giới. Đa số phụ huynh Mỹ cũng như Việt muốn con gái của mình tìm được sự an toàn trong xã hội nhờ tính "nhu mì", dễ bảo và ít phản kháng. Trong quyển sách có chủ đề là cách dạy con gái, cặp tâm lý gia Jeanne và Don Elium có thuật lại những lời của một số cha mẹ Mỹ đã nói khi họ tham khảo ý kiến của hai chuyên gia này. Bà Janie, có con gái 16 tuổi, nói: "Tôi muốn con của tôi an toàn, không bị va chạm, tổn thương như tôi khi tôi là thiếu nữ mới lớn trong xóm nhà tôi. Do đó, tôi dạy con tôi phải luôn luôn vui vẻ, dễ thương, ít chống đối, và cố giúp đỡ người khác. Chồng tôi không thích phụ nữ nói nhiều và ‘đanh đá’. Tôi nghĩ là đa số đàn ông đồng quan điểm với chồng tôi. Tôi không can, mặc cho ông ấy la và phạt cháu khi cháu cãi lại hoặc lộ ra vẻ tức tối vì bất đồng ý kiến với cha".

HLC: Tôi nghĩ là nhiều gia đình Âu lẫn Á có quan điểm này.

ĐN: Vâng. Tiến sĩ Emily Hancock của đại học Harvard đã nghiên cứu tâm lý phụ nữ trong nhiều năm. Bà viết: "Tâm tính nguyên thủy của mỗi phụ nữ bị chôn vùi trong tâm tính hiện tại của họ. Tâm tính nguyên thủy đó là của một cô bé có tự do và tự tin. Trong thời gian cô bé trưởng thành, tâm tính nguyên thủy này đã bị bỏ qua một bên vì xã hội chỉ cho phép cô đóng một số vai trò trong danh sách rất giới hạn sau đây: em bé ngoan, cô nhỏ choai choai, hoa khôi của trường, người nội trợ an phận, người mẹ hy sinh cho con, bà xồn xồn khó chịu, và sau cùng, bà già còng lưng.

HLC: Mấy cô con gái hồi 9, 10 tuổi còn chơi rượt bắt, leo cây, lội suối gần nhà, v.v. Đến khi mấy cô 13 tuổi, cha mẹ khuyên phải mặc váy thướt tha khi đi học, giữ mái tóc cho gọn ghẽ, cắt móng tay đều đặn, v.v. theo tiêu chuẩn của một tiểu thư.

ĐN: Vâng. Cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ con theo nề nếp mà chính mình được dạy dỗ lúc còn nhỏ. Tức là xã hội gián tiếp bắt phái nữ theo khuôn, dù khuôn này không thích ứng với tâm lý và bẩm tính của phái nữ. Cặp tâm lý gia Elium cho rằng phái nữ cũng cần được cha mẹ rèn luyện để biết chống đối khi cần thiết. Muốn được an toàn khi ra đời, có lúc cô gái phải khẳng định là mình không muốn chiều theo ý của một người khác. Ông Chiori Santiago, một nhà viết báo gia đình có thành tích, viết rằng: "Khi họ bước vào tuổi thiếu niên, các cậu được nhiều tự do hơn trong khi các cô lại bị ‘quản thúc’ trong nhà nhiều hơn là lúc còn nhỏ dại. Buổi tối, các cậu còn được ra đường trong khi các cô phải ở nhà. Các cậu được phép đi xe bus mà không cần người lớn đi chung trong khi các cô không được làm thế. Các cậu được người lớn dạy là phải can đảm khi vào đời trong khi các cô được dạy là phải e sợ và đề cao cảnh giác." Ông bà Elium đồng ý rằng các cô phải đề cao cảnh giác khi ra khỏi nhà vì phái nữ có thể bị một thiểu số đàn ông dùng võ lực để làm điều không hay, nhất là lúc trời tối và đường xá vắng vẻ. Nhưng trên phương diện khác, cha mẹ nên tìm cách giúp cho con gái mình trở thành người tự tin, không e sợ khi ra đời.

HLC: Ngay cả trong trường, nữ học sinh cũng phải chịu đựng một số hành vi không đẹp. Ở bậc trung học, khá nhiều cô bị mấy cậu nhiễu tình bằng cách đòi mấy cô phải đi chơi với họ, hoặc bị họ chòng ghẹo, cầm tay, béo đùi...

ĐN: Vâng, thống kê Mỹ cho biết khoảng một nửa số nữ học sinh trung học bên này đã có lần bị nhiễu tình. Làm sao mà trách được phụ huynh khi họ muốn con em thuộc phái nữ phải quanh quẩn trong nhà thay vì ra đường? Nhưng ông bà Elium cho rằng phụ huynh nên tìm cách giúp con em đối phó với xã hội khá "vũ phu" thời nay. Trước hết, mình phải giúp các cô tập cho có đức tính tự tin. Khi một cô bé bậc mẫu giáo hoặc tiểu học lớn đủ và làm được một việc gì lần đầu tiên mà không cần cha mẹ giúp đỡ, cô bé sẽ cảm thấy tự tin vô cùng. Đức tính tự tin rất quan trọng. Thí dụ cụ thể là những vị lãnh đạo nào ăn nói mạch lạc và đầy tự tin thì người chung quanh đâm ra tin tưởng và hưởng ứng dễ dàng hơn. Ngoài ra, sau khi nghiên cứu hồ sơ của nhiều cơ quan cảnh sát, một số chuyên gia cho biết là kẻ cướp hay ra tay với những người có vẻ không chú ý đến cảnh vật chung quanh, hoặc khi đi cứ cúi gầm mặt xuống, hoặc có vẻ nhút nhát. Kẻ gian có khuynh hướng tránh xa những khách bộ hành lộ ra vẻ tự tin, dạn dĩ và hay quan sát chung quanh.

HLC: Đa số phụ huynh nghĩ rằng con gái trong nhà yếu mềm, cần được che chở và nâng niu, hoặc ít ra được đối xử "nhẹ tay".

ĐN: Vâng. Đa số cha mẹ và anh chị lớn trong nhà đều có quan niệm này. Nhưng nếu lúc nào mình cũng xía vào để giúp đỡ và che chở, thì cô thiếu nữ ấy không có dịp học cách tự xoay sở lấy. Lúc nào mình cũng nhẹ tay, không thúc con em phải chịu khó, đổ nhiều mồ hôi trán, thì cô bé không có dịp rèn luyện ý chí và biết thế nào là cố gắng tối đa để đạt được mục đích. Cặp tâm lý gia Elium nghĩ rằng phụ huynh phải che chở cho những cô gái bé nhỏ và cách che chở sẽ thay đổi tùy theo tuổi của cô bé. Thí dụ, lúc thơ ấu thì phụ huynh bảo vệ cẩn mật, không cho ngậm và nuốt những đồ chơi quá nhỏ, tránh những âm thanh chói tai, những ánh đèn pha chói có thể làm hại mắt, v.v. Lúc cô bé bắt đầu đi học thì phụ huynh phải bảo vệ ngoài đường xá bằng cách tập cho em biết qua đường làm sao cho an toàn, và đề phòng người lạ mặt dụ dỗ hoặc bắt cóc. Lúc thiếu nữ bắt đầu hiểu chuyện đời thì phụ huynh phải bảo vệ bằng cách khuyên bảo cô tránh dùng rượu và ma túy, và đề phòng bệnh liệt kháng, v.v. Nhờ hệ thống bảo vệ này, cô bé tương đối an toàn cho đến khi thành người lớn. Cha mẹ lập ra một vòng đai phòng thủ đúng tầm cỡ là điều đáng làm. Nhưng một số cha mẹ xây một vòng đai phòng thủ quá lớn, đến nỗi cô bé không còn có cơ hội để tự lo liệu. Khi mấy cô giải toán thày ra hoặc làm một dự án thủ công nghệ, một số ông bố quá nhanh nhẩu; họ xen vào việc của con gái mình để giúp cho mấy cô bé thành công. Những người cha đó chỉ trích những cô bé là "làm không đúng cách" hoặc "không hữu hiệu" và chính mấy ông hoàn tất công việc đó giùm cho con gái của họ.

HLC: Khi làm một việc nào đó, có khi nữ giới dùng phương thức không giống phương thức của nam giới, nhưng cũng xong việc được.

ĐN: Chị nói đúng ạ. Thí dụ như đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hoà bên này, mỗi đảng có một chính sách về y tế, đối ngoại, thuế má, v.v. Đảng nào cũng trị quốc được nếu thắng cử. Người cha nên để cho cô bé có dịp tự lập phần nào khi cô làm bất cứ việc gì mà cô định làm, như đánh bóng cái bàn cũ, trồng mấy bụi hoa, làm bánh sinh nhật, làm dự án khoa học để nộp cho trường. Như thế, cô bé sẽ có dịp thử cách này cách nọ rồi mới biết được cách nào hữu hiệu nhất. Người cha chỉ nên cho cô bé biết là nếu cô cần giúp gì thì ông sẵn sàng giúp, chứ không bắt cô phải ngồi nghe ông chỉ cho cô cách làm theo ý của ông. Sau đó ông để ý quan sát sự tiến triển của việc cô bé đang làm, khuyến khích cô, và tìm cách giúp nếu cô bé nhờ ông giúp.

HLC: Khi cô bé lớn lên, dần dà cô ta sẽ phải chọn lựa trên nhiều phương diện như ngành học, bạn trai, bạn gái. Ngay từ nhỏ, một cô bé được cha mẹ cho cơ hội tự quyết trong một giới hạn phải chăng sẽ tự tin hơn khi phải quyết định và lựa chọn.

ĐN: Một cô bé sớm trưởng thành và tự tin sẽ dám nói "Không" khi bạn rủ làm những việc không tốt như thử dùng ma túy, rượu, hoặc trai gái khi còn quá nhỏ tuổi. Khi ra đời, thiếu nữ đó sẽ dám nói, dám làm, khẳng định là mình muốn gì, từ chối đúng lúc, và chọn lựa dễ dàng hơn. Nếu mình quá vì nể người chung quanh thì có khi mình thiệt thòi vì không dám từ chối hoặc để cho họ thúc đẩy mình chọn lựa theo tiêu chuẩn của họ chứ không phải theo tiêu chuẩn của mình.

HLC: Trong nhiều gia đình, cách dạy con trai khác với cách dạy con gái. Cha mẹ thường để cho mấy cậu con trai nghịch ngợm và leo trèo nhưng ít khi để mấy cô nghịch ngợm nhiều như mấy cậu. Cách đối xử khác biệt này có ảnh hưởng gì không?

ĐN: Phụ huynh nên khuyến khích mấy cô vận động và chơi thể thao giống như mấy cậu, ngay từ lúc còn nhỏ. Có một thân thể tráng kiện và khả năng thể vận cũng giúp cho thiếu nữ tự tin hơn. Ông bà Elium còn khuyến khích phụ huynh nên cho mấy cô bé tập võ hoặc học một vài khoá tự vệ. Nếu phụ huynh luôn luôn nghĩ rằng nữ giới "chân yếu tay mềm" thì mấy cô không có dịp phát triển về khả năng tự vệ và tinh thần cương quyết. Thống kê của cảnh sát cho biết là những phụ nữ nào nhất quyết chống cự kẻ dùng võ lực bằng cách la lớn và đấm đá, thì gã vũ phu hoặc kẻ gian có nhiều triển vọng bỏ cuộc. Ngoài ra, nhiều cha mẹ tập cho con gái không lộ vẻ giận dữ, nói đúng hơn là đè nén giận dữ, vì họ nghĩ rằng phụ nữ phải nhu mì và tránh to tiếng hoặc cãi cọ. Nhiều phụ nữ không muốn đối đầu với sự giận dữ của chính mình hoặc người khác. Khi thấy người khác giận dữ mình vì một va chạm nào đó, nhiều cô không biết phải làm gì và đâm ra bị trầm cảm. Như vậy, có một số phụ nữ ăn nhiều hơn vì có vấn đề tâm lý đến nỗi họ bị lên ký quá độ. Có một số phụ nữ Âu Mỹ phải dùng đến rượu để tìm cách hoá giải vấn đề tâm lý này.

HLC: Vâng, vì không muốn mang tiếng là ngưòi đàn bà dữ dằn nên nhiều cô cố tránh cãi cọ. Nếu một bên cứ nuốt cơn giận mãi, không thể bộc lộ ra, trong khi bên kia hoàn toàn có lỗi thì sau này có thể tổn hại đến tình cảm giữa hai người. Trái lại, nữ giới cũng như nam giới nên quen với cách "lớn giọng" có giới hạn để cho người kia biết là họ có lỗi, cần phải lui lại một chút. Nhờ đó, cặp đó mới bảo tồn được tình bạn hoặc hạnh phúc lứa đôi.

ĐN: Cám ơn chị Lan Chi. Chị tóm tắt vấn đề một cách rất dễ hiểu. Tâm lý gia cho biết là ai cũng có lúc phải cảm thấy tức tối, giận dữ, miễn là đừng quá độ. Phụ huynh nên biết cách tập cho cô bé chuyển hướng cảm giác giận dữ để đạt được kết quả tốt. Sau này tôi sẽ nói thêm về khía cạnh này. Bây giờ tôi nói về chủ đề "Phụ nữ phải có giọng nói" trong quyển sách của cặp vợ chồng tâm lý gia Jeanne và Don Elium. Đại khái, 5000 - 7000 năm trước, có một số xã hội theo mẫu hệ. Sau đó, những nền văn minh cổ như Ai Cập, Trung Hoa, Hy Lạp và La Mã theo phụ hệ. Trong khoảng 4000 năm, phụ nữ không được làm chủ đất đai, mở tiệm, đọc diễn văn, v.v. Xã hội Việt và Trung Hoa trước đây áp dụng câu "thiếu nữ ở nhà thì nghe lời cha; khi lấy chồng thì theo chồng; khi chồng chết thì theo con trai" (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử). Trong 4000 năm liền, phái nữ phải lặng tiếng để giữ hoà khí trong gia đình. Phái nữ đầu tắt mặt tối lo việc nội trợ, chăm sóc con thơ, chồng và cha mẹ già. Không những thế, họ phải giúp cộng đồng khi làng xóm cần làm cỗ bàn tế lễ, hoặc có người trong làng mới sinh đẻ, cần có mấy bà láng giềng giúp nấu ăn và dọn dẹp nhà.

HLC: Bên này những chuyên gia xã hội học và tâm lý học có hoàn cảnh nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra những phương thức giáo dục mới mẻ, hợp với tâm lý của mỗi phái. Chắc nhờ vậy những tác giả như ông bà Elium đã soạn được những quyển sách có giá trị và hữu ích như tài liệu mà ông dùng?

ĐN: Vâng. Một số trường đại học Mỹ có giáo sư chuyên nghiên cứu về tâm lý phái nữ. Trường Harvard và Wellesley là hai trong số trường đó. Bà giáo sư Gilligan của trường Harvard đã cho ta thấy là nhiều cô ở tuổi vị thành niên đã phải dìm mất một phần của tâm hồn mình và "ngậm tăm" để sống tương đối êm ả trong gia đình. Cha mẹ có thể giúp cho con gái của mình có thói quen phát biểu được những cảm nghĩ và ước muốn không? Được chứ. Cha mẹ

phải cho con gái biết là cô có thể phát biểu ý kiến hoặc lộ vẻ không vui mà không sợ cha mẹ giảm tình thương. Dĩ nhiên là con cái nên phát ngôn một cách từ tốn, lễ phép. Những cô bé lớn lên trong hoàn cảnh này, tạm gọi là "loại 1", sẽ tự tin nhiều hơn là những cô suốt đời không được khuyến khích thổ lộ tâm sự hoặc nỗi bất bình. Những cô "loại 2" chỉ đi đường vòng co có tính chất gián tiếp. Thí dụ, khi muốn giảm độ nhiệt của máy sưởi trong nhà, một phụ nữ thuộc "loại 2" không nói thẳng ra: "Làm ơn hạ bớt nhiệt một chút. Tôi cảm thấy trong nhà khá nóng." Bà lại nói với chồng: "Anh có thấy trong nhà nóng không?"

HLC: Như vậy, nếu mấy ông không có giác quan thứ sáu bén nhạy thì khó đoán được ý mấy bà. Không quen nói thẳng ý mình muốn cũng có cái bất lợi. Thay vì nói với chồng là mình muốn làm gì trong ngày nghỉ cuối tuần, một người vợ thuộc loại 2 lại hỏi chồng: "Anh muốn làm gì vào cuối tuần này?" Sau khi người chồng đưa ra một đề nghị nào đó, người vợ đồng ý mặc dù không thích lắm. Sau nhiều vụ hiểu lầm như vậy, người vợ sẽ cảm thấy bực dọc chồng một cách âm thầm.

ĐN: Vâng. Nếu hai người quen tính bàn luận, trao đổi ý kiến, khi thì đòi hỏi, khi thì nhượng bộ, thì có thể dung hoà dễ dàng hơn. Thí dụ, tuần này làm theo ý bà, tuần sau làm theo ý ông, hoặc hai người tìm ra một giải pháp thứ ba mà cả hai đều thấy là khá tốt. Tóm lại, cha mẹ nên khuyến khích con gái biết tự tin và tương đối dạn dĩ. Đó là cách tự che chở hữu hiệu nhất khi bước chân vào đời. Sau khi lấy chồng, có thể cô và chồng sẽ có hạnh phúc lâu dài. Tôi xin ngưng tại đây vì sắp hết giờ. Xin chào chị và hẹn kỳ sau vì đề tài này quan trọng và có nhiều khía cạnh mà chúng ta cần am hiểu.

HLC: Phái nữ chiếm hơn 50 phần trăm dân số thế giới. Phụ huynh nên tìm hiểu thêm về tâm lý của phái nữ để giúp con gái mình có đời sống hạnh phúc và thành công ngoài đời. Cám ơn ông.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Tuesday, March 11 @ 12:04:38 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Mái Ấm Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Mái Ấm Gia Đình:
Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Mái Ấm Gia Đình


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang