Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27895112
page views since June 01, 2005
MS63 - 10/07: Bạo Hành Trong Gia Đình

Bạo Hành Gia Đình

Chỉ Xảy Ra Cho Người "Ít Học"?

Thiên Trang Nguyễn Phan
Chương trình CADV

Tháng 10 là tháng nhận thức về Bạo Hành Trong Gia Đình.

Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, tôi đã rất nhiều lần chứng kiến cảnh “lục đục” của gia đình hàng xóm. Chuyện chồng uống rượu say, về nhà đánh vợ doạ con xảy ra như cơm bữa. Tôi nhớ rất rõ những buổi chiều chạng vạng ấy, cái không khí chờ đợi, sự im lặng căng thẳng trước khi bão nổi: người vợ đang trò chuyện với hàng xóm lo tất tả chạy về nhà, càng tỏ ra bận rộn với công việc nấu nướng quét dọn càng tốt; mấy đứa con đang la ó đùa giỡn ngoài đường bị mẹ gọi vào nhà, con gái ngồi xuống giúp mẹ rửa rau, con trai ra giếng tắm, hay lẻn ra sau hè. Muốn đóng cổng lắm, để tiếng ồn giảm bớt, xấu hổ giảm bớt, nhưng “ổng” về tới nhà mà thấy cổng đóng thì càng thêm rắc rối!



Tôi nhớ rất rõ ánh mắt hoảng sợ của những đứa con khi chúng chạy qua nhà hàng xóm, theo lời dặn của mẹ, chờ đến khi yên lặng rồi hãy về. Ngày nay, khi làm việc với nạn nhân bạo hành trong gia đình, tôi luôn tự nhắc nhở mình phải cùng họ bàn về “kế hoạch an toàn”, nhưng đôi khi tôi quên đi rằng kế hoạch an toàn không phải là một danh sách “những điều cần và nên làm” máy móc, mà được kết đọng từ suy nghĩ, tâm huyết của những người trong cùng hoàn cảnh với những cô hàng xóm năm xưa của tôi. Nó là kinh nghiệm rút ra từ những tháng năm sống trong lo sợ, bất an, không hiểu mình đã làm nên lỗi lầm gì, khi nào lại “xảy ra chuyện”, và bất lực vì không có con đường thoát.

Ngày ấy, không ai dùng đến chữ “bạo hành trong gia đình” để diễn tả những bi kịch gia đình này. Chỉ vài năm trở lại đây, khi lướt qua báo chí và truyền thông ở Việt Nam, tôi đọc thấy rất nhiều những trường hợp phụ nữ bị chồng đánh đập dã man, dẫn đến thương tích nặng nề, thậm chí tử vong. Bạo hành trong gia đình đã trở thành một khái niệm khá quen thuộc, ít nhất trong phương tiện truyền thông đại chúng, và bắt đầu được định nghĩa, phân tích, và thống kê. Bạo hành trong gia đình nay được mô tả là diễn ra dưới nhiều hình thức, bao gồm bạo hành về thể xác; khủng bố về tinh thần; nhục mạ, mắng chửi; kiểm soát kinh tế nhằm tạo lệ thuộc về mặt tài chính; lạm dụng tình dục; kiểm soát từ việc làm đến giao thiệp, thăm hỏi bạn bè, gia đình, họ hàng, v.v. Tuy vậy, rất nhiều người – và éo le thay, ngay cả các chuyên viên tâm lý - vẫn cho rằng hầu hết những trường hợp bị bạo lực về thể xác thường xảy ra ở nông thôn, hoặc những người trình độ thấp, công ăn việc làm không ổn định, kinh tế khó khăn. Báo chí thì lại liên tục đưa ra những trường hợp phụ nữ bị bạo hành nặng nề về thể xác. Phần lớn những trường hợp này đều xảy ra khi người chồng uống rượu quá say, gây ra án mạng.

Những ví dụ này dẫn đến những hiểu lầm nghiêm trọng: chỉ có phụ nữ trình độ thấp hay kinh tế khó khăn mới bị bạo hành về thể xác. Nguyên nhân dẫn đến những tình trạng này là rượu. Cộng với rượu là nhiều tác nhân khác, như ghen tuông, cộc tính, thất nghiệp, v.v. Và cũng chính vì phần lớn các trường hợp bạo hành trong gia đình được báo chí kể đến là về thể xác, người đọc sẽ chỉ liên tưởng đến bạo hành thể xác mỗi khi nghĩ đến bạo hành trong gia đình, và mỗi khi nghĩ đến nạn nhân, họ sẽ chỉ liên tưởng đến phụ nữ “ít học”, kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định.

Thiết nghĩ, những quan điểm sai lầm này không phải của riêng ai, mà là vấn đề của mỗi xã hội. Bởi, ngay ở Hoa Kỳ đây, đã bao nhiêu lần chúng ta nghe – và nghĩ -– rằng phần lớn nạn nhân của bạo hành trong gia đình sống trong những khu vực “nguy hiểm”, nghèo khó; hẳn họ phải ít học, thiếu kiến thức để nhận biết bạo hành trong gia đình nên mới kéo dài mãi tình trạng này; còn những người có học, có hiểu biết, sẽ sớm tìm cách thoát khỏi hoàn cảnh của họ? Vào tháng 11 năm ngoái, khi báo chí trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn đưa tin một giáo viên dạy trường Virginia Run Elementary School tại Centreville bị giết bởi bạn trai, sáu năm sau khi người này dọn vào sống chung với nạn nhân trong nhà riêng của cô, nhiều bạn bè của tôi không khỏi ngạc nhiên nói với tôi rằng: “Tại sao một người phụ nữ có bằng cấp đại học, công ăn việc làm và nhà cửa như vậy lại có thể đến nông nỗi này?”. Hẳn đó cũng là suy nghĩ của không ít người hàng xóm, quen biết, ngay cả bạn bè và gia đình của nạn nhân: rằng một người có học vấn như cô không thể nào bị bạo hành được, hoặc nếu có bị bạo hành đi nữa, thì cũng “đủ thông minh” để tìm cách giải quyết! Chính suy nghĩ này dẫn đến việc nhiều nạn nhân “có học” che giấu hoàn cảnh của mình, không dám thổ lộ, tâm sự cùng ai vì sợ bị chê cười. Đây là một sức ép xã hội rất nặng nề, khiến cho nhiều nạn nhân tiếp tục chịu đựng trong câm lặng. Đến khi án mạng xảy ra thì đã quá muộn. Có bao nhiêu trường hợp khác đã và đang kéo dài, dưới bao hình dạng khác nhau, sau cửa kín tường cao của những người phụ nữ “có học”?

Nói về cộng đồng người Việt chúng ta ở Hoa Kỳ: từ sau khi UBCNVB thành lập chương trình Chống Bạo Hành Trong Gia Đình đến nay, phần đông các nạn nhân được hỗ trợ là phụ nữ, đến Hoa Kỳ theo dạng bảo lãnh hôn thê. Các chị sinh ra và lớn lên ở Việt Nam và, cũng như tôi, hẳn đã hơn một lần chứng kiến cảnh “vợ lấy phải chồng vũ phu”. Hẳn các chị từng nghĩ rằng những cảnh này xảy ra khi người chồng uống rượu quá say, không kiềm chế được mình. Hẳn các chị từng tự nhủ: “Khi mình lấy chồng, mình sẽ lựa chọn rất cẩn thận, bởi mình sẽ có kiến thức, có kinh nghiệm.” Và hẳn các chị từng tin tưởng rằng những cảnh như thế này sẽ không xảy đến với mình, bởi ai cũng muốn tin tưởng vào môt tương lai không bạo lực, hoặc nếu có bạo lực đi nữa, thì thứ bạo lực này cũng rất rõ ràng, dễ phân biệt, và dễ hiểu. Dễ hiểu để dễ thoát ra…

Thế rồi, sau khi trải qua bạo hành trong gia đình, các chị đều tự trách mình: “Tại sao mình lại để chuyện đó xảy đến với mình? Mình đã làm gì sai, đã gây ra lỗi lầm gì?” Chúng tôi có thể động viên các chị: “Các chị không nên tự trách mình. Các chị không bao giờ là người có lỗi. Bạo hành rất tinh vi, rất phức tạp. Nó là cả một quá trình…” Nhưng liệu các chị có tin chúng tôi không, khi mà mọi ánh mắt nhìn của người thân hay lạ đều bày tỏ một suy nghĩ chung: “Làm sao mà không biết trước được? Chỉ cần một chút thông minh thôi cũng đủ biết, qua Mỹ theo dạng chồng bảo lãnh, hay fiancé, là phải chịu rủi ro như vậy thôi!”

Một người đến tham dự hội thảo do văn phòng UBCNVB chi nhánh Adelphi tổ chức, sau khi nghe chúng tôi giới thiệu về chương trình Chống Bạo Hành Trong Gia Đình, thì bình luận: “Theo tôi nghĩ, bạo hành trong gia đình chỉ xảy ra nhiều cho những người ít học, chứ những phụ nữ trí thức, có nghề nghiệp chắc rất ít khi bị bạo hành. Phụ nữ ở Việt Nam bây giờ học vấn càng ngày càng cao, có công ăn việc làm tốt, nên khi qua đây chồng cũng khó mà bạo hành được.” Tôi còn nhớ, lúc ấy chị Kim Dung, Trưởng Chi Nhánh UBCNVB tại Adelphi, nhìn tôi đầy ý nghĩa. Chị vốn nhiều năm “lăn lộn” với chương trình, đã từng nghe nhiều, thấy nhiều, và hẳn đã từng phải giải thích nhiều lần cho cộng đồng rằng: “Bạo hành có thể xảy đến với bất kỳ ai!”

Lời nhận xét này cứ làm tôi băn khoăn mãi. Nó làm tôi nhớ lại những gì tôi đã nghe, đã thấy ở cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ. Nó diễn đạt một quan niệm vẫn còn rất phổ biến trong xã hội, quan niệm của chính tôi ngày xưa. Chính vì vậy, nó cũng đặt ra một thách thức không nhỏ: làm thế nào để cộng đồng nhận thức được rằng bạo hành trong gia đình không chỉ xảy ra cho người “ít học”, không chỉ bởi vì bạo hành có rất nhiều hình thức, kẻ bạo hành nhiều thủ đoạn, và “người trí thức sẽ có những phương pháp bạo hành tinh vi của trí thức”, mà bởi vì bạo hành trong gia đình không phải là hậu quả của thiếu học thức, đời sống kinh tế khó khăn, rượu chè be bét, hay những bất hoà trong gia đình?

Đánh đập, mắng chửi, cô lập, và cưỡng ép tình dục chỉ là những biểu hiện chứ chưa đủ để định nghĩa bạo hành trong gia đình hay miêu tả đúng bản chất của nó. Bạo hành trong gia đình là một sự áp bức. Giống như bao sự áp bức khác, bạo hành trong gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng có cùng một mục đích: thiết lập quyền lực và gia tăng sự chế ngự của một người đối với người khác, dựa trên một số quan niệm và tín ngưỡng nhất định về quyền hành, cấp bậc, và tính cách bình đẳng (hay bất bình đẳng) trong quan hệ gia đình. Bạo hành trong gia đình không bao giờ là một tai nạn hay một rủi ro nhất thời. Bạo hành trong gia đình là một quá trình biến chuyển dai dẳng, và nguyên nhân của bạo hành trong gia đình xét tận gốc rễ là tầng tầng lớp lớp những truyền thống và tiêu chuẩn đạo đức của một xã hội, đã được cá nhân hấp thu và biến chuyển. Người chồng có thể tự cho phép mình đánh đấm, mắng chửi, cô lập hay cưỡng ép tình dục vợ mình, không phải vì anh uống quá say, giận quá mất khôn, quá ghen tuông, hay quá thèm khát tình dục mà không kiềm chế được mình. Anh ta có thể cho phép mình làm những điều đó bởi vì anh tin rằng anh có quyền được uống say, giận, ghen, và quan hệ tình dục với vợ mình vào bất cứ lúc nào, vì anh là chồng, anh là một người đàn ông. Bất cứ ai, ít học hay có học, đều có thể tin rằng mình có quyền như vây.

Lý do tại sao nhiều phụ nữ bị bạo hành vẫn cắn răng chịu đựng thì đã được phân tích nhiều, và văn hoá luôn đóng một vai trò quan trọng. Người phụ nữ Việt Nam vốn tính cam chịu, bởi văn hoá Việt Nam vốn đề cao “một điều nhịn chín điều lành”, trong khi đa số đàn ông Việt Nam tính tình gia trưởng, độc đoán, muốn vợ luôn phải nghe lời mình. Chẳng phải ông bà ta ngày xưa từng dạy: “Chồng giận thì vợ làm lành/Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?” Người Việt Nam lại chú trọng nhiều đến thể diện, danh giá, nên muốn dấu chuyện gia đình, tránh “vạch áo cho người xem lưng”. Đa số phụ nữ Việt Nam luôn có tính hy sinh, chịu khó cho gia đình, và thường có tâm lý nhịn nhục để khỏi làm mất mặt cha mẹ.

Tuy vậy, xét văn hoá Việt Nam để hiểu thái độ của người Việt Nam đối với bạo hành trong gia đình là cần thiết nhưng chưa đủ. Có phụ nữ Việt Nam không cam chịu, và cũng có nam giới Việt Nam không gia trưởng. Bạo hành trong gia đình là một sự lựa chọn hoàn toàn tự chủ của một cá nhân, bất kể trình độ học vấn hay giàu nghèo. Cá nhân đó tin rằng mình có quyền quyết định cuộc sống của người bạn đời, con cái, người yêu, hay cả những người thân khác.

Muốn biết thêm chi tiết về chương trình Chống Bạo Hành Trong Gia Đình, xin liên lạc với chúng tôi ở đường dây miễn phí: 1-866-883-9556 hoặc Virginia: 703-538-2190; Maryland: 301-439-0505.

Chương trình Chống Bạo Hành Trong Gia Đình của UBCNVB được sự tài trợ bởi Fairfax County Consolidated Funding Pool (2007); U.S Department of Justice, Office on Violence Against Women, Legal Assistance for Victim Grant Program (2006 WX- AX- 0036).

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Monday, September 10 @ 18:26:36 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· Buôn Người
· More about Bạo Hành Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Bạo Hành Gia Đình:
Thẻ Xanh Có Điều Kiện

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Bạo Hành Gia Đình


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang