Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27895397
page views since June 01, 2005
MS67 - 02/08: Xuân Tâm

Truyện Ngắn

Phạm Hà

Chúng tôi vượt biên thất bại, bị bắt giải vào Khám Lớn tỉnh lỵ Rạch Giá, một nhà tù đầy ắp đủ loại tù hình sự đến độ không đủ chỗ nằm. Những người mới như chúng tôi chỉ đủ chỗ ngồi thôi. Một loại ngục "a tỳ thứ thiệt" chỉ ở chế độ CSVN mới có. Dù chúng tôi bị ở đây 4 ngày, nhưng ai nấy đều có cảm tưởng dài tới 4 năm. Đôi mắt người nào cũng trũng sâu, má hóp vì 4 ngày là 96 giờ không ngủ, không ăn uống và cũng không dám thở vì quá hôi hám; tiếng ồn, cãi vả, la ó, chửi lộn, đánh nhau huỳnh huỵch ngày, đêm không một phút giây ngừng nghỉ! Vì thế, khi cả chuyến ghe được di chuyển đến một trại giam khác, ai cũng mừng thoát khỏi địa ngục thực sự này!



Chúng tôi bị lùa xuống chiếc ghe cũ lúc bị bắt và được đưa đến một trại giam rất kiên cố, rộng rãi mà sau này chúng tôi được biết với cái tên "trại giam Cầu Ván".

Trại giam ở giữa ba hàng rào, kẽm gai, tầm vông, và lồ ô dày đặc kín mít trong ngoài không nhìn thấy nhau. Trong trại cò 6 dãy láng, mỗi láng chừng 50 mét dài và ngang chừng 6 mét. Láng được làm bằng tre, nứa, lợp lá, chung quanh không có vách, nền đất và dĩ nhiên tù nằm đất.

Người tù được ký nhận mượn một cái mùng cũ rách. Thế thôi, không chăn chiếu gì, do đó mỗi người phải tìm cách tự túc gởi mua nylon hay miếng đệm, nếu có tiền. "Miếng đệm" là từ ngữ của xứ này để chỉ một tấm đan bằng cói đập mỏng dùng thay cho chiếu. Người không tiền phải nằm đất cho đến khi người thân gởi tiền vào ! Đó là chủ trương của công an Cộng Sản, họ tiếp tục bóc lột! Những người được đưa từ khám lớn về đây, trong người không còn một thứ gì! Từ đồng hồ đeo tay tiền bạc, quý kim, nhẫn cưới, kính mắt lão, cận hay màu, kẹp tóc, dây đeo cổ... đều bị lột sạch sẽ. Tuân may mắn còn giữ được miếng nylon đủ để lót nằm cho hai bố con ôm nhau ngủ. Cả nền láng rộng thênh thang chỉ chứa chừng sáu bảy chục tù nên Tuân dễ dàng tìm được chỗ cột mùng khá thuận tiện. Hai bố con cùng ông bạn tù cùng chuyến vượt biên đôn hậu mới quen ngồi nghỉ tạm. Vài người tù cũ xúm đến hỏi han tình trạng bị bắt. Hầu hết ở đây là tù vượt biên bị nhốt chung với số ít tù hình sự nên họ cởi mở dễ nói chuyện. Đang lúc đầu óc Tuân rối bời, một người đàn ông da ngăm đen trông quen quen xuất hiện. Tuân chưa biết là ai thì hắn đã lên tiếng và Tuân sững sờ nhận ra Tuyến, người bạn thân dậy toán cùng trường! Tuyến vượt biên sáu tháng trước. Cả trường tưởng hắn thoát. Có người còn đồn là vợ hắn đã kịp bảo lãnh cho hắn qua tới Mỹ rồi! Trớ trêu thay, hắn đang là tù trưởng ở đây! – Tù trưởng cũng là người tù được tù bầu ra để tiếp xúc với cai tù CS. Tuyến là người tốt, nhiệt tình và khéo miệng. Hắn tung tăng dẫn con Tuân đi mua kẹo, còn nói đùa: "Tao là tù trưởng của bộ lạc tiền sử này mới có quyền dẫn con nít đi mua kẹo nghe mày!". Tuân đùa theo: "Cám ơn mày, tù trưởng". Hắn tỉnh bơ, "Bộ lạc này chưa có từ ngữ cám ơn à nhe!" Nghe mà buồn tủi xót xa, đâu chỉ trại tù này là "tiền sử", cả cái trại tù khổng lồ là cả nước Việt Nam cũng thế thôi! Tuân bình tĩnh quan sát khu trại. Trại trống trơn có vẻ mới và thoáng vì không tường, không vách ngăn và không cả cây cối. Số tù nhân ở rải rắc, có ô chỉ có vài người, có ô tụm năm bảy người lo nấu nướng "chui" từ lon guigoz nứơc trà đến lon chè đậu. Tận mút cuối trại Tuân thấy một người như không mặc gì cả. Một người đàn bà? Không, đúng ra là một thanh niên thời tiền sử. Tóc anh ta chấm vai. Thân thể anh ta không còn da mà chỉ được bọc một lớp vảy màu xám đỏ lợt, có chỗ đỏ tươi, có chỗ vảy đóng đen, có chỗ nước vàng còn ứa ra. Anh ta luôn cử động, để xua đuổi lũ ruồi quyết "ăn thua đủ" bám lấy anh ta, bằng một cây nan tre, một đầu được chẻ ra thật nhỏ, đập dập cho giống một đuôi lông. Chợt anh ta quay nhìn về phía Tuân và đứng bật dậy chuyển tấm thân tiền sử của anh đến chỗ Tuân rất nhanh, như không để lũ ruồi đuổi theo kịp. Tuân ngạc nhiên vì lúc này chàng nhìn rõ anh ta có mặc quần đùi màu cháo lòng loang lổ như mầu da anh ta. Đến gần chỗ bọn Tuân, anh ta lên tiếng:

- Hai thày cần tắm cho khỏe không? Con được ra giếng lấy nước, ai cần con cũng giúp á.

Ông Thông như e ngại tiếng "thày" thanh niên vừa nói nên vội lên tiếng:

- Chúng tôi là người đời thường, em cứ gọi là chú được rồi. Chúng tôi hiện thời không có tiền. Em cứ giúp chúng tôi, bao nhiêu tới thăm nuôi chúng tôi sẽ trả em được không?

- Dạ con không lấy tiền. Để con đi lấy nước cho hai chú tắm nha.

Nói rồi anh ta chạy biến đi như sợ bọn Tuân đổi ý! Anh đi rồi để lại mùi tanh tanh. Ông Thông nhận xét: Chắc anh ta bị tù lâu, ăn uống thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin nên bị ghẻ ngoài da. Được ăn uống đầy đủ sẽ hết.

Tuân ngạc nhiên vì hành động đột ngột của thanh niên bệnh ngoài da, chàng cũng ngạc nhiên về ông Thông. Sao ông lại ngại tiếng "thày"? Ông cũng tỏ ra là người nhiều hiểu biết. Ông có nghề y hay là một nhà tu hành? Chàng tỏ ý đồng cảm với Ông Thông:

- Ông Thông nói đúng, trường hợp này, tôi cũng gặp nhiều. Sau 1975, bệnh này ở đâu cũng có. Thật ra chàng muốn nói bệnh này phổ biến trong các trại cải tạo, nhà tù. Hầu hết những người "mồ côi", "con bà phước" không có thăm nuôi chừng một năm là mắc bệnh này ngay. Nếu có vài kỳ thăm nuôi là bệnh sẽ hết.

Chừng mười phút sau, người thanh niên đã xách về hai thùng nước trong để ngoài một phòng tắm được quây che bằng vài tàu lá kè ở góc sân. Khi hai người lần lượt tắm xong, Tuyến dẫn con Tuân trở về. Tuyến cho Tuân mượn đỡ ít tiền và bát thịt kho mặn. Chàng gởi mua ít đồ vặt vừa đủ để cha con chàng và Ông Thông sử dụng nấu nướng ăn uống. Đêm đó nhóm Tuân đốt cây đèn cầy nhỏ vừa mua ngồi uống trà ăn kẹo đậu phọng, thưởng thức chút phong lưu trong tù. Tuân kêu người thanh niên ngồi uống chung cho vui và để dò hỏi về sinh hoạt trại tù. Người thanh niên ghẻ mới tắm táp xong nên cũng đỡ hôi tanh. Bốn người rì rầm hỏi thăm nhau. Người thanh niên tên Hùng tỏ vẻ lúng túng, nhưng ân cần và xúc động. Hùng tâm sự bị tù ở đây đã 6 năm rồi, không có ai thăm nuôi. Thỉnh thoảng có tù vượt biên được thả về, họ cho lại Hùng thứ gì lấy thứ nấy và cứ thế sống thui thủi một mình. Ai thấy Hùng ghẻ lở cũng lánh xa. Hùng cũng tự lánh xa mọi người. Hùng sống hàng ngày bằng hai chén cơm do trại phát, không muối, không đường, không rau cỏ, thịt cá gì khác! Gia tài của Hùng giờ đây chỉ có bộ quần áo mục, chiếc muỗng, một chén mẻ và vài lon guigoz méo mó! Lâu lâu cũng có người cho Hùng đồ ăn, hoặc vài đồng bạc Hùng để dành mua thuốc ghẻ bôi cho ruồi đỡ bu. Đêm nay Hùng được ngồi uống trà đàng hoàng với người khác, Hùng cảm động lắm và nói chuyện với vẻ tự tin. Lâu rồi mới có người tỏ ra tôn trọng, vỗ về an ủi, Hùng cảm thấy bớt cô đơn. Con Tuân nằm gối đầu lên đùi bố ngủ ngon lành. Tuân lấy áo đắp cho con, mong con có giấc ngủ bình an. Hùng tâm sự với giọng kể thật nhỏ:

- "Gia đình con chỉ có hai mẹ con. Mẹ con kể là cha con đi tập kết. Rồi sau năm 1975, cả năm cũng không thấy về. Nghe đâu chết ở ngoài Bắc hay trên đường Trường Sơn gì đó! Mẹ con cũng không biết nhiều về người đó nên mẹ con đâu có yêu thương gì vì chỉ biết nhau qua có một đêm thôi! Mẹ con nhớ là vào một đêm hội họp để động viên tinh thần những người đi tập kết ra Bắc, họ tuyên truyền, cổ võ, thúc bách bằng một buổi liên hoan tưng bừng khích động một số thanh nữ làm đám cưới tập thể với những người đi Bắc. Trong những thanh nữ này có mẹ con. Họ bị chìm đắm mê muội trong cơn xúc kích dục tình lãng mạn đến tột độ, họ sẵn sàng hy sinh thân mình, xây dựng vợ chồng với bất cứ ai. Một đêm mờ ảo trong men mê loạn hừng hực đòi hỏi dưới vài ngọn đèn dầu. Đêm đó mẹ con đã có bầu. Năm sau con chào đời, Mẹ con không còn nhớ rõ mặt cha con nữa! Bà chỉ còn nhớ mang máng cái tên. Rồi mẹ con bị gia đình và tập thể bỏ rơi. Mẹ con đem con lên Sài Gòn sống lang thang vất vưởng đến khi con được năm hay sáu tuổi gì đó.

Mẹ con và con may mắn được một ông cảnh sát quận Nhứt tận tình giúp đỡ. Mẹ con có một thùng thuốc lá lẻ và coi giữ xe đạp cho rạp hát Hưng Đạo. Con lớn dần theo thời gian. Đến tuổi quân dịch, vì là con một, không cha, chỉ một mẹ một con, nên con được miễn dịch, không phải đi lính. Con xin vào học nghề sửa xe ở tiệm sửa xe Phi Long. Con không có lương, nhưng được bao ăn. Ông chủ tiệm thích đặt tên cho con ông và những người thợ làm với ông kèm theo chữ Phi. Ông chỉ có hai người con gái được đặt tên là Phi Nhung và Phi Yến. Khi nhận con vào làm, con tên Hùng, ông đặt luôn là Phi Hùng. Anh Hai Đởm bị kêu bằng Phi Đởm. Thằng Năm Ngọ vô học sau con bị đặt tên là Phi Ngọ. Tội thằng nhỏ bị sai vặt chạy tối ngày như ngựa, ai cũng nói nó là Phi Ngựa mà. Hai cô con gái Ông Phi Long là Phi Nhung và Phi Yến đều đẹp và có duyên. Thân hình đẹp mà mặt còn đẹp ác. Cô em Phi Yên đẹp mặn mà hơn, tóc đen bóng dài mượt hà, da trắng như trứng gà bóc. Cặp mắt bồ câu to như mắt nai ướt và đa tình dưới hàng mi dài cong. Con và Phi Yến yêu nhau. Hàng ngày Yến kín đáo săn sóc con. Sáng Phi Yến để sẵn trên bàn một ly cà phê sữa, nàng hẹn con cứ đến sớm nhất và nhận ly cà phê sữa ấy. Sau cơm trưa nàng cũng kín đáo dấu sau bình trà một ly nước rau má. Đêm đêm chúng con hẹn hò nhau đi coi hát bóng, cải lương…Chúng con cho nhau tất cả tâm hồn và thể xác. Chúng con chìm đắm lặn hụp trong yêu đương không cần biết là cuối đường tình có trọn vẹn hay không. Chúng con cũng không cần biết đến trên đời này còn có chiến tranh, có Cộng Sản gì hết ráo! Rồi tháng tư, bảy lăm ập tới. Trước 30 tháng Tư một tuần, ông chủ Phi Long bỗng biến mất cùng với Anh Hai Phi Đởm. Mãi tới mùng 4 tháng 5/75 Anh Hai Phi Đởm về đến tiệm với một chân bị thương, cụt mất nửa bàn chân và dẫn theo vài người lạ kêu bằng đặc công nội thành gì đó. Còn ông chủ Phi Long, theo Anh Hai Phi Đởm nói là ổng bị hy sinh ở mặt trận Long Khánh không tìm thấy xác. Chị em Phi Yến buồn khóc cả tuần. Vài tuần sau con thấy Phi Đởm cùng mấy người lạ kia mặc quần áo công an mầu vàng, đeo súng ngắn. Trong đó có một người làm trưởng công an Phường chỗ tiệm con sửa xe tên là Sáu Tỷ. Tiệm Phi Long vẫn mở cửa nhưng số khách sửa xe ít dần. Bà chủ Phi Long cùng cô con Phi Nhung và mấy người công an kia hội họp bàn thảo bận rộn suốt ngày. Con và Phi Yến vẫn lén lút gập nhau. Nhưng con có cảm giác những lần hẹn có vẻ khó khăn và khoảng cách mỗi lần hẹn xa dần mặc dù khi gập nhau chúng con vẫn tha thiết yêu tận tình. Rồi một hôm con bị bà chủ cho nghỉ việc. Nghỉ việc con chỉ bị mất hai bữa cơm thôi vì con đâu có lương. Con về ăn với mẹ con và giúp mẹ con làm bánh ú bán kèm với thuốc lá lẻ. Phi Yến thỉnh thoảng gặp con ở nhà mẹ con. Có lần nằm bên con, Phi Yến hỏi con thấy ngực Yến săn chắc không, con gật đầu. Yến xoa xoa bụng hù con nàng có bầu nên ngực mới săn, làm con mừng mừng lo lo. Bỗng mấy tháng sau mẹ con và con nhận được giấy cả hai phải đi kinh tế mới ở tận Bình Long. Gặp Phi Yến con đưa giấy cho Phi Yến coi, cả hai đứa con phát hiện ra người ký giấy này là Sáu Tỷ. Lúc này Phi Yến biến sắc bật khóc kể cho con nghe là Sáu Tỷ yêu Yến, nhất định đòi tổ chức cưới Yền làm vợ. Nàng nói đây là âm mưu của Tỷ cố tình đẩy con và mẹ con đi kinh tế mới để chia rẽ tụi con, bắt con phải xa Yến. Cũng từ đó con hiểu tại sao bà chủ cho con nghỉ việc. Con xúi mẹ con cứ trốn tránh ở lại thành phố sống để con gần Yến và rắp kế trả thù tên Sáu Tỷ. Nhưng tên Sáu Tỷ là Trưởng Công An Phường có cả gần 50 đàn em dưới quyền với đầy đủ súng ống, có tai mắt tổ chức khắp nơi. Con chưa có dịp làm gì thì đã bị nó bắt và gởi con xuống trại tù này. Con hỏi con bị bắt vì tội gì thì họ nói là sẽ cho biết sau. Còn mẹ con bị chúng bắt đi kinh tế mới. mẹ con có xuống thăm con một lần rồi vì nghèo khó quá mẹ con mất liên lạc với con luôn. Giờ con cũng không biết mẹ con lưu lạc phương nào. Có đêm con mơ thấy mẹ con chết ở kinh tế mới. Con quyết tâm ráng sống để có ngày trả mối thù này." Giọng Phi Hùng nhỏ hẳn xuống như thầm thì một mình, nét mặt đanh lại cố nuốt mối hờn căm.

Ông Thông buồn thở dài. Tuân nghĩ người CS tận dụng mọi phương tiện dù là bất nhân nhất để đạt cứu cánh bằng bất cứ giá náo thì kể gì những người như mẹ Hùng. Mẹ Hùng hy sinh đời con gái cho nhu cầu chính trị của họ. Hùng là kết quả của đòi hỏi đó. Thế mà giờ này chỉ vì muốn chiếm đoạt người con gái, họ sẵn sàng nhẫn tâm phá nát, xóa sổ cả một gia đình, giết người mẹ, bỏ tù cho đến chết người con. Họ cướp đoạt bất cứ gì họ muốn. Ôi đạo đức của người cộng sản là thế đấy!

Đêm đã khuya, Ông Thông dục Hùng cùng đi ngủ. Phi Hùng uể oải đi về phía cuối láng mang trong lòng mối căm hờn. Những ngày sau mặc nhiên Hùng trở thành một thành viên của nhóm nấu ăn với Tuân và Ông Thông. Không ai biết tâm sự của Hùng, vì Hùng chẳng dám tâm sự cùng ai. Ban chỉ huy trại tù cũng chẳng có hồ sơ lý lịch gì của Hùng cả. Hùng là một tên tù không tội bị lãng quên. Bởi họ thay đổi luôn để ăn đều chia đủ và những tên công an mới tới cai trị trại tù cũng không có tên nào để ý gì đến Hùng. Chúng chỉ để ý đến những kẻ có tiền. Chúng nắm những người có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu? Chúng coi Hùng như con chó lạc loài sống nhờ vào những rơi rớt và lòng trắc ẩn của những người tù khác. Hùng không dính dáng phiền hà gì đến những "đỉnh cao thống trị" trại tù. Chỉ có tù trưởng, tù phó, láng trưởng, láng phó cùng là tù mới liên hệ tù với nhau mà thôi. Có khi cả tháng mới có công an vào trại để đưa những người có tiền chạy chọt ra. Thường chúng chỉ cầm súng đi vòng vòng phía ngoài cách tới hai hàng rào. Do đó người tù không tội, không tên trong danh sách, không ngày tháng như Hùng làm gì hy vọng có ngày về? Có biết bao nhiêu người bị tù oan như Hùng của hàng triệu trường hợp khác nhau trong hàng chục ngàn nhà tù trên cà đất nước này.

Mỗi lần nhìn Hùng gục đầu, người Hùng rung lên, Ông Thông biết Hùng khóc, ông chỉ buông tiếng thở dài "nghiệp chướng, tội nghiệp". Ngày tháng trôi qua, hàng tháng ai cũng có quà của thân nhân gởi vào, riêng Phi Hùng không bao giờ có. Thường ngày Hùng sinh hoạt với nhóm Tuân nên đỡ cô đơn. Những ngày thăm nuôi, Hùng tìm một góc vắng ngồi lẩm nhẩm đọc những câu kinh do ông Thông truyền dạy. Lúc này, ông Thông đã gián tiếp tiết lộ ông là một nhà tu ở chùa bị ngụy quyền cộng sản cướp chùa đuổi ông ra. Ông về tu tại gia. Ông Thông rất nhớ ngày Âm lịch. Ngày rằm hay mồng một mỗi tháng ông nhắc nhở Tuân và Hùng ăn chay. Con Tuân được về từ tháng trước nên nhóm ăn của Tuân chỉ còn ba người. Ông Thông qua từng cử chỉ, lời nói ông đang uốn nắn Hùng, giúp Hùng sống vui, sống không mặc cảm. Về thể chất, Hùng khỏi hẳn bệnh ghẻ. Quần áo, Ông Thông và Tuân cho nên Hùng có hai bộ thay đổi, Hùng to con, chững chạc khỏe mạnh và đẹp trai hẳn ra. Hùng nhanh nhẹn giúp đỡ mọi người vô tư và hồn nhiên vì thế ai cũng mến, cũng thích nhờ vả, chia xẻ với Hùng nhất là việc đi lấy nước tắm giặt.

Qua ít ngày đêm lành lạnh của cuối tháng chạp, những mảnh sân trong trại tù đã lún phún mọc lên những cọng cỏ non xanh xanh, cong cong như làn lông mi nét mác của đàn bà đẹp. Vài tuần sau, mảnh sân đã xanh rì ngọn cỏ mượt mà như tấm thảm, dấu chỉ duy nhất trong trại tù báo hiệu mùa xuân đang đến. Trên không trung thỉnh thoảng Tuân cũng nhìn thấy vài cánh én liệng qua trại tù. Tuân nghĩ có lẽ phải ăn cái Tết trong tù. Tuân bàn cùng ông Thông:

- Hùng đã giác ngộ Đạo rồi đó, Tết Nguyên Đán cũng gần đến, mình làm một cái gì đặc biệt khuyến khích nó ông ạ. Ông Thông tán thành:

- Có thể mình sẽ được thả trước hoặc sau Tết. Vậy mình sẽ cho nó một "công án" trước khi chia tay bác ạ, biết đâu nó sẽ là một nhân tốt. Rồi ông nhìn xa vắng nói tiếp : Nhân tốt sẽ mọc cây lành. Cây lành sẽ trổ nhiều trái ngọt. Lý nhân quả phải thế. Tuân gợi ý:

- Kỳ thăm nuôi này tôi bảo Tuyến ghi tên ông và tôi trực thăm nuôi, mỗi người mình sẻ bớt một số quà gộp lại, gói thành một giỏ quà, đề tên người gởi là Phi Yến rồi kêu Hùng ra nhận, Ông nghĩ sao? Đi vài bước, ông gật đầu:

- Được lắm, được lắm, ý hay. Người ta sống vì hy vọng, suốt sáu năm qua, nó không có một tia hy vọng nào. Nếu giờ nó có một chút hy vọng, nó sẽ sống vui đến ngày được ra. Van vật biến chuyển luân hồi, vô thường mà. Niềm tin của ông Thông lây sang Tuân, chàng cũng thấy vui vui trong lòng.

Thế rồi theo sự xếp đặt của Tuyến, tù trưởng, Tuân và ông Thông cùng một người nữa nguyên là Mục Sư Tin Lành ra trực ở nhà thăm nuôi. Bốn người trực thăm nuôi từ sáng sớm. Đến khoảng ba giờ chiều người thăm nuôi đã vãn. Cả bốn người trực thăm nuôi đều đã nhận đươc quà. Tuân lấy ra một giỏ đệm (tiếng địa phương chỉ cái giỏ đan bằng cói), rồi bốn người tập trung được một ký đường tán, một gói kẹo, một gói đậu phọng rang, một gói chuối khô, một gói mắm ruốc, một keo muối xả, một áo thung, một quần đùi, một khăn tắm, một xà bông thơm, một hộp kem đánh răng, một bàn chải đánh răng, một lọ thuốc cảm. Toàn những thứ cần thiết cho một người tù. Tuân cẩn thận gói kỹ xếp vào giỏ đệm. Tuyến lấy giấy ra viết:

Người gởi: Phi Yến, TP HCM.

Người nhận:Nguyễn Phi Hùng, Trại Cầu Ván, Rạch Sỏi, Rạch Giá, Kiên Giang.

Ông Thông ghim cẩn thận vào giỏ đệm. Tuyến kêu lớn vô loa "Nguyển Phi Hùng có thăm nuôi". Tuân nhìn vô trại, chỉ thấy trại xôn xao hẳn lên, nhưng không thấy Hùng đi ra. Chắc Hùng không tin. Tuyến phải gọi đến lần thứ ba. Hùng mới dám ra. Cả trại ngạc nhiên, vì suốt sáu năm Hùng chưa bao giờ được thăm nuôi. Nhiều người lên tiếng:

- Hùng có thăm nuôi là nó sắp được về đó.

- Mày lên hương rồi Hùng ơi.

- Vậy là nó hết lo là người cuối cùng đóng cửa trại.

Ra đến nhà thăm nuôi rồi, Hùng chưa tin, Hùng run run hỏi:

- Con có thăm nuôi thiệt hả chú Tuyến? Tuyến nghiêm nghị, lớn giọng :

- Không thiệt, bộ tao đùa với mày à?

- Trời đất! Ai gởi cho con vậy mấy chú ?

- Tên người gởi là Phi Yến. Phi..Phi thì đúng là chị em mày chớ ai. Chị em thiệt hay bồ tèo mảy? Tuân ái ngại cho Hùng, Tuyến pha trò kiểu này, làm Hùng run thêm, coi chừng còn bể kế hoạch nữa! Tội nghiệp, mặt Hùng cứ đỏ lên. Hùng ôm cứng giỏ đệm cúi đầu lễ phép lí nhí: "Dạ, Con cám ơn các chú". Rồi Hùng quay ra chạy một mạch về trại không kịp nhìn ai. Tuân dõi theo Hùng về tới trại. Nhiều người xúm lại hỏi thăm Hùng. Tuân thầm nghĩ, anh chàng cảm động và mừng dữ. Nhưng trong lòng chàng cũng đâng lên tâm cảm xót xa. Đâu là biên giới giữa giả và thật trong hoàn cảnh này.

- Dù gì đi nữa, đối với Hùng vẫn là niềm hạnh phúc, niềm hy vọng, mùa xuân đến.

Tối ấy, Tuân và Ông Thông về trại pha trà ăn kẹo nhâm nhi, nằm nghỉ. Tuân kín đáo theo dõi thấy Hùng luôn nở nụ cười. Hùng đi tới đi lui, đầu cúi xuống như suy nghĩ mông lung lắm, trộn với vẻ suy tư trong khuôn mặt khá rạng rỡ hy vọng. Cái tên Phi Yến một lần nữa làm cho trái tim Hùng đập rộn ràng xao xuyến trở lại. Mùa Xuân lại trở về với Hùng. Hùng lại có niềm tin nhân quả yêu đời. Mùa xuân vẫn đẹp sao! Trời sập tối, những ngọn nến được đốt lên đây đó. Hùng đến chỗ Tuân:

- Chú ạ, con không ngờ Phi Yến còn nhớ đến con. Hùng thừ mặt ra băn khoăn tiếp, mà sao Yến biết con còn ở đây. Yến cũng không để địa chỉ, con không biết sao liên lạc được với Yến. Ông Thông mở lối:

- Nhân duyên em ơi! Hỏi thăm riết cũng biết chớ. Yến không để địa chỉ vì sợ phiền cho cả hai bên.

Hùng lặng yên, rồi mời mọi người ăn chuối khô, kẹo và đưa nguyên ký đường tán cho Tuân.

- Con gởi chú nấu chè ăn cho vui.

Tuân biết Hùng chân thành và là thanh niên rất thảo, chàng từ chối:

- Cháu giữ ăn dần, ngày tù còn dài, tuần tới Tết sẽ tính. Khi nào nấu chú sẽ kêu cháu góp.

Uống trà xong Hùng hỏi ông Thông "Thứ sáu tuần tới là Tết, phải hông chú" Ông Thông gật đầu, Hùng hỏi tiếp "Hôm nay coi như ngày Ông Táo về Trời, con muốn cúng Mẹ con, con đọc kinh gì Chú?"

- Cúng Mẹ thì cứ đọc kinh báo hiếu là được. Em thuộc chưa?

- Dạ thuộc. Thưa chú hồi chiều con xin dược sáu thẻ nhang. Tối nay con đốt ba cây, đọc thời kinh cho Mẹ con. Còn ba cây để tuần sau con cúng giao thừa. Ông Thông nhìn Hùng gục gật đầu ân cần trìu mến. Hùng có vẻ mãn nguyện về chỗ nằm. Lúc sau Tuân để ý thấy Hùng lui cui bày kẹo bánh lên một tờ giấy, đốt nhang cắm trên đất, cúi lạy rồi chắp tay ngồi đọc kinh như ông Thông. Mùi nhang thơm ngào ngạt tỏa ra như mong mùa xuân đến với những người tù. Xuân đang ở trong lòng mọi người rồi đó. Hương thơm khói nhang cũng làm Tuân nhớ nhà, nhớ vợ con, nhớ mẹ lúc cụ đốt nhang cúng giao thừa. Trong bóng đêm mịt mùng có tiếng giun dế vọng đến từ đồng ruộng ngoài trại. Đây đó thoảng đến những tiếng thở dài lẫn với tiếng dế ngập ngừng, nhịp nhàng như đón bước chân nàng Xuân.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Tuesday, January 15 @ 12:45:40 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang